(Tổ Quốc) - Dịch bệnh dần được kiểm soát là một tín hiệu tích cực cho ngành bất động sản. Các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang tích cực tìm kiếm những cơ hội mới bất chấp các thách thức của đại dịch Covid-19.
Mới đây, trong buổi tọa đàm với chủ đề "Đầu tư bất động sản hậu Covid-19: Nắm bắt những cơ hội mới" được tổ chức bởi Hiệp hội các doanh nghiệp Malaysia tại Việt Nam, đại diện của nhiều đơn vị bao gồm công ty luật, chủ đầu tư, nghiên cứu và phân tích đã có những chia sẻ cụ thể về môi trường đầu tư vào bất động sản Việt Nam trong thời gian tới.
Tăng trưởng ổn định giữa Covid-19
Theo ông Trịnh Hoài Đức, Tổng giám đốc Realplus, nguồn cung bất động sản nhà ở trong 9 tháng đầu năm 2021 tại TP.HCM khá hạn chế. Các sản phẩm dẫn dắt thị trường trong 3 quý đầu năm lần lượt là đất nền, nhà liền thổ, căn hộ và phân khúc căn hộ hạng sang. Đối với thị trường căn hộ, nguồn cung trong quý III chủ yếu đến từ khu Đông, khu Nam, các quận trung tâm và khu Tây thành phố. Trong khi đó, nguồn cung nhà liền thổ chủ yếu tập trung ở khu Đông với 66%, còn khu trung tâm, khu Bắc và khu Tây cung cấp khoảng 10-12% sản phẩm mới cho thị trường.
Nguồn cung bất động sản nhà ở trong 9 tháng đầu năm 2021 tại TP.HCM khá hạn chế.
"Trong giai đoạn khó khăn, các chủ đầu tư đã phải tạm hoãn lịch trình công bố dự án mới. Đây cũng là thời điểm họ dành nhiều thời gian để quan sát, nghiên cứu và phân tích lại thị trường. Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực cũng đang cân nhắc kỹ lưỡng về những kế hoạch mua bán, sáp nhập dự án và quỹ đất trong lúc thị trường có xu hướng chững nhẹ", ông Đức phân tích thêm.
Phát triển quỹ đất sau Covid-19
Chia sẻ trong tọa đàm, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, đại diện của Gamuda Land – chủ đầu tư bất động sản danh tiếng đến từ Malaysia, cho biết có nhiều thách thức lớn về quỹ đất mà chủ đầu tư đang phải đối mặt hiện nay. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự khan hiếm quỹ đất sạch để phát triển dự án cũng như giá đất liên tục leo thang trong 3 năm qua.
Đối với Gamuda Land, là doanh nghiệp đầu tư bất động sản hàng đầu Malaysia với kinh nghiệm dày dặn trong phát triển các dự án khu đô thị quy mô lớn tại Đông Nam Á và Việt Nam, tầm nhìn chính xác về nhu cầu nhà ở tại các khu vực cận trung tâm đã được chứng minh bởi sự thành công trong việc biến Celadon City tại quận Tân Phú,TP.HCM, và Gamuda City tại quận Hoàng Mai, Hà Nội thành những dự án đắt giá từ các mảnh đất nghèo tiềm năng chỉ sau 15 năm.
Bà Khanh đánh giá thị trường bất động sản đang có sự chuyển động mạnh mẽ về khu vực, phát triển dự án đến các khu vực vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương, Long An với số lượng sản phẩm mới dồi dào.
"Theo quan sát của chúng tôi, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động M&A vẫn diễn ra rất mạnh mẽ tại TP.HCM và các khu vực lân cận. Nhiều chủ đầu tư nước ngoài đang rất chủ động trong việc hợp tác với các tập đoàn bất động sản trong nước tại những dự án có quy mô lớn", bà Khanh bình luận.
Đại diện Gamuda Land thể hiện mong muốn "mạnh tay" rót vốn cho việc tìm quỹ đất mới, mở rộng thêm các dự án thành công như Celadon City hay Gamuda City.
Chia sẻ về chiến lược mở rộng quỹ đất tại Việt Nam trong thời gian tới, đại diện Gamuda Land khẳng định, vùng đô thị TP.HCM mở rộng là thị trường chính mà doanh nghiệp đang theo đuổi bằng việc "mạnh tay" rót vốn cho việc tìm kiếm quỹ đất mới. Gamuda Land đang ráo riết khảo sát các tỉnh giáp ranh TP.HCM với cơ sở hạ tầng kết nối tiềm năng, và môi trường đầu tư thông thoáng để chọn ra các thương vụ giàu tiềm năng..
Tiềm năng của bất động sản Việt Nam
Theo đánh giá của Luật sư Trần Thái Bình đến từ LNT & Partners, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã giúp làm rõ một số vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các chủ đầu tư nước ngoài khi phát triển dự án tại Việt Nam.
Theo đó, các nhà đầu tư FDI có thể đấu giá các dự án đã xác định chi phí sử dụng đất, bao gồm dự án phát triển nhà ở và dự án xây dựng hạ tầng cho thuê hoặc chuyển nhượng.
Nhìn nhận ở góc độ chủ đầu tư, đại điện Gamuda Land cho rằng với tình hình lạm phát có thể tăng trong năm 2022, lĩnh vực bất động sản sẽ thu hút được sự quan tâm của người dân trong việc đảm bảo giá trị tài sản của mình. Bên cạnh đó, với quy hoạch tốt, hạ tầng phát triển, cơ cấu dân số vàng và sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu sẽ là động lực lớn cho thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục định hướng đầu tư trong việc phát triển bất động sản nhà ở không chỉ đối với các dự án khu đô thị mà cả các dự án đơn lẻ với quy mô từ 3-5 ha, nơi chúng tôi có thể tận dụng những kinh nghiệm dày dặn trong quá trình đầu tư 12 năm tại thị trường Việt Nam. Tổng công ty đã thông qua các phương án đầu tư tại Việt Nam, và sẵn sàng bỏ ra nguồn vốn lớn để "thâu tóm" quỹ đất dưới nhiều phương thức như M&A, chuyển nhượng, đấu thầu…", đại diện Gamuda Land nhấn mạnh.
Ánh Dương