Doanh nhân Việt thế hệ F2 nuôi khát vọng đưa Việt Nam hóa rồng

Doanh nghiệp gia đình chiếm 70% số lượng doanh nghiệp Việt Theo thống kê của VCCI. Gần đây, thế hệ F2 của các doanh nghiệp nắm giữ vị trí lãnh đạo quan trọng tại công ty gia đình, tiếp nối thành công của thế hệ trước, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển thịnh vượng trong những thập kỷ tiếp theo.

Xu thế chuyển giao thế hệ của các gia tộc Việt

Sau năm 1986, Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới. Thế hệ doanh nhân khởi nghiệp đầu tiên đứng ra làm chủ. Khái niệm doanh nghiệp gia đình được biết đến là công ty trong đó người sáng lập hoặc người kế thừa nắm giữ phần lớn quyền biểu quyết. Gần 40 năm sau đổi mới, thế hệ doanh nhân đầu tiên có chỗ đứng vững chắc. Năm 2023, tại Việt Nam, 100 công ty lớn nhất đóng góp tới 25% GDP, tạo sức bật cho khu vực kinh tế tư nhân.

Khảo sát Thế hệ kế nghiệp (NextGen) năm 2022 của Việt Nam được thực hiện bởi công ty PwC Việt Nam cho thấy: 67% NextGen Việt Nam đang tham gia tích cực vào doanh nghiệp gia đình; 58% doanh nghiệp gia đình đã chuẩn bị kế hoạch kế nghiệp.

Trên truyền thông, hàng loạt tên tuổi lớn như Vinfast, Tập đoàn REE, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), Công ty Biti’s, Tập đoàn T&T cũng dần đưa thế hệ kế cận ra "chinh chiến"…

Khi tìm kiếm từ khóa "doanh nhân Việt thế hệ F2" sẽ thấy nhiều cái tên được nhắc đến như: Ông Phạm Nhật Quân Anh, con trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức trở thành cổ đông Vingroup. Con gái lớn của ông Vưu Khải Thành, Vưu Lệ Quyên được chọn làm CEO Biti’s. Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội bầu ông Đỗ Quang Vinh, con trai ông Đỗ Quang Hiển làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Phần lớn doanh nhân kế nghiệp thuộc thế hệ 8X, 9X. Họ có cơ hội học tập ở nước ngoài, tiếp cận văn hóa và tư duy phương Tây thay vì Đông Âu như thế hệ doanh nhân đi trước nê nắm bắt xu hướng kinh doanh trên thế giới nhanh và có tư duy cởi mở. Doanh nhân thế hệ F2 có tầm nhìn về những thị trường quốc tế. Doanh nhân F2 cũng quan tâm nhiều đến công nghệ, phát triển bền vững.

Cộng đồng kế nghiệp và khát vọng đưa doanh nghiệp Việt tầm vóc thế giới

Bên cạnh thuận lợi, thế hệ kế nghiệp gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Ngọc Mỹ - Phó chủ tịch Tập đoàn Alphanam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Alphanam, chia sẻ với báo chí: "Nếu thế hệ kế nghiệp không được chuẩn bị tốt và được đào tạo bài bản, quá trình chuyển giao thế hệ có thể bị đứt gãy".

Doanh nhân F2 không phải lập nghiệp với hai bàn tay trắng song họ phải nỗ lực, thậm chí đốt cháy giai đoạn để trưởng thành. Họ thiếu trải nghiệm và kinh nghiệm đương đầu với thách thức. Nhận thấy những điểm thiếu của mình và doanh nhân đồng trang lứa, bà Nguyễn Ngọc Mỹ thành lập CLB Doanh nhân trẻ kế nghiệp. Tham gia câu lạc bộ các thành viên có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và tham dự khóa đào tạo F2 Academy.

Doanh nhân Việt thế hệ F2 nuôi khát vọng đưa Việt Nam hóa rồng - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, đồng thời là người sáng lập F2 Academy trực tiếp tham gia quá trình đào tạo.

Khóa đào tạo triển khai từ 2020 đến nay theo hình thức EduNext Platform - nền tảng đào tạo trực tuyến cung cấp cho người học trải nghiệm học tập được Cá nhân hóa. Giảng viên là các doanh nhân tiêu biểu - lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam, cũng chính là cha, chú của các học viên. Giảng viên sẵn sàng trao cho thế hệ F2 những bí kíp tiếp quản một Công ty gia đình thành công và thành công vượt trội.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, đồng thời là người sáng lập F2 Academy trực tiếp tham gia quá trình đào tạo và bảo trợ cho chương trình cho biết, đây là khóa thử nghiệm đầu tiên của Học viên F2, trước khi nhân rộng mô hình đào tạo này.

"Các trường đào tạo quản trị nổi tiếng trên thế giới đều dạy về marketing, tài chính doanh nghiệp.... nhưng doanh nghiệp là con người, quản trị doanh nghiệp là quản trị con người, nên cần những con người có kỹ năng", ông Bình nói.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam cho biết, Hội đồng cùng với Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ thiết kế chương trình, dựa trên nhu cầu doanh nghiệp trong quá trình chuyển giao, để đưa ra những chương trình phù hợp cho học viên.

Doanh nhân Việt thế hệ F2 nuôi khát vọng đưa Việt Nam hóa rồng - Ảnh 2.

Học viên F2 Academy tham gia workshop Kết nối và Giao tiếp F1 - F2 trong khoá học.

Theo ông Trương Gia Bình, doanh nhân F2 có khả năng đóng góp, xây dựng cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, giúp đất nước hóa rồng nếu sau khóa học tiếp thu được năm điểm bổ sung, đó là: Có đam mê thay vì sống một cách mờ nhạt; Tích luỹ kinh nghiệm sống; Sự khác; Có kiến thức xã hội và có các mối quan hệ - tài sản lớn nhất của doanh nghiệp.

Tin mới