(Tổ Quốc) - Sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh trước Quốc hội, nhiều ĐBQH đã bày tỏ sự nhất trí cao.
Đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, Dự án đường vành đai 3 TPHCM
Sáng 6/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, Dự án đường vành đai 3 TPHCM; các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh. Hai dự án này có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là sự hạn chế nguồn lực nên giai đoạn 2011-2020 chưa triển khai được.
Việc triển khai dự án nhằm xây dựng tuyến đường Vành đai liên vùng khu vực kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng thành phố Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tạo sự đồng bộ, liên tục nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển, kết nối giao thông thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong Vùng; giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; phát huy hiệu quả đầu tư đối với các Dự án đang triển khai; tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai; góp phần điều tiết dân số cho khu vực nội thành và sử dụng đất hiệu quả, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển.
Dự án cũng nhằm tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai, góp phần điều tiết dân số cho khu vực nội thành và sử dụng đất hiệu quả, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long) qua địa phận Hà Nội (dài 58,2 km), Hưng Yên (dài 19,3 km), Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km).
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài tuyến là 76,34 km (bao gồm: TPHCM 47,51 km, Đồng Nai 11,26 km, Bình Dương 10,76 km, Long An 6,81 km). Dự kiến kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 41.589 tỷ đồng.
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư phương thức PPP, được chia thành 7 dự án thành riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường. Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có hình thức đầu tư công, được chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương.
Xác định nguồn vốn cho dự án
Trình bày Báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết đầu tư 2 dự án này. Theo Ủy ban Kinh tế, các Dự án được lập cơ bản phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về nguồn vốn, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc Chính phủ dự kiến nguồn lực ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải và nguồn ngân sách chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm cơ bản hoàn thành 2 dự án này là phù hợp với mục tiêu, định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Về ngân sách địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết đến nay, HĐND các địa phương đã ban hành các nghị quyết cam kết bố trí vốn cho 2 dự án này. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ, chất lượng cho các dự án, đề nghị các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc bố trí nguồn ngân sách địa phương cho 2 dự án.
Về cho phép điều chuyển số vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải về các địa phương, Ủy ban Kinh té nhận thấy việc phân cấp đầu tư 2 Dự án cho địa phương triển khai thực hiện cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn, do đó tán thành với đề xuất của Chính phủ.
Với Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế cũng tán thành với đề xuất cho phép phần vốn nhà nước tham gia tối đa 66% tổng mức đầu tư Dự án; cơ bản tán thành với đề xuất cho phép đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến (dự án thành phần 3) và tuyến nối 9,7km đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, thực hiện theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT) do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội làm cơ quan có thẩm quyền và áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư, không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư dự án thành phần 3.
Đối với cơ chế, chính sách Dự án Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế nhất trí với chủ trương Dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng cần tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ trong bước nghiên cứu khả thi cần xác định chính xác tỷ lệ góp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với phần đường cao tốc để làm cơ sở xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư hoàn trả ngân sách.
Thảo luận tại tổ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng bày tỏ sự nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường vành đai 3 TPHCM. Trong đó, ông Dũng cho biết dự án đường vành đai 4 có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020.
Hải Nam