(Tổ Quốc) - Nếu bị nhiễm COVID-19, nên chú ý tăng cường chế độ ăn uống và dinh dưỡng mỗi ngày để giúp hỗ trợ sức khỏe miễn dịch của bạn. Các nhóm thực phẩm có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm sau đây được nhiều chuyên gia khuyên dùng.
Kết quả nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, có mối quan hệ chặt chẽ giữa tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe miễn dịch, nguy cơ nhiễm trùng và khả năng phục hồi sau bệnh của bạn.
Theo TS. Vương Bảo Thy, Trưởng khoa Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học Cửu Long, ăn nhiều các loại thực phẩm có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm có thể giúp hỗ trợ sức khỏe miễn dịch của bạn nếu bị nhiễm COVID-19.
Do đó, các nhóm thực phẩm sau đây có thể có lợi cho những người bị nhiễm COVID-19 hoặc đang phục hồi sau COVID-19.
Thực phẩm giàu vitamin D
Trong quá trình hỗ trợ người bệnh COVID-19 hồi phục, vitamin D là vi chất dinh dưỡng quan trọng không thể bỏ qua. Theo kết quả nghiên cứu, loại vitamin và hormone hòa tan trong chất béo này có tác dụng chống viêm bằng cách ngăn chặn hoạt động quá mức của hệ miễn dịch.
Trong cơ thể, vitamin D hoạt động trên men chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2), một thụ thể protein được tìm thấy trong phổi và mô mỡ. Phản ứng tương tác này đã ngăn chặn virus liên kết với ACE2 và giảm các biến chứng liên quan đến COVID-19.
Đồng thời, vitamin D cũng có thể đóng một vai trò bảo vệ và hỗ trợ chữa lành các mô bị tổn thương, chủ yếu ở phổi.
Tuy nhiên, lượng vitamin D cơ thể tự nhiên nạp vào khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời chỉ khoảng 80%. Cần bổ sung thêm khoảng 20% còn lại từ chế độ ăn uống mỗi ngày. Trong trường hợp ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, con số này nên điều chỉnh tăng lên.
Dưới đây là 7 loại thực phẩm giàu vitamin D mọi người có thể tham khảo:
Dầu gan cá tuyết: 170% Giá trị dinh dưỡng hàng ngày (DV) trên 1 muỗng canh (13,6 gram)
Cá trích: 27% DV trên 100 gam
Lòng đỏ trứng: 27% DV trên 100 gam
Cá mòi: 24% DV trên 100 gam
Cá ngừ đóng hộp: 34% DV trên 100 gram
Cá hồi, đánh bắt tự nhiên hoặc nuôi: 66% DV trên 100 gam
Nước cam tăng cường: 25% DV trên 100 gram
Theo nghiên cứu, một số loại nấm cũng là nguồn cung cấp vitamin D…
Tuy nhiên, cần tham khảo tư vấn từ bác sĩ trước khi bắt đầu bổ sung vitamin D thường xuyên vì một số loại thuốc có thể bị ảnh hưởng làm thay đổi hiệu quả. Chẳng hạn như thuốc làm loãng máu, thường gặp ở những người bị COVID-19 do tăng nguy cơ đông máu.
Carotenoid và vitamin A
Vitamin A là chất chống oxy hóa carotenoid hòa tan trong chất béo, có đặc tính chống viêm. Do đó, nó có thể có lợi cho việc kiểm soát bệnh viêm phổi và nhiễm trùng đường hô hấp, theo một số kết quả nghiên cứu chỉ ra.
Hiệu quả này cũng được phát huy với những người mắc Covid-19. Vitamin A sẽ làm giảm viêm, giảm tình trạng mất cân bằng oxy hóa, tăng cường phản ứng miễn dịch, từ đó góp phần làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Vitamin A bảo vệ các thụ thể ACE2, tương tự như vitamin D, và có thể hoạt động trên một số mục tiêu phân tử khác để chống lại Covid-19.
Các loại rau có lá màu xanh đậm và các loại thịt nội tạng, đặc biệt là gan, là những nguồn cung cấp vitamin A dồi dào mà mọi người có thể bổ sung vào khẩu phần ăn của người mắc bệnh Covid-19.
Cụ thể, có tám loại thực phẩm giàu vitamin A sau đây:
Gan bò: 552% DV
Gan gà: 327% DV
Cá thu vua: 24% DV
Phô mai từ sữa dê: 54% DV
Khoai lang, nấu chín: 87% DV
Cải búp, cải rổ (Collard greens): 28% DV
Cà rốt sống: 93% DV
Rau bina non, sống: 31% DV
Tuy nhiên, tương tác thuốc cũng có thể xảy ra nếu bạn đang dùng vitamin A bổ sung, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn tư vấn bác sĩ trước khi dùng.
*Theo Lotus
Thuý Phương