(Tổ Quốc) - Mặc dù có các chỉ tiêu tài chính tương đối tốt nhưng cổ phiếu ngành nước vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Cùng với ngành điện, cổ phiếu ngành nước được coi là nhóm cổ phiếu phòng thủ trên thị trường chứng khoán vì nước sạch là mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt và sản xuất, kinh tế càng phát triển, tốc độ đô thị hóa càng cao, thì nhu cầu sử dụng nước sạch sẽ ngày càng tăng.
Hiện nay, có khoảng 30 mã cổ phiếu thuộc ngành nước đang được niêm yết trên thị trường HNX, HSX và UpCOM đã công bố BCTC quý 1/2020 với đa phần doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng, biên lãi gộp ở mức cao.
Theo đó kết thúc quý 1/2020 đa phần các doanh nghiệp ngành nước có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ trong đó dẫn đầu doanh thu của ngành thuộc về Nước – Môi trường Bình Dương (BWE), BWE đồng thời cũng là doanh nghiệp nước có tốc độ tăng doanh thu cao nhất trong nhóm. BWE cho biết nhờ đấu nối thêm được nhiều khách hàng sử dụng nước nên tổng số lượng tăng thêm trong quý 1/2020 là 6.458 khách hàng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước dẫn tới nhu cầu tiêu thụ nước sạch tăng. Ngoài ra, dân số tăng và tốc độ đô thị hóa cao nên việc thu gom rác thải tại các địa phương cũng cao, khối lượng rác thải xử lý cũng tăng lên đáng kể so với cùng kỳ. Các vị trí tiếp theo thuộc về CLW, DNW, TDW và đều có mức tăng trưởng doanh thu đạt 2 con số trong quý 1.
Ở chiều ngược lại quý 1 chứng kiến sự sụt giảm mạnh doanh thu của VSI do sụt giảm doanh thu hợp đồng xây dựng, NAW cũng có doanh thu giảm 9% so với cùng kỳ và HGW doanh thu giảm nhẹ.
So với nhiều nhóm ngành khác các doanh nghiệp ngành nước có biên lãi gộp khá cao, có tới trên 80% doanh nghiệp có biên lãi gộp trên 30% trong đó kết thúc quý 1/2020 những doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp cao nhất trong nhóm doanh nghiệp ngành nước có thể kể đến như VLW (65%), TNW (58%), DNN (51%), TDM (48%)…Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp ở mức "khiêm tốn" HGW, DBW, NAW hay CLW chỉ đạt 11%, cá biệt có trường hợp của SII lỗ gộp ngay quý 1/2020.
Sau khi trừ chi phí đa số doanh nghiệp ngành nước đều có lãi trong quý 1/2020 trong đó lãi lớn nhất vẫn thuộc về BWE, doanh nghiệp này lãi ròng 132 tỷ đồng tăng 27% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất quý 1 thuộc về DNW, lãi ròng đạt hơn 52 tỷ đồng cao gấp 2 lần cùng kỳ mặc dù doanh thu chỉ tăng trưởng 10%, BTW cũng báo lãi tăng gấp đôi nhờ sản lượng nước và giá bán bình quân tăng, giá vốn hàng bán lại giảm.
Tiếp đó TDW, CLW, NQT, VLW, DNN, BDW, BWE, VSI, NAW, DBW cũng công bố lãi tăng trưởng 2 con số trong quý 1. STW cũng đã gây bất ngờ khi nhiều quý trước đó báo lỗ hoặc lãi thấp, quý 1/2020 có lãi 6,8 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại TDM, LAW, GDW, VCW, TNW báo lãi sụt giảm mạnh. VCW cho biết lợi nhuận giảm là do hạng mục trạm điều tiết Tây Mỗ và đường ống truyền tải nước 6,4km hoàn thành khiến khấu hao và lãi vay tăng thêm 19 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn trích lập dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn 10 tỷ đồng, khiến tổng chi phí tăng 54% so với cùng kỳ. Đối với TDM do công ty điều chỉnh khung khấu hao theo quy định của Bộ Tài chính khiến giá vốn tăng cao, tính riêng chi phí khấu hao tài sản cố định là 25 tỷ đồng, so với mức trích 12 tỷ đồng của quý 1/2019.
Cá biệt có trường hợp thua lỗ của SII, kinh doanh dưới giá vốn và không còn khoản hỗ trợ không hoàn lại của UBND TP HCM cho dự án nhà máy nước Củ Chi khiến SII báo lỗ 9 tỷ đồng trong quý 1/2020.
Là ngành thiết yếu, kinh doanh ổn định, khả năng sinh lời tốt, cơ cấu vốn an toàn, chỉ số định giá tương đối hấp dẫn, dòng tiền hoạt động kinh doanh và tỷ lệ tài sản tiền mặt dồi dào giúp duy trì chính sách cổ tức tiền mặt đều đặn… Ngoài ra, Nhà nước cũng đặt mục tiêu cho ngành nước tới năm 2025, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch là 95%, tỷ lệ nước thải được xử lý tập trung là 70%, tỷ lệ thất thoát nước là dưới 15%.
Tuy nhiên hầu hết cổ phiếu ngành nước đang có thanh khoản rất thấp. Tính từ đầu năm nay đến nay, trên sàn UPCoM, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp ngành nước có khối lượng giao dịch bình quân là con số 0, nếu là cổ phiếu có thanh khoản thì cũng chỉ đạt vài ngàn cổ phiếu mỗi phiên.
Đáng chú ý thời gian trở lại đây, với làn sóng đẩy mạnh cổ phần hóa, triển vọng đối với cổ phiếu và doanh nghiệp trong ngành nước được đánh giá đang thay đổi. Chủ trương xã hội hóa ngành nước của Chính phủ đã thu hút nhiều công ty tư nhân tham gia sâu vào mảng kinh doanh có điều kiện này, nhiều “tay chơi” lớn xuất hiện như Cơ điện lạnh (REE), DNP Water, AquaOne...
DNP đã chuyển hướng sang sản xuất, cung ứng nước sạch với việc đầu tư vào Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen) và Công ty cổ phần Bình Hiệp. Cũng từ đây, DNP liên tiếp tăng vốn điều lệ và liên tục tiến hành mua lại cổ phần của nhiều doanh nghiệp ngành nước.
REE cũng chính thức tham gia các ngành cơ sở hạ tầng điện, nước từ năm 2010, xem đây là các ngành đầu tư chiến lược dài hạn. REE hiện sở hữu 3 nhà máy nước nguồn tại TP HCM và 1 nhà máy tại Hà Nội với tổng công suất thiết kế 1,2 triệu m3/ngày đêm. Ngoài ra, REE còn đầu tư sở hữu các doanh nghiệp cấp nước khác như Cấp nước Gia Định, Cấp nước Khánh Hòa, Cấp nước Nhà Bè…
Tiếp đó là Aqua One của "Sharrk Liên" cũng đang thể hiện tham vọng trên thị trường nước sạch khi mới đây Nhà máy nước mặt sông Đuống đã khánh thành giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư giai đoạn này lên đến 5.000 tỷ đồng. Đây là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn tại miền Bắc với công suất 300.000 m3/ngày đêm và quy hoạch lên tới 900.000 m3/ngày đêm vào năm 2030. Ngoài ra, AquaOne còn sở hữu Nhà máy nước mặt sông Hậu tại Hậu Giang, quy mô 100.000 m3/ngày đêm và dự án Nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình, công suất giai đoạn 1 là 150.000 m3/ngày đêm.
Việt Dũng