Liên quan đến quyết định mở thủ tục phá sản đối với Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL - DLG), ngày 13/10, ông Nguyễn Tường Cọt - Tổng Giám đốc DLG cho biết đã gửi đơn khiếu nại đến Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, đề nghị đình chỉ quyết định này.
Tiền nợ Lilama 45.3 chỉ chiếm 0,14% tổng tài sản DLG
Ngày 09/10/2023, Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai ra quyết định số 01/2023/QĐ-MTTPS, với nội dung mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Quyết định này có liên quan đến khoản nợ của DLG với Công ty Cổ phần Lilama 45.3 về việc cung cấp, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công công trình Thủy điện Đăk Pô Cô. Bản án số 03/2023/KDTM-PT ngày 08/02/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và quyết định thi hành án số 1044/QĐ-CCTHADS ngày 15/3/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Pleiku, DLG phải trả cho Lilama 45.3 khoản nợ gốc là 14.764.848.038 đồng và lãi chậm thanh toán là 2.362.501.654 đồng.
Theo ông Nguyễn Tường Cọt, DLG rất thiện chí, bằng mọi biện pháp để thương thảo với Lilama 45.3 nhằm thanh toán nợ. Hiện nay, Công ty đã và đang thực hiện việc trả nợ dần cho Lilama 45.3 theo quyết định thi hành án, nhưng do tài khoản của Công ty Cổ phần Lilama 45.3 bị phong tỏa, nên nhiều lần Công ty chuyển tiền đều bị chặn. Phải đến khi nhờ sự can thiệp của ngân hàng thì vào ngày 12/10/2023, Công ty mới chuyển trả được tiền cho Lilama 45.3.
Tại Công văn số 97/ĐLGL-VP đã giải trình rõ: "Tập đoàn Đức Long Gia Lai là Công ty đại chúng, cổ phiếu được niêm yết trên Sàn chứng khoán HOSE với gần 50.000 cổ đông và vẫn đang hoạt động bình thường theo đúng các quy định pháp luật hiện hành. Công ty có tài sản trên 10.000 tỷ đồng và nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nợ phải thu khá lớn từ các đối tác, khách hàng". Số nợ với Lilama 45.3 là rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,14% tổng tài sản của Công ty.
Theo báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của DLG đã được kiểm toán và công bố thông tin, thì hệ số thanh toán nhanh và hệ số thanh toán tổng quát của Công ty đều trong giới hạn cho phép, phản ánh khả năng thanh toán của Công ty đối với các khoản nợ đến hạn. Chứng tỏ công ty không mất khả năng thanh toán, không lâm vào tình trạng phá sản thuộc trường hợp tòa án phải ra quyết định mở thủ tục phá sản.
Đề nghị đình chỉ quyết định
Về vụ việc này, luật sư Lê Lu, nguyên Chánh tòa Tòa Kinh tế (Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai), nay là luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Ngô Đức Nam (tỉnh Gia Lai) cho hay, thẩm phán phải nhận thức được rằng Luật Phá sản là giải pháp cuối cùng để doanh nghiệp không rơi vào tình trạng khánh kiệt. Vì vậy, thẩm phán khi ra bất kỳ quyết định gì cũng phải lường trước mọi hậu quả pháp lý và thực tiễn của quyết định được ban hành.
"Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản khi chưa thực hiện tất cả các hành vi tố tụng theo quy định tại Điều 42 của Luật Phá sản năm 2014 là sự thiếu cẩn trọng, dẫn đến nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp và người lao động. Tất nhiên, doanh nghiệp có quyền căn cứ vào Điều 44 Luật Phá sản để yêu cầu cấp thẩm quyền xem xét lại, kiến nghị kháng nghị quyết định mở thủ tục phá sản nhưng thiệt hại về thương hiệu, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm sao đo lường được trong điều kiện nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ vừa mới phục hồi sau đại dịch và sự biến động của tình hình chính trị thế giới", luật sư Lu nói thêm.
Trong đơn khiếu nại của DLG gửi Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, ghi rõ: "Trong quá trình thụ lý đơn đề nghị mở thủ tục phá sản, Công ty chưa được thẩm phán thụ lý mời làm việc cụ thể để xác định Công ty có bị mất khả năng thanh toán không. Đồng thời Tòa án chưa tổ chức cuộc họp để các bên đối thoại, thương thảo việc trả nợ và xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán theo quy định tại Khoản 3 Điều 42 Luật Phá sản năm 2014.
Vì vậy, với những nội dung mà DLG đã giải trình tại Công văn số 97/ĐLGL-VP ngày 09/8/2023 và Biên bản lấy lời khai ngày 05/9/2023, Công ty vẫn khẳng định không mất khả năng thanh toán và việc Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 09/10/2023 là không đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Phá sản năm 2014. Hiện nay, Công ty đang duy trì việc trả nợ cho Công ty Cổ phần Lilama 45.3 theo quyết định thi hành án, nên việc Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai ra quyết định mở thủ tục phá sản là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014".
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai là doanh nghiệp có nhiều đóng góp và có tầm ảnh hưởng về kinh tế - xã hội tại tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng năm nhiều tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tường Cọt, việc Lilama 45.3 gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty nhằm mục đích tạo áp lực, gây mất uy tín của Công ty, buộc phải thanh toán nợ theo yêu cầu một cách ngang ngược, không theo lộ trình. Một lần nữa, tôi khẳng định DLG không thuộc diện phải mở thủ tục phá sản, kiên quyết trả nợ theo thi hành án. Với kiểu đòi nợ và dễ dàng mở thủ tục phá sản kiểu này thì phần lớn các doanh nghiệp trong cả nước đều dính phải phá sản, tạo thông lệ xấu cho các doanh nhân, doanh nghiệp.
"Việc Tòa án ban hành quyết định mở thủ tục phá sản khi chưa kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng về tính pháp lý và thực tế của vụ việc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, đến công ăn việc làm, đời sống của người lao động và nộp ngân sách nhà nước của Công ty đúng vào dịp cả nước đang tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2023, đây là việc không nên làm.
Đề nghị Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xem xét lại theo đúng quy định của Luật Phá sản để ra quyết định đình chỉ quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 09/10/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai", Tổng Giám đốc DLG nói thêm