Dự án Dung Quất 2 đúng tiến độ giúp tài chính Hòa Phát ngày càng ‘khỏe’

Tại hội thảo, Giám đốc tài chính của Hòa Phát đã chia sẻ tiến độ giải ngân của dự án Dung Quất 2 cũng như tiềm năng tăng trưởng trong dài dạn của Tập đoàn khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động.

Ngày 21/11, Chứng khoán HSC đã tổ chức hội thảo C2C (Connecting to Customers), khai thác chủ đề "Ngành thép và sức khỏe của Hòa Phát". Tại hội thảo lần này, đại diện Ban lãnh đạo Hòa Phát và chuyên gia phân tích HSC sẽ giúp nhà đầu tư tìm hiểu về sự khác biệt của Hòa Phát cũng như những triển vọng của ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng trong tầm nhìn tới 2025.

Bức tranh ngành thép thế giới đi xuống nhưng Việt Nam lại là điểm sáng

Mở đầu buổi hội thảo, bà Võ Thị Ngọc Hân, Giám đốc Nghiên cứu Cấp cao ngành Công nghiệp & Công nghệ, HSC đã có những cập nhật về bối cảnh ngành thép thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trích dẫn từ báo cáo của hiệp hội thép thế giới, chuyên gia từ HSC cho biết sản lượng sản xuất thép thế giới trong 9 tháng năm 2024 đã giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,4 tỷ tấn. Trong đó, Trung Quốc đã sản xuất 765 triệu tấn, giảm 4%, phần còn lại của thế giới sản xuất được 627 triệu tấn, tăng 1%.

Theo chuyên gia từ HSC, mọi biến động từ Trung Quốc đều sẽ ảnh hưởng đến thị trường thép thế giới do nước này đang chiếm 55% sản lượng sản xuất toàn cầu. Các nhà máy thép Trung Quốc đã chủ động cắt giảm lượng sản xuất trong bối cảnh nhu cầu thép chưa được khả quan tại thị trường nội địa của họ.

Dự án Dung Quất 2 đúng tiến độ giúp tài chính Hòa Phát ngày càng ‘khỏe’ - Ảnh 1.

Theo dự báo của Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thép trên thế giới có thể sẽ giảm 1% trong năm 2024 và hồi phục 1.2% trong năm 2025. Trong đó, nhu cầu thép tại Trung Quốc – nước tiêu thụ 51% thép trên thế giới dự kiến sẽ giảm 3% trong năm nay. Bà Hân cũng cho biết nhu cầu thép có thể sẽ tiếp tục gặp áp lực trong thời gian tới vì ngành xây dựng (ngành đang tiêu thụ 50% thép thế giới) đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do ngành bất động sản Trung Quốc đang đóng băng trong những năm gần đây.

Do thị trường Trung Quốc nên các doanh nghiệp nước này buộc phải đẩy mạnh việc xuất khẩu với số lượng lớn. Các công ty Trung Quốc cũng liên tục phá giá thép. Bằng chứng là trên thế giới, tính đến ngày 15/11/2024, đã có 25 vụ điều tra để áp dụng thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc.

Dự án Dung Quất 2 đúng tiến độ giúp tài chính Hòa Phát ngày càng ‘khỏe’ - Ảnh 2.

Tuy nhiên, bà Võ Thị Ngọc Hân cho rằng Việt Nam lại là điểm sáng của ngành thép Thế giới. Theo số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam, tổng sản lượng tiêu thụ các loại thép trong 10 tháng năm 2024 đạt 26 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ, so với mức giảm 1% của thế giới thì rất khả quan. Mức tăng trưởng này có được nhờ nhu cầu lớn từ thị trường nội địa, điển hình là từ các dự án đầu tư công và thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.

Ở hoạt động xuất nhập khẩu, lượng nhập khẩu thép của Việt Nam tăng mạnh 32% so với cùng kỳ năm trước lên 12.3 triệu tấn và theo quan sát của HSC, con số nhập khẩu thực tế có thể nhiều hơn số liệu thống kê. Việt Nam cũng đã xuất khẩu gần 10 triệu tấn trong 9 tháng năm 2024, tăng 21%. Các bộ ban ngành cũng tích cực điều tra các vụ bán phá giá thép, thể hiện sự đồng hành với các doanh nghiệp trong nước. Chứng khoán HSC cũng dự báo sản lượng tiêu thụ thép các loại trong nước sẽ tăng trưởng 14% trong năm 2024 và tăng 11% trong năm 2025.

Dung Quất 2 đúng tiến độ sẽ giúp tài chính của Hòa Phát ngày càng chắc khỏe hơn

Trước bối cảnh có nhiều điểm tích cực trong thời gian tới, Hòa Phát – doanh nghiệp có thị phần sản xuất thép lớn nhất tại Việt Nam được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy các tiềm lực tăng trưởng. Nhất là trong bối cảnh Hòa Phát đang dồn lực đầu tư cho "quả đấm thép" Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm.

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc tài chính của Tập đoàn Hòa Phát, Dung Quất 2 là một dự án có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển dài hạn của Hòa Phát. Với Dung Quất 2, sản lượng sản xuất của HRC sẽ được nâng từ 3 triệu tấn/năm lên mức 8,6 triệu tấn. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, Tập đoàn có thể xem xét mở rộng thêm năng lực sản xuất các mặt hàng thép chất lượng cao khác.

Tuy nhiên, với việc đầu tư 85.000 tỷ đồng (bao gồm cả vốn lưu động) vào dự án này cũng có nhiều nhà đầu tư đặt nghi vấn về "sức khỏe" tài chính của Tập đoàn Hòa Phát. Giải đáp cho thắc mắc này, CFO của Hòa Phát chia sẻ rằng các dự án của Tập đoàn vẫn thực hiện đúng tiến độ. Ngoài ra, dự án Dung Quất 2 sẽ cho ra lò những sản phẩm đầu tiên ở thời điểm cuối năm nay, giúp ổn định về dòng vốn. Đến năm 2025 dự án này có thể đóng góp vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn với một con số ấn tượng. Ngoài ra, biên lợi nhuận của Hòa Phát cũng đang dần cải thiện khi giá nguyên vật liệu đầu vào cũng đang giảm mạnh.

"Những thuận lợi trên giúp Hòa Phát có tiềm lực về tài chính. Theo tôi nói về sức khỏe thì phải nói về tài chính. Tôi khẳng định Công ty đang kiểm soát nợ/vốn chủ sở hữu theo tuần và chúng tôi điều tiết dòng tiền một cách tối ưu nhất, đem lại lợi nhuận tốt nhất cho Tập đoàn", bà Phạm Thị Kim Oanh khẳng định.

Bà Kim Oanh chia sẻ sau năm 2025 áp lực vốn cho Dung Quất 2 sẽ giảm bớt. Sau đó, Công ty sẽ bước vào giai đoạn tích lũy để dồn lực cho các dự án tiếp theo. Việc nhà máy thực hiện đúng tiến độ sẽ mang lại tiềm lực lớn cho Hòa Phát ngày càng "khỏe hơn", "bền hơn".

Vị lãnh đạo này cũng cho biết Hòa Phát làm gì cũng rất cẩn trọng. Công ty đã tính toán hết các rủi ro trong quá trình đầu tư dự án Dung Quất. "Chúng tôi thường chọn nơi có thiên thời, địa lợi, nhân hòa để triển khai dự án. Ví dụ các dự án của chúng tôi đều gần cảng nên có thể tự chủ chi phí logistics, kết nối dễ dàng với các đại lý. Chúng tôi như những chiếc xe lu, chậm mà chắc", bà Kim Oanh khẳng định.

Khấu hao Dung Quất 2 không ảnh hưởng đến lợi nhuận của Hòa Phát

Theo chia sẻ của CFO Hòa Phát, Công ty đã giải ngân khoảng 70.000 tỷ đồng vốn cố định cho dự án Dung Quất 2. Năm 2025, Tập đoàn sẽ giải ngân nốt số còn lại. Cuối năm 2024 một phần nhỏ sản phẩm thương mại sẽ được ra mắt. Một nửa nguồn tài trợ dự án đến từ nợ vay (khoảng 35.000 tỷ đồng), quá trình giải ngân thậm chí đang vượt tiến độ. Trong năm 2025 sẽ là đỉnh vay nợ của toàn Tập đoàn khi các ngân hàng giải ngân số tiền còn lại. Hệ số nợ vay ròng/EBITDA vẫn rất khả quan, trong tầm kiểm soát.

Bà Kim Oanh cũng cho biết lò cao số 1 của Dung Quất 2 dự kiến hoạt động 50-60% công suất trong năm 2025, ước lượng sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn HRC. Đến năm 2026 dự án có thể đạt tỷ lệ 80% của lò cao số 1 và 50% lò cao số 2. Dự kiến Dung Quất 2 sẽ hoạt động hết công suất trong năm 2028.

Về thời gian khấu hao, bà Kim Oanh cho rằng mức thời gian trung bình tổng thể của toàn dự án vào khoảng 18 năm cho tổng giá trị đầu tư 70.000 đồng, tức trung bình gần 3.900 tỷ đồng/năm. Do vậy, chi phí khấu của dự án Dung Quất 2 sẽ chưa đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2025-2026 và đến năm 2027 thì mới ghi nhận ở mức 3.900 tỷ đồng/năm.

"Có nhiều người thắc mắc với tôi khấu hao như vậy có bào mòn lợi nhuận của Tập đoàn không. Tôi cho rằng nếu lợi nhuận tăng trưởng 2 con số thì không ảnh hưởng nhiều. Hiện chi phí khấu hao của chúng tôi là 7.000 tỷ đồng/năm. Sau khi có Dung Quất 2 con số sẽ tăng lên 10.000-11.000 tỷ/năm cho khấu hao. Như vậy nguồn lực của chúng tôi càng vững chắc sau này, cổ đông không cần quá lo lắng", CFO Hòa Phát nói dòng tiền khấu hao sẽ được quay lại tái sản xuất.

Bà Kim Oanh cũng cho biết việc có Dung Quất 2 khiến Hòa Phát có thêm áp lực về việc bán hàng. Hiện nay, Công ty đang có 30% doanh thu đến từ xuất khẩu. Đến sau khi Dung Quất 2 chạy hết công suất, Công ty cũng kỳ vọng sẽ tiêu thụ sản lượng sản xuất ra cả trên thị trường xuất khẩu và nội địa.

Theo CFO Hòa Phát, năm 2024 Công ty đặt kế hoạch doanh thu là 140.000 tỷ. Khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động hết công suất trong 4 năm nữa, doanh thu của Hòa Phát có thể vượt mốc 10 tỷ USD (khoảng 255.000 tỷ đồng). Điều này có thể xảy ra khi giá bán HRC ở quanh mức hiện tại.

Tin mới