Đừng vì thiếu hiểu biết mà lỡ “thời gian vàng” giữ mạng sống người thân

(Tổ Quốc) - Thời gian vàng để cứu lấy một người bị đột quỵ mang ý nghĩa tranh đấu đến từng phút giây. Do đó, hiểu rõ về thời gian vàng, kịp thời điều trị sẽ là yếu tố then chốt để giữ mạng sống cho bệnh nhân.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ, có một thực tế đáng buồn là thời gian qua, do diễn biến dịch bệnh, bệnh nhân đột quỵ ít đến cơ sở thăm khám hơn. Số người bị đột quỵ kịp thời gian vàng để cứu chữa hầu như rất ít nên dẫn đến hậu quả nặng nề. Do đó, qua chương trình tư vấn trực tuyến"Đột quỵ, có phải trời kêu ai nấy dạ?", BS. Thắng mong rằng mọi người hiểu đúng về bệnh nguy hiểm này để phòng ngừa và điều trị đúng cách. Tránh các thông tin không chính thống, sai lệch về đột quỵ mà bỏ lỡ thời gian vàng của người bệnh. Chương trình do fanpage VTV9 thực hiện với sự đồng hành của Bayer Việt Nam.

Cần hiểu rõ về thời gian vàng cấp cứu đột quỵ

60 phút đầu khi đột quỵ xảy ra là thời gian điều trị hiệu quả nhất. Mức độ hiệu quả giảm dần theo thời gian sau đó. Bệnh nhân càng đến bệnh viện trễ, hi vọng hồi phục càng thấp, ngược lại tỷ lệ thành công đạt đến hơn 50% nếu được điều trị ngay khi bệnh xảy ra. Nguyên tắc hàng đầu khi giúp đỡ người bị đột quỵ là đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt, không nên trì hoãn bất kỳ giây phút nào.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nói thêm, cần lưu ý rằng, đó phải là cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ với đội ngũ bác sĩ chuyên môn và trang thiết bị cần thiết. Bởi vì nếu đưa người bệnh đến nơi không có chức năng điều trị sẽ phải thăm khám và chuyển viện, càng để lỡ mất thời gian vàng trôi qua.

Cách đây 25 năm, không chỉ nền y tế Việt Nam mà cả trên thế giới đều bất lực khi một người bị đột quỵ bởi không có cách gì có thể can thiệp những tác động xấu mà bệnh gây ra. Nhưng với nền y học phát triển như ngày nay, đột quỵ có thể phòng ngừa và điều trị với tỷ lệ lên đến 90%. Nếu được đưa đến cơ sở y tế kịp "thời gian vàng", các bác sĩ sẽ có thể chạy đua với thời gian để cứu tế bào não chưa bị chết, giúp tăng khả năng hồi phục cho người bệnh. Vì thế, thật đáng tiếc nếu bỏ lỡ cơ hội này để giữ lấy mạng sống.

Không nên trì hoãn hay làm sơ cứu bệnh nhân đột quỵ

Khi đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu, người nhà không cần làm bất cứ động tác sơ cứu nào khác nếu người bệnh không có dấu hiệu tính mạng bị đe dọa. Đột quỵ xảy ra trên triệu chứng yếu liệt, lúc này gần 90% bệnh nhân ban đầu vẫn còn nhận thức tỉnh táo nên chỉ cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Các quan niệm khác về cấp cứu đột quỵ như đâm kim đầu ngón tay, cạo gió đều không giúp ích được cho người bệnh. Uống nước chanh hay các loại thuốc không rõ nguồn gốc khi xảy ra đột quỵ cũng là điều nên tránh do việc này tăng thêm nguy cơ tổn thương phổi do hít sặc vì 30% bệnh nhân đột quỵ ảnh hưởng đến chức năng nuốt. Bên cạnh đó, việc trì hoãn thời gian đưa bệnh nhân đi cấp cứu dù giây phút nào cũng rất đáng tiếc vì thời gian vàng có thể trôi qua.

Đừng vì thiếu hiểu biết mà lỡ “thời gian vàng” giữ mạng sống người thân - Ảnh 1.

Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức

Đột quỵ là bệnh có nguyên nhân

Khác với quan điểm sai lầm đột quỵ là bệnh "trời kêu ai nấy dạ", đột quỵ là bệnh có nguyên nhân và có thể phòng ngừa được đến 90%. Tại bệnh viện 115, mỗi năm có 14.000 đến 20.000 bệnh nhân đến điều trị đột quỵ, tất cả đều có nguyên nhân. Có những nguy cơ gây nên đột quỵ nhưng lại không được lưu tâm. Chẳng hạn như trường hợp bệnh nhân bị cao huyết áp, rung nhĩ nhưng không cảm nhận được triệu chứng. Cuốn theo nhịp sống bận rộn, bệnh âm thầm diễn tiến mà người bệnh không hề hay biết.

Một người bệnh có thể mang trong mình nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ như: cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, rung nhĩ… Nếu những yếu tố nguy cơ không được kiểm soát hữu hiệu thì khả năng bị đột quỵ càng gia tăng theo thời gian.

Tuy nhiên, điều may mắn là phòng ngừa đột quỵ lại rất đơn giản. Bởi vì việc hiểu biết và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ đồng thời có ý nghĩa là ngừa được đột quỵ.

Đối với người có các yếu tố nguy cơ phải dùng thuốc duy trì, cần tuyệt đối tránh việc ngưng sử dụng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ. Điển hình như người bị rung nhĩ cần uống thuốc kháng đông hàng ngày và suốt đời để kiểm soát bệnh. Nếu ngưng thuốc, rung nhĩ sẽ tái phát và kéo theo nguy cơ bị đột quỵ. Đặc biệt với các bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên, cần thận trọng hơn nữa vì nguy cơ đột quỵ gia tăng theo tuổi tác.

Chương trình Phòng chống Đột quỵ - Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế


Ánh Dương

Tin Cùng Chuyên Mục
Hành trình 10 năm tỏa sáng nụ cười chắc khỏe của thương hiệu kem đánh răng dược liệu tiên phong tại Việt Nam

Hành trình 10 năm tỏa sáng nụ cười chắc khỏe của thương hiệu kem đánh răng dược liệu tiên phong tại Việt Nam

Là thương hiệu kem đánh răng dược liệu tiên phong trên thị trường, sau 10 năm không ngừng phát triển, Ngọc Châu đã trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của triệu triệu gia đình Việt, chinh phục giới chuyên môn bởi chất lượng tốt, được các đơn vị ngành Răng Hàm Mặt lựa chọn trong các dự án chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng.
Tin mới