(Tổ Quốc) - Theo Business Insider, khi Tesla "gặp vấn đề" nào đó, Musk mới có những hành vi kỳ lạ như vậy.
Thời gian gần đây, Elon Musk đã liên tục gây chú ý với những phát ngôn liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ suy thoái kinh tế Mỹ, chính sách làm việc tại nhà của Tesla hay thương vụ mua lại Twitter. Thế nhưng, theo Business Insider, tất cả chỉ là "trò ảo thuật" của tỷ phú giàu nhất thế giới.
Khi Musk lo lắng đến mức phải hành động như vậy, không loại trừ khả năng Tesla đã có điều gì đó không ổn. Năm 2018, Musk từng gây xôn xao khi thông báo trên Twitter rằng ông sẽ đưa Tesla về làm doanh nghiệp tư nhân ở mức giá cổ phiếu 420 USD. Sau đó, Musk bị kiện và phải nộp phạt 20 triệu USD đồng thời từ chức chủ tịch Tesla vì phát ngôn "sai lệch và gây nhầm lẫn" của mình.
Theo Business Insider, nếu có điều gì đang khiến Musk cảm thấy cực kỳ tồi tệ vào lúc này thì đó chính là mối đe dọa với khối tài sản khổng lồ mà ông đang sở hữu.
Là công ty xe điện lớn nhất thế giới nhưng Tesla vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Hãng đã vài lần không ra mắt xe mới đúng thời hạn, không giao hàng đúng hạn hay đánh giá quá cao khả năng của sản phẩm. Trong gần 2 thập kỷ từ khi thành lập, Tesla đã 2 năm có lãi và bản thân Musk từng thừa nhận ông phải "đánh cược cả công ty".
Tỷ phú Elon Musk (Ảnh: Internet).
Một trong số đó là vào đầu năm 2018, khi Musk bỏ ra hàng tỷ USD để biến nhà máy Fremont của Tesla thành một "cỗ máy khủng khiếp" có thể sản xuất ô tô mà không cần sự tham gia của con người. Điều này bị ngành xe hơi cảnh báo là sẽ không hiệu quả. Và thực tế đúng là như vậy.
Mùa xuân năm 2018, Tesla đã phải tuyển dụng người lao động ồ ạt để sản xuất. Thế nhưng điều này lại dẫn đến việc công ty âm thầm sa thải 9% lực lượng lao động vào tháng 6/2018.
Trong thời gian đó, Musk đã bộc lộ nhiều hành vi thất thường. Ông xúc phạm một nhà phân tích Phố Wall trong một cuộc gọi của Tesla với các nhà đầu tư, lên Twitter khiêu khích nhiều nhà báo. Ngoài ra, Musk còn giới thiệu đường hầm đầu tiên của Boring Company. Tất cả những điều này được cho là cách để Musk đánh lạc hướng dư luận và khi Tesla "gặp vấn đề" nào đó, Musk mới có những hành vi kỳ lạ như vậy.
Nửa đầu 2022 là thời gian khá ảm đạm của Tesla. Có thể nói, thị trường đã quay lưng lại với các công ty công nghệ đang phát triển nhanh chóng, khiến cổ phiếu của Tesla – "đứa con vàng" trong 15 năm qua của Thung lũng Silicon - giảm 40% kể từ đầu năm. Việc Musk muốn mua Twitter cũng không giúp tình hình khá khẩm hơn là bao vì các nhà đầu tư nhận ra rằng Musk đang để tâm đến thứ khác chứ không phải Tesla.
Giá cổ phiếu của Tesla cũng phản ánh thực tế là hãng đang vấp phải sự cạnh tranh thực sự trên thị trường Mỹ, đặc biệt là Ford. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ các nhà sản xuất xe điện, trừ Tesla. Tại châu Âu, Tesla đã mất thị phần vào tay các hãng như Renault, Hyundai và Volkswagen.
Một nhà phân tích cho rằng khả năng sinh lời của Tesla vẫn cần được xem xét. Dựa trên hồ sơ tài chính, người này cho biết việc kinh doanh ở Mỹ của hãng không "lung linh" như mọi người vẫn nghĩ. Nếu không có số tiền thu được từ bán tín dụng carbon cho các hãng xe động cơ đốt trong và thu nhập từ hoạt động tại Trung Quốc, hoạt động tại Mỹ của Tesla có thể đã lỗ 2,4 tỷ USD trong năm ngoái.
Tại thị trường Trung Quốc, việc sản xuất của Tesla cũng bị ảnh hưởng do chính phủ nước này áp dụng biện pháp phòng chống dịch Covid-19, khiến nhà máy của công ty phải tạm đóng cửa trong một thời gian.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy chi tiêu trong nền kinh tế, thậm chí giảm thuế cho những người mua xe điện trị giá dưới 45.000 USD. Vấn đề của Tesla là chiếc xe nổi tiếng nhất của hãng – Model Y, có giá gần 50.000 USD trong khi Model 3 (giá 42.000 USD) đang bị sụt giảm doanh số tại Trung Quốc. Mặt khác, doanh số của những nhà sản xuất xe điện Trung Quốc với giá thành sản phẩm rẻ hơn nhiều, như BYD, lại đang có xu hướng tăng mạnh.
Nguồn: BI
Mộc Tiên