Elon Musk có cảm giác 'siêu tồi tệ' về nền kinh tế - lo lắng viển vông hay lời cảnh báo cho ngành công nghiệp ô tô?

(Tổ Quốc) - Elon Musk mới đây đã gửi email đến các nhân viên của mình về việc sẽ cắt giảm 10% lực lượng lao động bởi ông đang có những cảm giác “siêu tồi tệ” về nền kinh tế. Động thái này của ông đã gây ra rất nhiều tranh cãi khi nhu cầu tiêu thụ ô tô đang rất cao.

Mới đây, CEO hãng xe điện hàng đầu thế giới Elon Musk đã đưa ra quan điểm rằng ông đang có "cảm giác siêu tồi tệ" về nền kinh tế. Thông điệp này của ông có thể là điềm báo về một mối nguy hại có thể xảy đến cho ngành công nghiệp ô tô.

Trong một email nội bộ gửi đến các giám đốc điều hành mới đây, Musk cho biết nhà sản xuất ô tô điện cần cắt giảm 10% lực lượng lao động bởi Tesla đang "thừa" nhân viên trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên điều này không áp dụng với bộ phận chế tạo ô tô và pin xe điện.

Đây là lời cảnh báo công khai và gây ồn ào đầu tiên trong ngành công nghiệp ô tô. Nhu cầu cơ bản đối với ô tô và xe tải vẫn tăng mạnh bất chấp đại dịch Covid-19 đã kéo dài 2 năm trên toàn cầu.

Thông báo này đã đẩy Musk và các công ty của ông vào cuộc tranh luận gay gắt về cách tiếp cận nào là đúng đắn để khôi phục trạng thái bình thường mới sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Điều này cũng đặt ra lo ngại về việc ông có thể đang đánh mất những nhân viên hoạt động tốt nhất.

Những đợt sa thải không phải là chuyện mới tại Tesla. Trước đây, hãng cũng đã từng sa thải một số nhân viên trong năm 2017 và 2018.

Elon Musk có cảm giác siêu tồi tệ về nền kinh tế - lo lắng viển vông hay lời cảnh báo cho ngành công nghiệp ô tô? - Ảnh 1.

Nhân sự của Tesla qua các năm

Trong những tuần gần đây, các nhà đầu tư đã bắt đầu đặt câu hỏi về giá cổ phiếu cao ngất trời của công ty. Tesla đang được định giá 728 tỷ USD, nhiều hơn một số nhà sản xuất ô tô lớn khác cộng lại. Cổ phiếu của Tesla đã giảm khoảng 40% so với mức cao nhất của họ vào cuối năm ngoái, gây chú ý đến những rủi ro công ty phải đối mặt từ sự cạnh tranh ngày càng tăng, cáo buộc phân biệt chủng tộc và các vấn đề sản xuất tại nhà máy của họ ở Thượng Hải.

Liệu có phải lời cảnh báo viển vông?

Nhà phân tích Adam Jonas của Morgan Stanley cho biết nếu công ty xe điện lớn nhất thế giới cảnh báo về vấn đề việc làm và nền kinh tế, điều đó đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư nên xem xét lại dự báo của họ về tỷ suất lợi nhuận và tăng trưởng.

Hai năm về trước, ngành ô tô đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh trên toàn cầu, buộc các nhà máy sản xuất và lắp ráp phải đóng cửa. Việc đóng cửa các nhà máy là một phần nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu, do đó việc sản xuất xe tiếp tục gặp khó khăn hơn nữa.

Gần đây, sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng trở nên trầm trọng hơn bởi xung đột giữa Nga và Ukraine kéo doanh số bán hàng đi xuống. Theo Wards Intelligence, doanh số bán ô tô ở Mỹ trong tháng 5 đạt mức thấp khi đạt 12,68 triệu chiếc, khác xa với thời huy hoàng trước khi đại dịch bùng phát là 17 triệu chiếc.

Ngoài ảnh hưởng từ nguồn cung, giờ đây lạm phát đang là mối đe dọa đối với nguồn cầu.

Ông Jeff Schuster, Chủ tịch Trung tâm dự báo toàn cầu của LMC Automotive, nói về Musk rằng: "Rủi ro suy thoái là rất cao, vì vậy những gì ông ấy đang nói chắc chắn không phải là cực đoan."

Nhà phân tích Frank Schwope của NordLB có trụ sở tại Hanover cho biết: "Việc đưa ra các biện pháp 'thắt lưng buộc bụng' trong thời điểm thuận lợi vẫn tốt hơn là đưa ra trong thời điểm xấu. Tôi xem những tuyên bố của Musk như một lời cảnh báo và biện pháp phòng ngừa".

Các công ty gọi xe như Uber hay Lyft cho biết vào tháng trước rằng họ sẽ giảm quy mô thuê xe và cắt giảm chi phí. Nhà bán lẻ trực tuyến xe đã qua sử dụng Carvana cho biết họ sẽ cắt giảm 12% lực lượng lao động của họ.

Tất cả công ty trong ngành ô tô khác đều đang quan sát một cách chặt chẽ vấn đề này.

Ông John Dunn, Giám đốc điều hành của Hệ thống năng lượng sạch, một đơn vị chuyên sản xuất các hệ thống giảm thiểu khí thải và nguyên liệu cho biết: "Chúng tôi không bi quan như người đứng đầu của Tesla nhưng cũng đang phải thận trọng trong việc tuyển dụng và cân đối những khoản chi phí của mình".

Các quan chức trong ngành đang tỏ ra rất lo lắng về một cuộc suy thoái có thể xảy ra.

Tyson Jominy, Phó chủ tịch J.D. Power cho biết: "Ngành công nghiệp ô tô đang đi tới một bến đỗ an toàn, khi nhu cầu của người tiêu dùng bị dồn nén lại trong những năm đại dịch vừa qua có thể mang lại sự bùng nổ về doanh số bán hàng trong những năm tới. Nhưng những 'đám mây đen' về kinh tế và lạm phát đang có thể phá hủy hết những nhu cầu đó".

Những lo ngại của Elon Musk không phải chỉ là "hão huyền", dù nhu cầu về xe tăng cao nhưng phải kể đến những yếu tố khác. Lạm phát ở Hoa Kỳ đang dao động ở mức cao nhất trong 40 năm và khiến chi phí sinh hoạt của người Mỹ tăng vọt, trong khi Cục Dự trữ Liên bang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là làm giảm nhu cầu đủ để kiềm chế lạm phát trong khi không gây ra suy thoái.

Ai đúng, ai sai, kết quả còn ở phía trước

Josh Sandbulte, Giám đốc đầu tư của Greenhaven Associates, một công ty quản lý tiền tệ là nhà đầu tư lớn vào cổ phiếu General Motors (GM) cho biết các CEO tài chính thường có dự đoán ảm đạm hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác.

"Chúng ta đang ở trong một giai đoạn bất đồng quan điểm, thẳng thắn mà nói giới tài chính và các lãnh đạo trong kinh doanh không thống nhất với nhau, đến một lúc nào đó ta sẽ biết được câu trả lời ai là người đúng", ông nói.

Nhiều nhà sản xuất ô tô khác cho biết nhu cầu tiêu dùng vẫn còn rất mạnh mẽ. Giám đốc tiếp thị của Nissan Motor cho biết các nhà sản xuất hiện không có hàng tồn kho, nhu cầu của người tiêu dùng hiện đang cao ngất ngưởng.

Các quan chức trong ngành chỉ ra Tesla có những vấn đề riêng, bao gồm cả việc đã tuyển dụng quá ồ ạt so với nhu cầu của họ.

Theo báo cáo hàng năm của công ty, nhân lực của Tesla đã tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2019. Jonas của Morgan Stanley lưu ý rằng doanh thu trên mỗi nhân viên của Tesla là 853.000 USD, không cao hơn nhiều so với 757.000 USD của Ford.

Ngoài ra doanh số bán hàng của Tesla ở Mỹ tập trung nhiều ở California, đặc biệt là ở khu vực Vịnh San Francisco, nơi có các công ty ở Thung lũng Silicon.

Elon Musk có cảm giác siêu tồi tệ về nền kinh tế - lo lắng viển vông hay lời cảnh báo cho ngành công nghiệp ô tô? - Ảnh 2.

Doanh số Tesla trên toàn cầu năm 2021

Những công nhân công nghệ cao với sự giàu có dựa trên cổ phiếu họ nắm giữ là cơ sở khách hàng quan trọng của Tesla. Nhưng hiện tại, một số công ty công nghệ lớn đang cắt giảm nhân sự, và các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn đang gặp khó khăn hơn trong việc xin vốn.

Barry Engle, cựu Giám đốc điều hành Ford và GM, người đã thành lập Qell, một công ty đầu tư tập trung vào vận tải, cho biết tất cả những điều đó có thể đúng, nhưng nỗi sợ hãi của Musk không thể bỏ qua.

Ông nói: "Suy thoái kinh tế ngày càng có khả năng xảy ra. Elon và tất cả những người khác đều biết điều đó. Sự khác biệt là với tư cách là một doanh nhân, anh ấy có xu hướng hành động và nói lên sự thật một cách tự nhiên hơn, ngay cả khi không được ưa chuộng".

Tham khảo: Reuters


Huyền Như

Tin mới