(Tổ Quốc) - Công ty TSMC cho rằng không thể sản xuất chip với tiến trình 3 nm cho dòng iPhone 14 theo kế hoạch.
Theo Phone Arena, TSMC và Apple đã hy vọng sẽ có thể xuất xưởng những con chip được sản xuất bằng quy trình 3 nm để trang bị lên dòng iPhone 14, dự kiến ra mắt vào nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, điều này có thể không trở thành hiện thực.
TSMC là công ty sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới với các khách hàng là những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Qualcomm và Nvidia. Dữ liệu của TrendForce cho thấy TSMC chiếm tới 54% tổng doanh thu bán dẫn toàn cầu trong năm 2020. Công ty này đã sản xuất chip trên tiến trình 5 nm cho Apple như Apple A14 Bionic (có mặt trên iPhone 12) hay M1 (xuất hiện trên MacBook Air, MacBook Pro và cả iPad Pro mới).
TSMC là đối tác sản xuất chip lớn của Apple. Ảnh: Phone Arena.
Năm 2019, Apple đã giới thiệu iPhone 11, sử dụng chip Apple A13 Bionic, phát triển trên tiến trình 7 nm với 8,5 tỷ bóng bán dẫn. Tuy nhiên, con số này khá thấp nếu so với 11,8 tỷ bóng bán dẫn trên chip Apple A14 Bionic hay 16 tỷ bóng bán dẫn có trên chip M1. Theo nguyên tắc chung, số lượng bóng bán dẫn càng lớn thì con chip đó càng mạnh và tiết kiệm năng lượng.
Đầu tháng 8, trang Digitimes đã tiết lộ dòng iPhone 14 (có thể ra mắt vào năm 2022) sẽ được trang bị chip Apple A16 Bionic, sản xuất dựa trên quy trình 3 nm của TSMC. “TSMC đang trong quá trình chuyển công nghệ sản xuất với quy trình 3 nm số lượng lớn vào nửa cuối năm 2022 cho các thiết bị của Apple như iPhone hoặc máy tính Mac”, trang Digitime viết.
Tuy nhiên, theo Seeking Alpha, TSMC đã xác nhận về sự chậm trễ trong việc sản xuất chip tiến trình 3 nm. Thay vào đó, TSMC dự kiến sẽ sản xuất chip A16 Bionic bằng cách sử dụng tiến trình 4 nm. Điều này có nghĩa là các mẫu iPhone 2022 sẽ không mang lại nhiều cải tiến về hiệu suất và mức tiêu thụ năng lượng như hy vọng ban đầu.
iPhone 14 có thể sẽ không được trang bị chip phát triển trên tiến trình 3 nm. Ảnh: Platform Decentral.
Apple cũng được cho là đang có kế hoạch sản xuất chip dựa trên tiến trình 4 nm cho M2. Đây là phiên bản kế nhiệm của chip Apple Silicon M1 được sử dụng trên máy Mac và iPad Pro (2021).
Sự chậm trễ này có thể tạo cơ hội cho Samsung trở thành công ty đầu tiên xuất xưởng chip 3 nm thay vì TSMC. Điều đó rất quan trọng trong cuộc chiến của ngành smartphone. Nhiều khả năng mẫu Galaxy S22 của Samsung sẽ trở thành smartphone đầu tiên có sở hữu chip 3 nm thay vì các mẫu iPhone 14.
Năm ngoái, Apple đã trình làng mẫu iPhone 12. Đây là mẫu smartphone đầu tiên được trang bị chipset dựa trên tiến trình 5 nm. Sau đó, dòng iPad Air 2020 của hãng cũng được sở hữu cấu hình tương tự.
Cả TSMC và Samsung đều được coi là những công ty dẫn đầu về sản xuất chip trên thế giới với lộ trình phát triển chip 2 nm. Đầu năm nay, IBM đã giới thiệu con chip 2 nm đầu tiên sử dụng kiến trúc nano Gate-All-Around (GAA) có thể cho phép đặt 50 tỷ bóng bán dẫn vào bên trong chip.
Tuy nhiên, IBM cho rằng sẽ thương mại hóa con chip 2 nm trong một vài năm tới. Trong năm nay, công ty này có kế hoạch sẽ sản xuất và thương mại hóa dòng chip với tiến trình 7 nm.
“Việc sử dụng chip 2 nm có thể làm nên điều kỳ diệu về tuổi thọ pin trên điện thoại thông minh. Cụ thể, bộ vi xử lý 2 nm giúp tiết kiệm pin gấp bốn lần so với những thiết bị dùng chip 7 nm như iPhone 11, Samsung Galaxy S10 hay Google Pixel 5. Điều này cũng có nghĩa với một lần sạc, bạn có thể sử dụng máy khoảng 4 ngày”, đại diện IBM cho biết.
Tham khảo: PhoneArena
Như Thủy