(Tổ Quốc) - Vỡ nợ sẽ gây ra tác động kinh tế nghiêm trọng và kéo theo nhiều bất ổn xã hội.
Sau thời gian dài đối mặt với khủng hoảng kinh tế, Sri Lanka mới đây chính thức vỡ nợ. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi chính phủ Sri Lanka không còn khả năng thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD. Họ nhấn mạnh đây là bước đi cuối cùng trong bối cảnh giới chức không đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. Thông báo cũng nêu rõ biện pháp khẩn cấp này là phương án cuối cùng để ngăn rủi ro tài chính xấu đi và đảm bảo công bằng cho mọi chủ nợ.
Thâm hụt nguồn tiền dự trữ ngoại tệ - hệ lụy từ sau dịch COVID-19 đã khiến Sri Lanka cạn dần ngân sách trả nợ công: từ 6,9 tỷ USD năm 2018 xuống chỉ còn 2,2 tỷ USD trong năm nay. Việc tỷ lệ lạm phát chạm ngưỡng kỷ lục 18,7% hồi tháng 3 cũng đẩy quốc gia Nam Á này lâm vào cảnh khốn cùng chưa từng có: mất điện, khan thuốc chữa bệnh, nhiên liệu và nhiều loại lương thực cơ bản khác.
Vỡ nợ không phải là chuyện hiếm gặp
Việc một quốc gia vỡ nợ không phải là chuyện hiếm gặp. Liban, quốc gia từng được mệnh danh là "Thụy Sĩ của Trung Đông" cũng vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 3/2020. Nước này khi đó chìm sâu trong bất ổn, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ cùng núi nợ khổng lồ lên tới 90 tỷ USD, tương đương 170% GDP.
Theo dữ liệu từ các ngân hàng tại Anh và Canada được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trích dẫn, kể từ năm 1960, 147 chính phủ đã vỡ nợ. Con số này tương đương với hơn nửa chính quyền tiểu bang trên toàn cầu.
Các quốc gia có thể đứng trước rủi ro vỡ nợ nếu đi vay ngoại tệ quá nhiều
Ngoài ra, làn sóng bùng phát của dịch COVID-19 trong 2 năm trở lại đây cũng gia tăng thêm sức ép lên các nước thu nhập thấp và mới nổi, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Argentina, Ecuador, Lebanon và Zambia mới đây đã phải tái cấu trúc nợ để giải quyết bài toán kinh tế.
IMF định nghĩa vỡ nợ là việc các chính phủ thất hứa hoặc làm sai thỏa thuận vay nợ. Khi một quốc gia vay tiền từ các chủ nợ trong và ngoài nước, họ có nghĩa vụ phải trả cả gốc lẫn lãi dựa trên khoản vay đó. Nếu việc thanh toán lỡ hẹn do chính phủ không thể, hoặc không muốn thực hiện nghĩa vụ với chủ nợ, quốc gia đó sẽ bị coi là vỡ nợ.
Theo Investopedia, một trang web chuyên về tài chính, nền kinh tế suy yếu cùng chính sách chi tiêu thiếu thận trọng là một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro vỡ nợ. Các quốc gia cũng có thể lâm vào tình trạng này nếu đi vay nợ ngoại tệ quá nhiều. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu ngân sách thiếu hụt, ngân hàng trung ương sẽ không thể in thêm tiền để lấp đầy khoảng trống.
Ngoài ra, theo Moody’s, đà tăng trưởng chậm và tình trạng thất nghiệp cao kéo dài là hai trong số nhiều yếu tố dẫn đến khủng hoảng vỡ nợ. Bất ổn chính trị và khả năng quản lý tài chính yếu kém, chẳng hạn như Argentina hồi năm 2014 và 2019 hay Ukraine hồi năm 2015 cũng là những ví dụ điển hình.
Cùng nhìn lại câu chuyện của Sri Lanka. Bản thân nước này vay rất nhiều từ các chủ nợ nước ngoài để cung cấp dịch vụ công trong nước. Theo The Guardian, Trung Quốc chiếm khoảng 10% trong số 35 tỷ USD nợ nước ngoài của Sri Lanka, tính đến tháng 4/2021. Con số thậm chí được cho là có thể lớn hơn nhiều nếu tính gộp nợ của các công ty quốc doanh và ngân hàng trung ương.
Bên cạnh đó, Sri Lanka cũng không cố gắng tự chủ nền kinh tế bằng cách đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Hầu hết các mặt hàng, từ sữa bột, gạo, xăng dầu cho tới dược phẩm, xi măng đều được quốc gia Nam Á này nhập khẩu và rất khó để bắt gặp một sản phẩm dán mác Made in Sri Lanka trong các siêu thị tại địa phương.
Chính điều này đã đẩy Sri Lanka vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa dù đã thi hành nhiều biện pháp giảm thuế để kích thích kinh tế song việc này chỉ càng khiến nguồn thu của chính phủ thêm eo hẹp.
Thời kỳ đen tối đối với bất kỳ quốc gia nào
Vỡ nợ là thời kỳ đen tối nhất đối với bất kỳ quốc gia nào. Những người gửi tiền và nhà đầu tư trong nước lo ngại đồng nội tệ mất giá sẽ đổ xô rút tiền khỏi các ngân hàng và thị trường chứng khoán. Chính phủ khi đó sẽ buộc phải đóng cửa ngân hàng và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn để tránh rủi ro giá trị đồng nội tệ bốc hơi.
Hy Lạp vỡ nợ hồi năm 2015
Như Hy Lạp hồi tháng 6/2015 cũng đã phải tạm đình chỉ thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng trong suốt 1 tuần, đồng thời hạn chế lượng tiền mặt rút ra mỗi ngày để ngăn kịch bản khối lượng lớn đồng nội tệ bị chuyển ra nước ngoài.
Dĩ nhiên, một quốc gia vỡ nợ sẽ rất khác với một doanh nghiệp hay cá nhân vỡ nợ. Thay vì phá sản, các quốc gia sẽ có những lựa chọn khác, chẳng hạn như tái cấu trúc nợ bằng cách gia hạn thêm thời gian đáo hạn hoặc hạ giá nội tệ để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Sau khi vỡ nợ, việc thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt là điều khó tránh. Chẳng hạn như Hy Lạp sau khi tuyên bố vỡ nợ đã được nhận khoản cứu trợ lên tới 86 tỷ euro trong vòng 3 năm từ nhóm chủ nợ gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) song phải tuân thủ rất chặt các điều khoản cải tổ và chi tiêu hà khắc.
Vỡ nợ sẽ gây ra tác động kinh tế nghiêm trọng và kéo theo nhiều bất ổn xã hội. Một quốc gia vỡ nợ cũng khả năng cao ảnh hưởng đến thế giới, đặc biệt nếu đây là nước xuất khẩu.
Theo: WEF, Reuters
Vũ Anh