Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đang xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình. Trung tâm này sẽ đóng góp gì cho sự phát triển của Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Thưa ông, từ năm 2016, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã quyết định đầu tư xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình – đây là một dấu mốc rất đặc biệt. Xin ông cho biết, từ đâu mà ông và các cộng sự lại có một quyết định đột phá như vậy?
Năm 2016, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình của chúng tôi bước sang tuổi 30 tuổi và sau gần 3 thập kỷ phát triển, Hòa Bình đã có doanh thu tăng rất nhanh, cứ mỗi 5 năm thì tăng 5 lần và nhiều năm trước tôi nhận ra thị trường trong nước không thể giúp cho Hòa Bình tiếp tục phát triển với tốc độ như thế nữa mà phải vươn ra thị trường nước ngoài. Khi xác định mục tiêu phát triển ra thị trường nước ngoài thì tôi thấy về lâu dài, Việt Nam chúng ta không thể khai thác lợi thế cạnh tranh về nguồn vật tư hay nhân công giá rẻ được mà phải có một lợi thế cạnh tranh bền vững hơn - đó là công nghệ. Vì vậy tôi quyết định phải đầu tư một trung tâm đổi mới sáng tạo, một trung tâm nghiên cứu phát triển để có thể đưa ra những phát minh, những sáng chế giúp cho ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đi đầu trong một số loại hình công trình mà tôi xác định chúng ta đang có lợi thế - đó là công trình cao tầng về nhà ở. Đó là lý do tôi thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình.
Vậy sứ mệnh của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình là gì?
Sứ mệnh của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình là kết nối các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà sáng chế, các công ty khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp bao gồm các quỹ đầu tư, các trường đại học, các viện nghiên cứu,.. cả trong nước và nước ngoài thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Tôi tin rằng sự cộng hưởng đó sẽ thúc đẩy nền kinh tế tri thức của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn và tạo đột phá cho kinh tế Việt Nam. Chỉ có những phát minh sáng chế, những đột phá về công nghệ mới giúp cho hàng hóa của Việt Nam có những tính chất vượt trội để cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường thế giới.
Qua cách ông chia sẻ thì có thể cảm nhận được ông có một niềm tin rất lớn vào sự sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam. Vì sao ông có niềm tin lớn như vậy?
Qua quá trình phát triển Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, khi làm việc với rất nhiều tập đoàn xây dựng hàng đầu trên thế giới đến từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ, Úc,... tôi nhận ra năng lực sáng tạo của người Việt Nam rất cao. Chúng ta đi sau nhiều nước nhưng chúng ta đã bắt kịp rất nhanh. Hiện nay, năng lực tổng thầu của các nhà thầu xây dựng Việt Nam không thua kém các nhà thầu của các nước phát triển ở một số loại công trình. Trong khi nhiều nước trong khu vực hiện nay còn lệ thuộc vào nhà thầu nước ngoài ở những công trình cao tầng, quy mô lớn, kỹ thuật cao thì Việt Nam chúng ta đã làm chủ công nghệ, nắm vững phương thức quản lý dự án và chúng ta đã làm tổng thầu những công trình rất lớn với quy mô 50-70 tầng cao hay 5-7 tầng hầm thì chúng ta đều làm tốt. Chúng ta luôn áp dụng rất nhanh những công nghệ mới nhất.
Hiện nay, trong bảng xếp hạng toàn cầu về Innovation (Đổi mới sáng tạo) thì Việt Nam đứng thứ 44 trong khi Philippines là 51 còn Indonesia là 87. Chúng ta cũng đứng đầu trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Như vậy, chúng ta đã vượt lên những nước có điều kiện thuận lợi hơn, phát triển sớm hơn trong hoàn cảnh hoà bình, trong khi chúng ta phải chịu sự khắc nghiệt của chiến tranh, bao cấp và cấm vận.
Điều đó cho thấy người Việt chúng ta có khả năng học hỏi rất nhanh và cực kỳ sáng tạo. Việc còn hạn chế là chúng ta chưa có môi trường phù hợp, chưa có đầy đủ điều kiện nhằm phát huy sự sáng tạo đó để có nhiều phát minh sáng chế đưa ra thị trường. Và tôi nghĩ việc xây dựng một Trung tâm đổi mới sáng tạo là cách tốt nhất tạo ra một môi trường thuận lợi để phát huy năng lực sáng tạo của người Việt Nam. Môi trường đó là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở.
Còn với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thì việc "đổi mới sáng tạo", ứng dụng khoa học công nghệ đã được quán triệt và thực hiện ra sao trong suốt quá trình xây dựng và phát triển?
Hòa Bình đã nhận ra nền kinh tế tri thức quan trọng như thế nào và ứng dụng công nghệ quan trọng như thế nào để có thể tồn tại, phát triển. Việc ứng dụng các công nghệ đấy cần phải được triển khai nhanh chóng mới kịp thời. Còn nếu chúng ta đi sau thì sẽ nhanh chóng bị lạc hậu và không thể sống sót trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Từ năm 1989, sau 2 năm thành lập, Hòa Bình đã đầu tư các máy vi tính trong việc quản lý. Hòa Bình cũng là một đơn vị đầu tiên nghiên cứu về hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM, rồi sau đó là xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng ISO 9000. Đến năm 2009, Hòa Bình đã thiết lập hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning). Năm 2011, chúng tôi đã thành lập phòng BIM (Building Information Modeling) - một giải pháp công nghệ trong quản lý dự án. Tất cả các thông tin về dự án đều được đưa vào trong dữ liệu dưới dạng bản vẽ 3D, từ đó có thể chia sẻ thông tin giữa các đơn vị quản lý dự án và nhà thầu, chủ đầu tư rất thuận lợi. Việc lập kế hoạch tiến độ, lập biện pháp thi công, lập dự toán,... tất cả đều trên một hệ thống dữ liệu như thế.
Vì có sự chuẩn bị nền tảng công nghệ, số hóa như thế nên chúng tôi đã phát triển rất nhanh. Ngay cả trong đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng tôi vẫn có thể hoạt động, vận hành được các dự án, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho công ty.
Vậy thì Hòa Bình có gặp khó khăn gì trong quá trình công nghệ hóa và chuyển đổi số như vậy?
Tất nhiên làm cái gì mới thì cũng có rất nhiều thử thách. Chúng tôi phải nghiên cứu, mày mò, phải đào tạo và hướng dẫn cho nhân sự. Một điều cực kỳ thử thách với các doanh nghiệp lớn khi chuyển đổi, áp dụng cái mới là làm sao vượt qua sức ì. May mắn là Hòa Bình đã luôn xây dựng văn hóa doanh nghiệp với tinh thần vượt khó, tinh thần đổi mới sáng tạo từ rất lâu rồi, thành ra những chương trình, những kế hoạch hành động về đổi mới sáng tạo, ứng dụng những cách thức, phương pháp mới trong quản lý cũng như trong kỹ thuật công nghệ đều khá thuận lợi.
Trong thời gian qua, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã đồng hành cùng rất nhiều sự kiện về hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, điển hình như việc trở thành nhà tài trợ của "Diễn đàn Cách tân Công nghiệp" ngày hôm nay. Vì sao doanh nghiệp và bản thân ông lại dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực này như vậy?
Lý do cũng giống như việc thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Hòa Bình, đó là chúng tôi muốn tạo ra sự kết nối, tạo ra hệ sinh thái để mọi người cùng phát triển. Việc chuyển đổi số là điều tất yếu trong nền kinh tế tri thức hiện nay. Chúng tôi muốn giúp cộng đồng doanh nghiệp ý thức được điều đó. Chúng tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm trong 35 năm xây dựng và phát triển Hòa Bình để các doanh nghiệp trẻ có thể đi nhanh hơn, phát triển bền vững hơn. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp khỏe mạnh thì nền kinh tế của Việt Nam mới phát triển bền vững và tạo được thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Xin cảm ơn vì những chia sẻ rất thú vị vừa rồi.
prlayout.cnnd.vn