Nhóm nghiên cứu ngô do GS.TS. Vũ Văn Liết thành lập từ năm 2009. Định hướng nghiên cứu của nhóm là đồng thời phát triển các giống ngô làm thức ăn chăn nuôi (ngô lấy hạt, ngô sinh khối), ngô làm lương thực - thực phẩm (ngô nếp, ngô đường,…) và các giống ngô chế biến (nhiên liệu sinh học, rượu, tinh bột ngô, dầu ngô, chế biến mỳ sợi…).
Làm việc tại một đơn vị nghiên cứu khoa học, nhóm nghiên cứu ngô của Viện luôn mong muốn có thể tạo ra các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng, tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tốt cho sức khỏe và tiện dụng. Trong 5 năm trở lại đây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chọn tạo và công nhận lưu hành 6 giống ngô trong đó gồm 4 giống ngô thực phẩm dạng hạt nếp trắng: HUA601 (ADI668), MH8 (ADI688), VNUA16, VNUA69, 01 giống ngô thực phẩm dạng hạt nếp tím VNUA141 và 01 giống ngô chăn nuôi VNUA36 (lấy hạt và có sinh khối cao). Các giống VNUA16, VNUA69, VNUA36, VNUA141 được Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT công nhận lưu hành tại các tỉnh phía Bắc trong năm 2022. Nhóm nghiên cứu ngô đã có những đột phá trong công tác nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống ngô thế hệ mới - ngô trái cây ăn liền không qua chế biến.
Nhận thấy thị hiếu người tiêu dùng ngày càng có xu hướng thưởng thức các loại thực phẩm chất lượng cao, tiện dụng, tiềm năng phát triển các giống ngô không chỉ có năng suất, mà phải có chất lượng cao, có các hoạt chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe và đơn giản trong khâu chế biến. Do đó, nhóm nghiên cứu có ý tưởng sáng tạo ra khái niệm ngô trái cây. Ngô trái cây là loại ngô có chất lượng cao cấp, có thể ăn tươi trực tiếp ở giai đoạn chín sữa mà không cần qua chế biến. Nếu không qua chế biến nhiệt, giúp ngô giữ nguyên hoạt chất tự nhiên có trong ngô và việc bảo quản sau thu hoạch được dài hơn.
Để có thể ăn tươi trực tiếp thì giống ngô này phải có màu sắc bắt mắt, vỏ hạt mỏng, hương thơm đặc trưng mùi sữa ngô, độ ngọt tự nhiên cao, ăn không có vị ngái, dễ tiêu hóa và giàu các hoạt chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe người sử dụng (màu vàng giàu Beta-caroten, màu tím giàu anthocyanin…). Như vậy, chọn tạo giống ngô này phải hội tụ và kết hợp hài hòa được rất nhiều đặc điểm chất lượng ưu tú. Đây là mục tiêu rất khó đối với các nhà khoa học chọn tạo giống ngô bằng phương pháp truyền thống, không biến đổi gen. Nhưng với lòng đam mê nghiên cứu, quyết tâm chinh phục đỉnh cao, nhóm nghiên cứu ngô đã chọn tạo thành công giống ngô cao cấp thế hệ mới này.
Để chọn tạo được giống ngô thế hệ mới này, sự đa dạng nguồn gen ngô đóng vai trò cốt lõi. Do vậy, nhóm nghiên cứu tiếp tục thu thập các vật liệu ngô ngoài nước, đa dạng về chủng loại, màu sắc và chất lượng để kết hợp với nguồn gen trong nước, sử dụng phương pháp chọn tạo và lai hữu tính truyền thống để tạo vật liệu khởi đầu phục vụ quá trình lai tạo giống ngô trái cây tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Giai đoạn 2020-2023, Nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng chọn tạo giống ngô trái cây và được sự ủng hộ của các nhà khoa học trong lĩnh vực chọn tạo giống ngô trong nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Bộ NN&PT cho thực hiện đề tài tiềm năng: "Phát triển nguồn vật liệu phục vụ chọn tạo giống ngô trái cây giàu anthocyanin cho các tỉnh phía Bắc" và "Nghiên cứu phát triển các dòng ngô siêu ngọt". Kết thúc đề tài tiềm năng: "Phát triển nguồn vật liệu phục vụ chọn tạo giống ngô trái cây giàu anthocyanin cho các tỉnh phía Bắc", nhóm nghiên cứu đã chọn tạo được nhiều vật liệu ngô trái cây ưu tú. Trên cơ sở kết quả đó, từ đầu năm 2023 Bộ NN&PTNT tiếp tục giao nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài: "Nghiên cứu chọn tạo giống ngô đường ăn tươi (ngô trái cây) giàu anthocyanin cho các tỉnh phía Bắc". Kết thúc các thí nghiệm vụ Xuân 2023, nhóm nghiên cứu đã thu được nhiều kết quả, trong đó đã chọn lọc ra được ba giống ngô trái cây triển vọng (một giống ngô trái cây tím và hai giống ngô trái cây có hạt màu trắng).
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khi về thăm Học viện và trực tiếp làm việc với nhóm nghiên cứu đã chỉ đạo: Sản phẩm khoa học và công nghệ luôn phải thay đổi, tìm ra được sự khác biệt với những sản phẩm tương tự trên thị trường, từ đó khẳng định thương hiệu riêng.
Trong thời gian tới nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục đánh giá, hoàn thiện công nghệ nhân duy trì bố mẹ, sản xuất hạt lai F1 và làm các thủ tục công nhận lưu hành cho các giống ngô trái cây thế hệ mới này.