(Tổ Quốc) - Nhóm Tổ chức nước ngoài lại cho thấy sức mua mạnh mẽ khi mua ròng trong tháng 4 tổng cộng 1.641 tỷ đồng – tỷ trọng tăng lên 9,29%. EVS cho rằng xu hướng mua ròng của nhóm tổ chức nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì khi thị trường đang về các mức định giá thấp trong lịch sử.
Trong báo cáo "Quan điểm đầu tư Tháng 5 – Cơ hội hiếm có" mới công bố, Chứng khoán Everest (EVS) đánh giá thanh khoản thị trường giảm mạnh và đều về dưới giá trị giao dịch trung bình của năm 2021. Trong bối cảnh thị trường diễn biến không mấy tích cực, tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan và sợ hãi sẽ là yếu tố chủ chốt khiến cho thanh khoản chưa thể tăng ngay trở lại dù cho thị trường có hồi phục trong thời gian sắp tới.
EVS nhận định trụ đỡ thanh khoản thị trường là các NĐT cá nhân trong nước đã suy yếu rõ rệt các tháng vừa qua. Trong tháng 5, nhóm NĐT cá nhân trong nước ghi nhận bán ròng 2,651 tỷ đồng – đẩy tỷ trọng trong cơ cấu giao dịch xuống thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây (~81.3%). Tâm lý hoảng loạn khi thị trường sụt giảm mạnh là một yếu tố không thể tránh khỏi đối với nhóm NĐT cá nhân.
Ở chiều ngược lại, nhóm Tổ chức nước ngoài lại cho thấy sức mua mạnh mẽ khi mua ròng trong tháng 4 tổng cộng 1.641 tỷ đồng – tỷ trọng tăng lên 9,29%. EVS cho rằng xu hướng mua ròng của nhóm tổ chức nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì khi thị trường đang về các mức định giá thấp trong lịch sử. Đặc biệt là khi tâm lý của các NĐT cá nhân trong nước cần hồi phục và lấy lại được niềm tin.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, theo phân tích của EVS, chỉ báo RSI đã cho thấy tín hiệu thị trường đang rơi về vùng quá bán, đồng thời là tín hiệu cho nhịp giảm sẽ sớm kết thúc. EVS đưa ra quan điểm: "Thị trường sẽ có thể sẽ tạo đáy quanh vùng 1.167 nếu xuất hiện lực cầu đủ mạnh và sớm quay lại". Thêm vào đó, các chuyên gia EVS cũng điểm qua hai nhóm ngành tiêu biểu được đánh giá cao:
Ngành Thủy sản
Kết thúc quý 1/2022, các doanh nghiệp ngành Thủy sản và đặc biệt là nhóm sản xuất Cá tra công bố KQKD cực kỳ ấn tượng: VHC (LN 318% YoY), ANV (LN 224% YoY). Đây cũng là 2 cổ phiếu trong ngành mà các chuyên gia đặt kỳ vọng.
Ngoài ra, chứng khoán Everest chỉ ra một số điểm tích cực cho sự tăng trưởng của ngành như: (1) Xu hướng giá tiếp tục duy trì cao thời gian tới; (2) Nguồn cung trong nước tăng cao, giúp giảm chi phí đầu vào; (3) Lệnh trừng phạt của Nga sẽ mở ra cơ hội cho cá tra Việt Nam; (4) Chính sách Zero-Covid nới lỏng giúp nhu cầu tại thị trường đông dân nhất thế giới tạo ra cú huých lớn.
Ngành Dầu khí
EVS cho biết giá dầu và giá khí neo cao là động lực tăng trưởng cho toàn ngành. Bởi, Nga là nước xuất khẩu các sản phẩm về dầu và khí top đầu thế giới, do đó dấy lên những lo ngại về các biện pháp trừng phạt có thể khiến cho nguồn cung bị gián đoạn.
Theo EVS Research, khi các yếu tố thời tiết bất lợi giảm dần, nguồn điện khí có thể bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ nhiệt điện than nhờ nguồn cung dồi dào, góp phần gia tăng sản lượng tiêu thụ khí khô trong nước.
Bên cạnh đó, dự thảo Quy hoạch điện 8 cũng cho thấy Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng điện khí để đa dạng nguồn điện năng và giảm phát thải. Chính phủ cũng đã phê duyệt các dự án khu phức hợp năng lượng LNG và trong đó dự án đầu tiên là cảng LNG Thị Vải dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào Q4/2022. Đáng chú ý, EVS đưa ra top 3 cố phiếu trong ngành đang được quan tâm: GAS, PVS, CNG.
Tường Quyên