(Tổ Quốc) - Trước những diễn biến kém tích cực của thị trường trong nửa đầu năm, hàng loạt công ty chứng khoán đã giảm mức dự báo cho VN-Index.
Đầu năm 2022, sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch Covid mở ra nhiều kỳ vọng về "cửa sáng" cho thị trường chứng khoán. Dù nhận định thị trường khó bứt phá mạnh mẽ như năm 2021, song hàng loạt công ty chứng khoán đồng thuận dự báo VN-Index lên mức đỉnh cao 1.700 – 1.900 điểm trong năm 2022.
Tuy nhiên, những diễn biến của thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng. Sau giai đoạn giằng co tại vùng đỉnh trong quý đầu năm, sóng gió liên tục ập đến trong quý 2 đã khiến thị trường đảo chiều giảm mạnh, thành quả trước đó cũng nhanh chóng bị thổi bay hàng trăm điểm.
VN-Index khép lại 6 tháng đầu năm 2022 tại mốc 1.197 điểm, tương đương mức giảm ~24,5% từ vùng đỉnh hồi đầu tháng 4 và giảm ~20% so với hồi đầu năm. Trước những diễn biến kém tích cực của thị trường, hàng loạt công ty chứng khoán phải giảm mức dự báo cho VN-Index.
Trong báo cáo hồi đầu năm, Chứng khoán ACB (ACBS) từng nhận định lạc quan về tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng ở mức 21,8% nhờ vào các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và vật liệu xây dựng. Với kịch bản trung lập, ACBS ước tính chỉ số VN-Index có thể đạt trên 1.700 điểm, tương đương mức P/E khoảng 13,8 lần. Thậm chí, trong kịch bản lạc quan với kỳ vọng tích cực từ các gói tài khóa và tiền tệ của Chính Phủ có thể khiến VN-Index chạm mốc 1.900 – 2.000 điểm.
Tuy nhiên trong báo cáo cập nhật mới nhất, ACBS thay đổi nhận định khi giảm mức dự báo VN-Index xuống còn 1.450 - 1.660 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, ACBS cho rằng VN-Index cuối năm chỉ còn ở mức 1.450 điểm khi sự bất ổn và sợ hãi tiếp tục bao trùm các thị trường toàn cầu với lo ngại gia tăng về lạm phát. Theo đó, các ngân hàng trung ương sẽ phản ứng nhanh và mạnh trước áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và việc tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến thu nhập giảm so với kỳ vọng và định giá thị trường giảm do sự thờ ơ của nhà đầu tư.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) hồi đầu năm cũng từng cho rằng thị trường chứng khoán có triển vọng tốt trong năm 2022 nhờ kỳ vọng tăng trưởng EPS cao. Với mức dự phóng EPS tăng trưởng kép giai đoạn 2020-2022 khoảng 29%/năm và mức P/E khoảng 16 lần, MAS dự phóng VN-Index năm 2022 khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở.
Song trước áp lực lạm phát gia tăng, Mirae Asset đã điều chỉnh giảm dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index xuống 17,5% từ mức khoảng 29% trước đó, thấp hơn đáng kể so với mức đồng thuận chung của thị trường theo thống kê Bloomberg là 21%. Tương ứng, công ty chứng khoán này cũng hạ dự báo cho VN-Index từ 1.700 điểm xuống còn 1.300 – 1.530 điểm trong năm nay, tương ứng vùng định giá P/E dự phóng cuối năm 2022 từ 12,8 – 15,1x.
Báo cáo Chiến lược đầu tư đầu năm 2022 của Chứng khoán VNDirect (VND) cũng đưa ra dự báo VN-Index sẽ đạt mức 1.700 -1.750 điểm trong năm 2022, trên cơ sở P/E khoảng 16 -16,5 lần và tăng trưởng lợi nhuận 23% so với cùng kỳ nhờ việc nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và sự tham gia ngày càng nhiều của dòng vốn cá nhân trong nước cùng với kỳ vọng nâng hạng thị trường.
Tuy nhiên, kỳ vọng của VNDirect cũng thay đổi trước những diễn biến của thị trường sau nửa đầu năm. Cụ thể trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2022, VNDirect cho rằng chỉ số sẽ duy trì ở ngưỡng 1.330 – 1.500 điểm, tương đương P/E ở ngưỡng 12,5-14 lần. Trong kịch bản tích cực, VNDirect cho rằng VN-Index sẽ đạt 1.500 điểm vào cuối năm với kỳ vọng về lạm phát Mỹ có thể sớm hạ nhiệt từ cuối quý 3/2022 cùng với kế hoạch tăng lãi suất của Fed có thể chậm lại. Ngoài ra, bối cảnh từ GDP của Việt Nam tăng trưởng mực 7,5% so với cùng kỳ và việc NHNN không tăng lãi suất điều hành trong năm 2022 sẽ là những động lực củng cố cho kịch bản tích cực.
Trong báo cáo mới đây, Maybank Investment Bank duy trì dự báo tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp năm 2022 của các công ty trên sàn là 25% so với cùng kỳ . Về mặt điểm số, Maybank Investment Bank đưa ra dự báo mục tiêu VN-Index cuối năm đạt 1.550 điểm, thấp hơn kịch bản 1.800 điểm vào hồi đầu năm, trong bối cảnh tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn và thanh khoản giảm trong nửa còn lại của năm nay.
Maybank Investment Bank kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ dần lấy lại động lực trong những tháng tới khi thị trường vốn ổn định về mặt pháp lý và bức tranh lạm phát trở nên rõ ràng hơn.
Chứng khoán KBSV cũng điều chỉnh vùng điểm hợp lý chỉ số VN- Index thời điểm cuối năm 2022 xuống 1.680 điểm, giảm so với dự báo 1.760 điểm đưa ra trong báo cáo đầu năm 2022. Theo đó, P/E mục tiêu 2022 của VN-Index cũng điều chỉnh giảm xuống 16,5 lần (từ 17.5 lần), cũng như hạ dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HSX xuống 15.1% (từ mức 15.7%) để phản ánh 1 số rủi ro vĩ mô gia tăng.
Chứng khoán EVS cũng phải điều chỉnh giảm dự báo VN-Index cuối năm xuống khoảng 1.270- 1.514 điểm, giảm khoảng 150 điểm so với kịch bản cơ sở đầu năm EVS đưa ra là 1.663 điểm. Thậm chí, công ty chứng khoán này cho rằng trong trường hợp các yếu tố vĩ mô xấu đi nhanh chóng, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao, nhà đầu tư cá nhân rút tiền ra khỏi thị trường, khối ngoại quay lại bán ròng thì VN-Index cuối năm có thể duy trì ở mức 1.207 điểm, P/E quay về vùng 10.36 (-2 độ lệch chuẩn), tăng trưởng lợi nhuận 22%.
Minh Châu