Sự vào cuộc của cơ quan quản lý là cần thiết, nhưng theo ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm (IAV), tư duy theo đuổi chất lượng của doanh nghiệp bảo hiểm là đòn bẩy lớn nhất giúp thị trường vực dậy sau khủng hoảng.
"Gạn đục khơi trong" thị trường
Trên thực tế, kể cả thị trường bảo hiểm không có những biến cố thời gian qua, cơ quan quản lý cũng đã nhận thấy cần thiết bổ sung các quy định, theo Luật kinh doanh bảo hiểm mới để bao quát các vấn đề phát sinh của thị trường.
Từ tháng 7 năm nay, Nghị định kinh doanh bảo hiểm được ban hành với nhiều điều kiện chặt chẽ hơn đối với hoạt động đại lý bảo hiểm cá nhân và tổ chức. Đơn cử, doanh nghiệp phải thành lập bộ phận chuyên trách để quản lý bảo hiểm đối với tổ chức tín dụng. Người đứng đầu bộ phận chuyên trách phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm hoạt động trong cùng lĩnh vực. Doanh nghiệp cũng phải trang bị hệ thống công nghệ phù hợp, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin hợp đồng bảo hiểm khai thác qua đại lý...
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định cũng đang được Bộ Tài chính xây dựng, dự kiến có thêm nhiều "hàng rào" bảo vệ quyền lợi người tham gia, như doanh nghiệp phải ghi âm lại quá trình tư vấn hoặc thiết kế bảng hỏi một cách rõ ràng hơn…
Tuy nhiên, theo giới bảo hiểm và kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, thị trường vẫn cần thêm/còn thiếu một cơ chế xử lý thống nhất giữa ngân hàng và doanh nghiệp, giúp họ đạt được tiếng nói chung khi xử lý các đại lý sai phạm.
Trong khi chờ một cơ chế chung từ cơ quan quản lý, một số đơn vị trên thị trường như Prudential cũng đã phối hợp cùng đối tác VIB chủ động thiết lập "Ủy ban Quản lý Chuẩn mực ứng xử Khách hàng" nhằm thống nhất hình thức xử phạt răn đe với nhân viên làm sai, cũng như phân loại các tệp khách hàng phù hợp với từng loại hình bảo hiểm riêng. Hai bên lựa chọn ứng xử khắt khe hơn với kênh bán qua ngân hàng, đặc biệt là đưa tỷ lệ duy trì hợp đồng tối thiểu vào cam kết chung.
Doanh nghiệp cần hành động quyết liệt hơn!
Ông Ngô Trung Dũng nhận định: "Khuôn khổ pháp lý chặt chẽ giúp bảo vệ khách hàng tốt hơn nhưng chính doanh nghiệp phải tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng mới có thể thay đổi diện mạo thị trường bảo hiểm".
Thay vì hô hào khẩu hiệu tuyển dụng như trước, một số doanh nghiệp bảo hiểm trong những năm qua đã theo đuổi chiến lược xây dựng đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp. Chất lượng đội ngũ tư vấn viên qua đó được cải thiện đáng kể song theo ông Dũng, doanh nghiệp cần hành động quyết liệt hơn.
Đại diện Prudential Việt Nam cũng cho biết hãng đã tập trung vào chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua. Thay vì chạy theo doanh số hay thị phần, Prudential Việt Nam ưu tiên mục tiêu nâng cao chất lượng tư vấn.
Là doanh nghiệp kiểu mẫu hàng đầu về chất lượng nhân sự ngành bảo hiểm, đại diện Prudential nhận định, với một tư vấn viên mới bước vào nghề, 90 ngày đầu tiên là tối quan trọng. Đây là khung thời gian "vàng" quyết định liệu họ có bộ khung nền vững vàng và đủ lửa đam mê để gắn bó với nghề hay không.
Chính vì thế, Prudential Việt Nam đầu tư đội ngũ nhân lực/quản lý theo sát và hỗ trợ cho tư vấn viên mới trong 90 ngày đầu tiên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng có Câu lạc bộ Mentor để hỗ trợ tư vấn viên trong quá trình hoạt động với chương trình Mentor – Mentee. Các hoạt động đào tạo, huấn luyện chuyên sâu được thiết kế hàng tuần nhằm nâng cao kỹ năng của tư vấn viên với nội dung đa dạng, gồm kiến thức chuyên ngành về sản phẩm, thị trường và kỹ năng mềm.
Theo Phó tổng thư ký IAV, tư vấn viên là một nghề khó và đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh đa số người dân còn hạn chế về nhận thức cũng như kỹ năng quản lý tài chính. Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, kể cả người trưởng thành Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính cá nhân. Vì thế, ông Dũng nhấn mạnh vai trò của tư vấn viên như một cầu nối giữa khách hàng với hãng bảo hiểm, giúp họ tạo dựng được một trong những trụ cột tài chính hiệu quả.
Việt Nam hiện có số lượng đông đảo hơn 800.000 đại lý bảo hiểm, gấp đôi so với Indonesia (quy mô dân số gấp 3 lần Việt Nam) và gấp 3 lần thị trường Nhật Bản, theo số liệu của Hiệp hội bảo hiểm. "Tuy nhiên, con số này không nói lên được mức độ chuyên nghiệp của thị trường mà thay vào đó, giới trong ngành nhìn vào số lượng đại lý chuyên nghiệp, vào số lượng các đại lý được công nhận các danh hiệu nghề nghiệp uy tín quốc tế. Một thị trường càng có nhiều đại lý được danh hiệu MDRT, COT, TOT… càng được đánh giá là chuyên nghiệp", ông Dũng chia sẻ.
"MDRT không chỉ là thước đo về doanh số. Đại lý đạt được danh hiệu này cũng thường là quản lý nhóm đại lý với vai trò dẫn dắt đội ngũ, lan toả về bảo hiểm. Họ được ví như đầu tàu dẫn dắt sự phát triển chung của nhân sự tư vấn bảo hiểm nhân thọ ", ông Dũng nói.
Prudential Việt Nam đang là doanh nghiệp đứng đầu thị trường trong nước với số lượng 1.976 thành viên MDRT, cách xa so với các doanh nghiệp khác, theo thống kê năm 2023 của Hiệp hội Bàn tròn Triệu đô (MDRT) tính đến tháng 6/2023. Đồng thời, Prudential cũng là doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng MDRT và số lượng MDRT lặp lại hằng năm cao nhất tại Việt Nam. Tính riêng 2023, trên toàn thế giới, Prudential Việt Nam đứng vị trí top 6 về số lượng MDRT.
Với những khó khăn của thị trường hiện nay, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm dự báo số đại lý MDRT có thể giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo ông, không thể đảo ngược đà tăng trưởng MDRT cùng với xu hướng giảm tự nhiên của số lượng đại lý nói chung, có nghĩa thị trường sẽ phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng vừa qua là một bài học lớn, theo lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm giúp thị trường tập trung tăng trưởng về chất thay vì ganh đua thị phần. Chuyên nghiệp hoá chất lượng nhân sự bảo hiểm trở thành mục tiêu chung mà toàn ngành bảo hiểm nhân thọ đang hướng tới.
(*) MDRT (viết tắt của Million Dollar Round Table - Hiệp hội Bàn tròn Triệu đô) là hiệp hội được thành lập từ năm 1927 dành cho các chuyên gia tư vấn tài chính và bảo hiểm xuất sắc, được công nhận trên toàn cầu, xét duyệt trên các tiêu chí về kết quả kinh doanh và thu nhập cụ thể.