Là doanh nhân thành đạt, cùng lúc điều hành đến 3 công ty, nhiều năm trở lại đây, Nguyễn Thị Minh Thu còn nổi tiếng trong giới với rất nhiều dự án thiện nguyện.
Chị đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị, không phải về những thành công trên thương trường, mà là các dự án, công trình đặc biệt, với những cách làm thiện nguyện sáng tạo, hiệu quả, nâng đỡ nhiều thân phận kém may mắn.
Nhiều người biết Nguyễn Thị Minh Thu là doanh nhân thành đạt. Một số khác lại chỉ biết chị qua các hoạt động thiện nguyện. Điều này khiến không ít người luôn cảm thấy khó có thể hiểu đầy đủ về một Minh Thu mà mình được tiếp xúc. Theo chị, vì sao lại có câu chuyện này?
Có lẽ vì lĩnh vực Minh Thu hoạt động khá đa dạng. Hiện nay, Minh Thu đang cùng chồng điều hành quản lý 3 doanh nghiệp. Trong đó, Công ty thủ công mỹ nghệ Thu Hương, chuyên về sản xuất sơn mài. Công ty hiện có xưởng sản xuất ở miền Bắc, miền Nam, showroom ở Hà Nội, có khoảng trên 100 nghệ nhân. Một cơ sở nuôi trai lấy ngọc ở vịnh Bái Tử Long và showroom khoảng 2.000m2 ở TP Hạ Long, cùng công ty ngọc trai và trang sức An Khánh.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Minh Thu rất thích hoạt động thiện nguyện. Năm 2021, hoạt động này được Minh Thu chia sẻ trong một sự kiện của các doanh nhân, khi được vinh danh là nữ doanh nhân xuất sắc truyền cảm hứng. Thu cũng không ngờ là câu chuyện làm thiện nguyện lại được nhiều người quan tâm, thậm chí hưởng ứng hơn nhiều nội dung khác mình chia sẻ về doanh nghiệp.
Chị có nhớ mình bắt đầu làm thiện nguyện từ bao giờ và cơ duyên nào đưa chị đến với hoạt động này không?
Từ ngày còn là công chức nhà nước, khi thấy hoàn cảnh khó khăn, mình luôn trích một ít để hỗ trợ. Sau này làm doanh nghiệp, có nhiều tiền hơn thì mới hoạt động thiện nguyện nhiều và bài bản hơn. Ngày mới lập gia đình, Thu khởi tâm hỗ trợ làm 10 căn nhà cho các gia đình khó khăn ở quê chồng – huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Đến nay, mình cùng các anh chị em trong các nhóm thiện nguyện đã phối hợp xây được khoảng 3.000 căn nhà cho các hộ gia đình khó khăn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nhiều hoạt động thiện nguyện khác chúng tôi đang triển khai như xây cầu cho bà con ở Vị Xuyên, Hà Giang, vận động tặng sách, tủ sách cho trẻ em ở các trường học, cho phạm nhân ở các trại giam, xây dựng trường mầm non ở Mù Cang Chải, Yên Bái, vận động chung tay xây dựng đường lên cột mốc biên giới…. Hiện nay, các công ty của Thu và chồng đều có quỹ riêng cho hoạt động này.
Chị có bí quyết nào để thuyết phục mọi người chung sức với mình và tổ chức hiệu quả các hoạt động thiện nguyện như thời gian qua không?
Quan trọng là cách làm và đằng sau mỗi sự hỗ trợ, nếu biết cách làm hiệu quả, mỗi hoạt động còn mang lại nhiều ý nghĩa khác, nhất là đoàn kết cộng đồng, gieo lòng nhân ái, lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng, xã hội.
Ví dụ, khi chúng tôi xây nhà cho người khó khăn, dự kiến ban đầu là 150 triệu đồng/1 căn nhưng thực tế, có những căn nhà được hoàn thiện khi số tiền mình hỗ trợ chỉ 50 triệu đồng, thậm chí là 20 triệu đồng. Vì khi làm thiện nguyện ở các địa phương, chúng tôi kết nối với chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đi khảo sát trực tiếp từng gia đình. Các buổi làm việc, quá trình trò chuyện như thế này, chúng tôi luôn cố gắng khơi lên tình thương yêu giữa người với người, phát huy tốt nhất tinh thần "lá lành đùm lá rách" ở chính những nơi chúng tôi đến làm thiện nguyện. Có khi, từ số tiền ban đầu chúng tôi hỗ trợ chỉ có 50 triệu đồng, gia đình đó được các anh chị em hỗ trợ mỗi người một vài triệu. Cán bộ thôn, xã cũng ủng hộ, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ hỗ trợ nhân công, chính quyền địa phương hỗ trợ giám sát việc thi công xây dựng. Nếu tất cả quy ra tiền, mỗi căn nhà phải cần từ 150 triệu – 250 triệu đồng. Khi chúng tôi triển khai xây dựng số lượng lớn ở một tỉnh nào đó, địa phương sẽ có đối ứng. Chúng tôi hỗ trợ 20 triệu – 30 triệu/căn thì tỉnh cũng hỗ trợ số tiền tương ứng…
Chúng tôi luôn đặt mục tiêu, làm thiện nguyện nhưng phải đúng đối tượng được hỗ trợ. Đây là tiêu chí chung của chúng tôi khi triển khai bất kỳ hoạt động thiện nguyện nào.