ESG là gì và hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng bền vững như thế nào

ESG - bao gồm môi trường (environmental), xã hội (social) và quản trị (governance) đang dần trở thành chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững và đóng góp tích cực cho môi trường, kinh tế và xã hội.
ESG là gì và hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng bền vững như thế nào - Ảnh 1.

Các vấn đề mang tính hệ thống và toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm nhựa, cạn kiệt tài nguyên, bất bình đẳng... đang trở thành mối quan tâm hàng đầu không chỉ của các Chính phủ mà còn của khối tư nhân – các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, NGO... trên khắp thế giới.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ký quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025". Chương trình này đặt mục tiêu đến năm 2025, hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đồng thời, trong khối tư nhân, ESG hay phát triển bền vững đang trở thành chiến lược chính yếu trong mọi hoạt động kinh doanh và vận hành của nhiều doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam. Bởi đây không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng bền vững và dài hạn mà còn giúp doanh nghiệp trở thành một phần quan trọng trong bức tranh phát triển bền vững của đất nước ở các mặt xã hội lẫn môi trường bên cạnh khía cạnh kinh tế.

Vì lẽ đó, chương trình bình chọn "Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2023 – CSA" của Tạp chí Nhịp cầu đầu tư là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp cùng nhìn lại chặng đường nỗ lực đối với bảo vệ môi trường, thúc đẩy xã hội và quản trị trong nội tại của tổ chức.

Năm nay, Unilever Việt Nam là doanh nghiệp FDI được vinh danh tại hạng mục "Tiên phong trong kinh tế tuần hoàn" của chương trình bình chọn này.

Trải qua các vòng đánh giá chuyên sâu từ hội đồng giám khảo uy tín, doanh nghiệp hàng tiêu dùng đã dành được danh hiệu này nhờ vào những nỗ lực và vai trò tiên phong trong việc khởi xướng và thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.

Cụ thể, từ năm 2020, Unilever Việt Nam đã hợp tác cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng hai đối tác Dow và SCGC để khởi động hợp tác công – tư (gọi tắt là PPC), đánh dấu lần đầu tiên, một thoả thuận hợp tác xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa được ký kết giữa khối công và khối tư, tập trung vào phân loại, thu gom rác và tái chế rác thải nhựa.

Sau gần 3 năm kể từ ngày thành lập PPC, khối tư nhân đã có cơ hội cọ xát để nắm bắt tình hình rác thải nhựa tại Việt Nam, hợp tác cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Phụ nữ, các NGO, doanh nghiệp... triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể và chào đón thêm nhiều thành viên tham gia PPC – với tổng số lượng hiện nay là 30 thành viên – để chung tay thúc đẩy vòng tuần hoàn của nhựa tốt hơn.

Tại sự kiện trao giải CSA, bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc Truyền thông, Đối ngoại và Phát triển bền vững Unilever Việt Nam chia sẻ thêm về vai trò của kinh tế tuần hoàn trong quản lý nhựa đối với việc giải quyết biến đổi khí hậu: "Quản lý nhựa hiệu quả cũng là một chiến lược góp phần vào cắt giảm khí nhà kính. Theo một nghiên cứu, cứ mỗi 1 tấn nhựa được sản xuất sẽ có khoảng 5 tấn CO2 thải ra môi trường. Vì vậy, việc sử dụng nhựa tái chế sẽ giúp tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải carbon so với sử dụng nhựa nguyên sinh, từ đó giúp giảm tác động của Unilever lên biến đổi khí hậu và hướng tới một hệ thống bền vững hơn."

ESG là gì và hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng bền vững như thế nào - Ảnh 2.

Đại diện Unilever tham gia trong tọa đàm về net zero tại CSA

Bên cạnh đó, việc hợp tác với Tái Chế Duy Tân hướng đến mục tiêu thu gom và tái chế 30.000 tấn rác thải nhựa đến năm 2027 một lần nữa khẳng định cam kết dài hạn của Unilever trong việc thúc đẩy vòng tuần hoàn nhựa, giải quyết ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.

Không chỉ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn về nhựa thông qua hợp tác cùng Chính phủ và các doanh nghiệp, tổ chức đối tác, Unilever còn chủ động mang mô hình này vào đời sống của người dân, giúp người dân trở thành một mảnh ghép quan trọng của kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể, chương trình hợp tác "Phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn" với UBND quận 7, TP. HCM hướng đến xây dựng và duy trì thói quen phân loại rác nhựa trong sinh hoạt hằng ngày của người dân. Để đạt được mục tiêu, chương trình sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen về xử lý rác thải nhựa; các chương trình đổi rác lấy quà song song với việc trao tặng, trang bị hệ thống thùng rác phân loại làm từ nhựa tái chế nhằm khuyến khích hoạt động phân loại chất thải nhựa trong cộng đồng cư dân.

ESG là gì và hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng bền vững như thế nào - Ảnh 3.

Người dân quận 7 tích cực tham gia phân loại và thu gom rác nhựa

Song song với việc phân loại rác nhựa tại nhà của người dân, các đơn vị hiện hữu trên địa bàn quận sẽ tiến hành thu gom các bao bì nhựa và chuyển giao cho đối tác Tái Chế Duy Tân của Unilever Việt Nam để thực hiện tái chế và xử lý thành hạt nhựa PCR – làm nguyên liệu cho quy trình sản xuất bao bì cho các sản phẩm của Unilever. Điều này giúp tạo nên một vòng tuần hoàn trọn vẹn của nhựa trong đời sống và nền kinh tế.

Tin mới