(Tổ Quốc) - Trong một năm nhiều biến động với đại dịch Covid-19 lan khắp toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề của nền kinh tế, trong đó có ngành bán lẻ.
Dù khó khăn, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam vẫn đang nỗ lực trong cuộc đua mở rộng thị phần và chinh phục khách hàng.Trong cuộc đua này, nhiều doanh nghiệp Nhật đang tỏ rõ lợi thế, trong đó có thể kể đến AEON Việt Nam - "ông lớn" hiện đang giữ vững vị trí "Top 3 nhà bán lẻ uy tín Việt Nam" (Nguồn: Vietnam Report).
Khi người Nhật tham gia cuộc đua bán lẻ tại Việt Nam
Theo đánh giá của Tập đoàn Tư vấn Thị trường A.T Kearney (Mỹ) về chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), Việt Nam là một trong số 30 nền kinh tế có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới năm 2019. Còn theo Economist Intelligence Unit dự báo, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng về tầng lớp trung lưu nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tỷ lệ hộ gia đình có thu nhập hơn 10.000 USD/năm sẽ tăng từ 12% năm 2016 lên 17% năm 2021, hơn 50% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi lao động và hơn 40% dân số có tuổi dưới 24. Đây chính là những độ tuổi có nhu cầu tiêu dùng lớn nhất. Dân số vàng cùng với sự tăng nhanh của tầng lớp trung lưu đồng nghĩa nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cơ bản và cao cấp tăng mạnh.
Với các yếu tố trên, Việt Nam được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển và thu hút các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản như: AEON, Ministop, Uniqlo,… đầu tư và mở rộng thị trường.
Với AEON, sau 6 năm kể từ khi khai trương Trung tâm mua sắm đầu tiên tại Việt Nam năm 2014, doanh nghiệp này hiện đã phát triển 5 Trung tâm mua sắm, Trung tâm Bách hóa tổng hợp & Siêu thị, 24 cửa hàng chuyên doanh và trang thương mại điện tử Eshop. Đại diện AEON Việt Nam cũng cho biết, tỉ lệ tăng trưởng số lượng khách hàng đến AEON đạt trung bình khoảng 11,5%/năm, tỉ lệ tăng trưởng doanh thu trung bình là 15%/ năm.
Ghé trung tâm mua sắm AEON Tân Phú một ngày cuối tháng 8, lượng khách đến trung tâm khá đông, hoạt động mua sắm vẫn diễn ra rất nhộn nhịp. Theo đại diện của doanh nghiệp, sau khoảng thời gian chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, số lượng khách hàng đến mua sắm tại trung tâm đang hồi phục, đạt khoảng 70-80% so với giai đoạn bình thường. Vậy, điều gì đã giúp "ông lớn" ngành bán lẻ Nhật Bản "vượt bão" và trở về trạng thái "bình thường mới" một cách vững vàng?
Giải mã doanh nghiệp Nhật: sức hút lớn từ những chi tiết nhỏ
Là một thành viên của tập đoàn bán lẻ lớn đến từ Nhật Bản, với hơn 260 năm kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường Nhật Bản cũng như trong khu vực, AEON Việt Nam có trong tay những lợi thế nhất định trên đường đua hấp dẫn nhưng cũng đầy gian khó này. Trong đó, cách phục vụ tận tâm, thấu hiểu và nhân văn của nhà bán lẻ Nhật Bản đã và đang được lòng rất nhiều khách Việt.
Chị Ngọc Anh (Quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết, hầu như cuối tuần nào chị cũng ghé AEON Tân Phú mua đồ: "Mỗi khi bước vào AEON là tôi cảm thấy mình thoải mái. Ở trung tâm mua sắm mà còn bố trí cả những khu vực để phụ nữ thay tã cho con, cho con bú hay trang điểm. Mặc dù những thứ nho nhỏ như vậy không đóng góp trực tiếp vào doanh thu của doanh nghiệp, nhưng nó cho thấy người lãnh đạo luôn quan tâm đến khách hàng như với người nhà vậy, làm sao cho khách cảm thấy thoải mái nhất, được chăm sóc tốt nhất" - chị chia sẻ.
Dễ thấy, các siêu thị Nhật bao giờ cũng sở hữu một lượng lớn khách hàng thân thiết, tức là những người không chỉ "nhân tiện ghé qua" để mua hàng mà gần như gắn bó với siêu thị như một phần trong sinh hoạt hàng ngày của mình. Có những chi tiết vô cùng nhỏ nhưng luôn để lại ấn tượng khác biệt, giúp khách cảm thấy thoải mái nhất, được chăm sóc tốt nhất.
"Tôi ấn tượng tốt về AEON từ những ứng xử rất nhân văn của siêu thị này với khách hàng trước đây. Còn nhớ hồi năm 2018, khi bão số 9 đổ vào Sài Gòn, các tuyến đường đều ngập sâu. AEON Bình Tân là một trong những nơi đã lập tức sắp xếp để khách nào không thể về được có chỗ nghỉ lại qua đêm, trú bão. Ban Quản lý đã trực tiếp xuống tận nơi, động viên tinh thần những khách hàng đang kẹt lại, phát chăn mền, nước uống, bánh và sữa cho các em bé. Từ cách ứng xử đó, suốt hơn 2 năm qua, gia đình chúng tôi đã luôn chọn siêu thị này để mua sắm, như một cách đáp lại âm thầm. Khi họ luôn đặt khách hàng lên hàng đầu, chúng tôi trân trọng điều này và sẽ sát cánh trở lại cùng siêu thị trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc khó khăn", chị Trần Thị Hà - một khách hàng lâu năm của AEON Việt Nam bày tỏ.
Quả thật, bên cạnh sự đa dạng của hàng hóa, cách sắp xếp trưng bày tiện lợi, dễ thấy dễ mua, những nét văn hóa ứng xử nho nhỏ của các siêu thị Nhật luôn là "điểm nhấn" chinh phục trái tim khách hàng Việt. Từ những việc như AEON Long Biên phục vụ ghế cho khách hàng tránh nóng năm 2019, đến gần đây nhất là việc Ban Giám đốc AEON Việt Nam xuống tận sảnh để cảm ơn khách hàng đã ủng hộ suốt mùa Covid-19 đã thật sự "ghi thêm điểm" cho chuỗi siêu thị này.
Phó Tổng Giám đốc AEON Việt Nam đích thân cảm ơn khách hàng đã ủng hộ suốt mùa dịch
Được biết doanh nghiệp này không chỉ phục vụ Khách hàng tận tâm mà còn rất quan tâm, hỗ trợ nhân viên; không ít lần chúng tôi ghi nhận được hình ảnh các nhân viên của AEON Việt Nam thể hiện tình cảm với Công ty trên các trang mạng xã hội cá nhân, như gần đây là việc Công ty gửi tặng một phần quà thay lời tri ân đến 3.300 nhân viên của doanh nghiệp và của đối tác thuê tại AEON Bình Tân trong giai đoạn Covid-19 vừa qua. Giữa một thời kỳ mà nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự liên tục, hành động này của AEON Việt Nam đủ khiến nhân viên cảm thấy được động viên tinh thần, thêm gắn bó cùng doanh nghiệp.
Có thể thấy, dù trong hoàn cảnh nào, những doanh nghiệp Nhật như AEON vẫn luôn thể hiện văn hóa ứng xử thu phục lòng người, mang đậm chất Nhật Bản và đây cũng là yếu tố giúp họ gặt hái thành công tại thị trường Việt Nam.
Ánh Dương