(Tổ Quốc) - Tỷ phú Elon Musk gây chấn động khi thông báo thương vụ mua lại Twitter bị tạm dừng bởi vấn đề tài khoản giả mạo. Việc này khiến giới đầu tư đứng ngồi không yên và không biết được Giám đốc Tesla sẽ có những hành động nào tiếp theo.
"Thỏa thuận của Elon Musk đưa Twitter trở thành công ty tư nhân đã trở thành một buổi biểu diễn xiếc", Daniel Ives, nhà phân tích công nghệ tại công ty Wedbush Securities (Mỹ), viết trong một ghi chú sáng thứ 6 (ngày 13/5) và dự báo vài kết quả tiềm năng cho câu chuyện này.
Bình luận từ Daniel Ives đến sau dòng tweet của Elon Musk rằng thỏa thuận mua lại Twitter trị giá 44 tỉ USD đang bị tạm dừng vì lo ngại về số lượng tài khoản giả mạo trên mạng xã hội này.
Elon Musk cho biết trong một tweet: "Thỏa thuận Twitter tạm thời bị hoãn để chờ xử lý chi tiết ủng hộ tính toán rằng các tài khoản spam/giả mạo thực sự đại diện cho ít hơn 5% người dùng".
Đầu tháng này, Twitter đã ước tính rằng các tài khoản giả mạo hoặc spam đại diện cho ít hơn 5% người dùng hoạt động hàng ngày có thể kiếm tiền trong quý 1/2022, khi ghi nhận 229 triệu người dùng hoạt động hàng ngày được phân phát quảng cáo.
Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết Twitter không có kế hoạch hành động ngay lập tức vì nhận xét của Elon Musk. Các nguồn tin cho biết thêm, công ty coi nhận xét đó là miệt thị và vi phạm các điều khoản trong hợp đồng thỏa thuận của họ. Chưa hề rõ phản ứng từ các nhà đầu tư mà Elon Musk gọi vốn vào tuần trước để huy động 7,14 tỉ USD mua lại Twitter.
Ngay sau đó, Giám đốc điều hành Tesla làm rõ trong một tweet tiếp theo rằng ông "vẫn cam kết mua lại Twitter".
Mong muốn loại bỏ spam bot của Elon Musk khiến Twitter 'lao dốc'
Các tài khoản spam hoặc giả mạo được thiết kế để thao túng hoặc tăng cường hoạt động một cách giả tạo trên các dịch vụ như Twitter. Một số tạo ra ấn tượng rằng cái gì đó hoặc người nào đó phổ biến hơn.
Elon Musk đã tweet một câu chuyện của Reuters từ 10 ngày trước có trích dẫn các số liệu tài khoản giả mạo. Twitter đã nói rằng các số liệu chỉ là ước tính và thực tế có thể cao hơn.
Số lượng tài khoản spam ước tính trên Twitter đã giữ ổn định dưới 5% kể từ năm 2013, theo hồ sơ công ty, khiến một số nhà phân tích đặt câu hỏi tại sao Elon Musk lại tweet về nó lên như hiện nay.
Twitter cho biết phải đối mặt với một số rủi ro cho đến khi thỏa thuận với Elon Musk kết thúc, bao gồm cả việc liệu các nhà quảng cáo có tiếp tục chi tiêu trên mạng xã hội hay không trong bối cảnh "tiềm ẩn sự không chắc chắn về các kế hoạch và chiến lược trong tương lai".
Elon Musk, người giàu nhất thế giới và là Giám đốc điều hành của Tesla, nói rằng một trong những ưu tiên của ông là loại bỏ các spam bot (chương trình được tạo ra để gửi thư rác) khỏi nền tảng này.
Cổ phiếu Twitter đã giảm tới 25% trong giao dịch trước giờ mở cửa sau dòng tweet tạm hoãn mua lại của Elon Musk, sau đó còn giảm khoảng 9% và giao dịch ở mức 40,91 USD lúc 10 giờ 8 sáng 13.5 theo giờ ET. Đây là mức thấp hơn nhiều so với khi Twitter đồng ý bán cho Elon Musk giá 44 tỉ USD (54,20 USD/cổ phiếu) vào ngày 25.4, đặt ra câu hỏi liệu tỷ phú giàu nhất thế giới có cố gắng đàm phán lại thỏa thuận hay không.
Tin tức Elon Musk sẽ dỡ bỏ lệnh cấm tài khoản Twitter của cựu Tổng thống Donald Trump, dù quan trọng về mặt chính trị, nhưng không giúp cổ phiếu công ty đi lên. Cổ phiếu Twitter đã lao dốc cùng với sự sụp đổ rộng rãi hơn của cổ phiếu công nghệ, khi các nhà đầu tư lo lắng về lạm phát và khả năng suy giảm kinh tế.
Daniel Ives đã lưu ý ba điều có thể xảy ra từ đây, với việc đầu tiên là Phố Wall sẽ xem các dòng tweet của Elon Musk như một dấu hiệu rằng thỏa thuận mua lại Twitter sắp hoàn thành.
"Bản chất của việc Elon Musk tạo ra quá nhiều sự không chắc chắn trong một dòng tweet gây nhiều khó khăn cho chúng tôi và Phố Wall. Giờ đây, toàn bộ thương vụ này trở thành một buổi biểu diễn xiếc với nhiều câu hỏi và không có câu trả lời cụ thể về hướng đi của thỏa thuận này trong tương lai", Daniel Ives cho hay.
Theo Daniel Ives, một khả năng khác là những diễn biến mới sẽ mở ra cơ hội để Elon Musk thương lượng lại các điều khoản và giá thầu của mình.
Giá cổ phiếu Twitter hiện thấp hơn nhiều so với lời đề nghị của Elon Musk là 54,20 USD/cổ phiếu. Hãng bán khống nổi tiếng Hindenburg Research vào tuần trước nói rằng Giám đốc điều hành Tesla đang nắm toàn quyền kiểm soát và có thể định giá lại thương vụ để phản ánh tốt hơn các điều kiện trên thị trường cũng như ở cấp độ công ty.
Elon Musk muốn từ bỏ liệu có dễ?
Daniel Ives nói Elon Musk cũng có thể từ bỏ hoàn toàn thỏa thuận với khoản phí chia tay là 1 tỉ USD.
Tuy nhiên, tỷ phú Elon Musk cho dù có muốn dừng thương vụ mua bán cũng chẳng dễ dàng bởi ngoài khoản tiền phạt 1 tỷ USD, chúng còn dính dáng đến rất nhiều yếu tố pháp luật. Luật pháp Mỹ ghi rõ bên mua chỉ có thể hủy kèo khi phát hiện các vấn đề gian dối, lừa đảo, gặp rắc rối về tài chính hoặc các vấn đề liên quan đến luật pháp.
Bởi vậy nếu Elon Musk viện cớ để dừng mua, nhằm gây áp lực đàm phán lại do giá cổ phiếu xuống dưới mức cam kết mà nhà sáng lập đã từng đáp ứng trước đây, phía Twitter có quyền kiện cáo. Nếu điều đó xảy ra, Elon Musk ngoài việc phải thanh toán 1 tỷ USD tiền phạt còn phải vướng vào một đợt kiện cáo kéo dài khác đầy tốn kém.
Theo CNBC, các nhân viên của Twitter sẽ từ bỏ công ty nếu họ không thấy có tương lai trong bối cảnh mạng xã hội vướng vòng kiện cáo. Thêm nữa, Twitter cũng đang phải cắt giảm chi phí với việc cắt bỏ 2 giám đốc điều hành, qua đó cho thấy mạng xã hội này đang khá eo hẹp về tài chính.
Khi Elon Musk đề nghị mua lại với mức giá 54,2 USD/cổ, hội đồng quản trị của Twitter thậm chí còn chẳng thèm mặc cả bởi không có người mua nào chấp nhận mức giá này ngoài nhà sáng lập Tesla.
Tham khảo: CNBC, Naija Times
Khánh Vy