(Tổ Quốc) - Theo OSAM, đối tác cấp cao của AWS tại Việt Nam, bên cạnh yếu tố công nghệ thì ý chí quyết tâm của người lãnh đạo sẽ quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số nói chung và công cuộc dịch chuyển “lên mây” nói riêng.
Chuyển đổi số những năm gần đây được đề cập như một cuộc cách mạng, buộc các doanh nghiệp đều tham gia nếu không muốn bị bỏ lại phía sau so với đối thủ. Trong cuộc cách mạng này, điện toán đám mây có vai trò then chốt, trở thành chất xúc tác cho sự chuyển đổi.
Điện toán đám mây, hay nôm na là "lên mây", đề cập đến quá trình bảo trì, lưu trữ, quản lý, xử lý, phân tích và bảo mật dữ liệu bằng cách khai thác các máy chủ dựa trên Internet. Dữ liệu không được lưu trữ trên thiết bị vật lý mà trên đám mây, giúp doanh nghiệp quản lý điều hành tốt hơn, nâng cao năng suất và tối ưu hóa chi phí.
Tại Việt Nam, OSAM có thể coi là một trong những cái tên đầu tiên "bắt cặp" với Amazon Web Services (AWS-Công ty chuyên về điện toán đám mây của Amazon) để cùng gã khổng lồ người Mỹ đưa hành trình lên mây của doanh nghiệp dễ dàng hơn. Thành lập từ 2017, đến nay OSAM đã phục vụ hàng trăm doanh nghiệp hoạt động đa ngành, với nhiều cái tên lớn như Masan, Tiki, Panasonic, 30Shine, F88, VNPay,…
Ông Dương Vũ Minh - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc kinh doanh của OSAM cho biết từ kinh nghiệm thực tế của ông, 99% doanh nghiệp đã chuyển hệ thống lên môi trường đám mây thành công sẽ tiếp tục sử dụng sau đó và không quay về cách hoạt động truyền thống nữa.
"Thông thường khi các hệ thống đã lên cloud (đám mây) rồi thì tổng thời gian và chi phí doanh nghiệp phải trả cho tất cả quá trình vận hành, con người, hệ thống hạ tầng…sẽ tiết kiệm được khoảng 30-35%. Cụ thể, doanh nghiệp không phải quan tâm quá nhiều về mặt bảo trì, vận hành cho hệ thống đó nữa, từ làm mát, điện, khấu hao…không cần quá nhiều nhân lực để trực hệ thống server, giờ chỉ cần 1-2 nhân viên là đủ, còn lại giao phó cho đối tác nên chi phí sẽ giảm đi đáng kể".
Ông Dương Vũ Minh - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc kinh doanh của OSAM
Tuy nhiên, để thành công, đại diện OSAM nhấn mạnh yếu tố tiên quyết phải nằm ở ý chí của lãnh đạo, nghĩa là bên trên phải thông thì bên dưới nhân viên mới đi theo được.
"Thực tế nếu hệ thống vẫn chạy ngon, không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh thì nhiều lãnh đạo vẫn nghĩ chạy như vậy đủ rồi, họ không có nhu cầu phải chuyển mình. Sự chuyển mình có thể khiến họ gặp nhiều vấn đề hơn, ví dụ chẳng may họ không hợp với hệ thống mới thì chính họ lại bị cho nghỉ. Do đó phải có ý chí của lãnh đạo thì mới triển khai tiếp xuống dưới được".
Hiện tại, phía OSAM đang tập trung giải quyết, hỗ trợ khách hàng chuyển đổi lên đám mây thông qua hai mảng dịch vụ chính.
Thứ nhất, tư vấn cho doanh nghiệp về các giải pháp, dịch vụ có sẵn trên đám mây. Đối với một số doanh nghiệp đã lên mây nhưng không biết làm sao để tối ưu, phía OSAM sẽ đi vào khảo sát hệ thống hiện tại, tư vấn các dịch vụ khác trên cloud để khách hàng có thể chuyển đổi.
Nhóm dịch vụ thứ 2 là triển khai, trong đó phổ biến nhất là "chuyển nhà" giúp khách hàng lên đám mây. Thông thường, khách hàng sử dụng hệ thống server máy chủ rồi trạm lưu dữ liệu trên mặt đất (on-premises), nên để tận dụng được sức mạnh của điện toán đám mây thì buộc phải có bước chuyển đổi hạ tầng lên cloud. Với mỗi khách hàng, phía OSAM sẽ đưa ra những chiến lược riêng cho từng sản phẩm, dịch vụ vì "có cái phải đập đi làm lại, có cái bê nguyên si lên là dùng được".
Đặc biệt, về mặt công nghệ, đại diện OSAM tiết lộ trải qua 5 năm hoạt động, họ luôn lựa chọn đi cùng AWS. Thậm chí OSAM cũng là một trong những đối tác đầu tiên tham gia AWS Partner Network (Mạng lưới Đối tác của AWS), và đến nay đã trở thành đối tác cấp cao của ông lớn trong mảng điện toán đám mây này.
Ông Dương Vũ Minh nhớ lại phía OSAM đã "bén duyên" với AWS trong một lần đi hội thảo quốc tế vào khoảng năm 2015, 2016 và quyết định gắn bó cùng nhau bởi AWS là thương hiệu hàng đầu về công nghệ điện toán đám mây trên thế giới.
"AWS thống trị phần lớn các thị trường và đến giờ họ vẫn đang làm tốt điều đó, vì họ có 1 tinh thần mà tôi rất thích, đó là tinh thần "Như ngày đầu tiên". Tức là tinh thần khởi nghiệp, luôn đổi mới, cải tiến liên tục".
"AWS Partner Network đã không chỉ đồng hành cùng OSAM trong suốt quá trình tư vấn và triển khai mà còn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để đạt được kết quả tốt nhất trong dự án," ông Minh khẳng định.
Với sự hỗ trợ đắc lực của AWS, sau thời gian đánh mạnh ở thị trường nước ngoài, đại diện OSAM tiết lộ doanh nghiệp đã thu về và tập trung phục vụ khách hàng Việt Nam, bởi nhu cầu chuyển đổi số trong nước tăng khá cao, đặc biệt là sau giai đoạn Covid-19.
Ánh Dương