F0 tái nhiễm Covid-19, bệnh có nặng hơn lần đầu? Chuyên gia khuyến cáo người bệnh không được lơ là, chủ quan

(Tổ Quốc) - Hiện tại có rất nhiều trường hợp bị tái nhiễm F0 sau một thời gian mắc và khỏi bệnh. Nhiều người bệnh tỏ ra băn khoăn và lo lắng khi nghe nói lần mắc sau nặng hơn lần trước. Liệu điều này có đúng?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo những người từng mắc COVID-19 vẫn có thể tái nhiễm với biến chủng Omicron và nguy cơ này đang gia tăng trên toàn cầu. Thế nhưng nhiều người sau khi mắc COVID-19 vẫn chủ quan cho rằng mình có kháng thể cực mạnh và đã tiêm 3 mũi vaccine nên không lo bị tái nhiễm trong ít nhất 3-6 tháng. Trên thực tế, số ca F0 hiện nay đang tăng nhanh trong đó có không ít ca được ghi nhận tái nhiễm trong thời gian gần.

Theo Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành), các trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 thường gặp ở những người từng mắc một biến chủng (ví dụ: F0 mắc chủng Delta sau đó nhiễm biến chủng mới như Omicron). Tuy nhiên, đối với những người đã nhiễm biến thể Omicron rồi thì rất khó và hiếm xảy ra nhiễm lại cùng một biến chủng trong thời gian ngắn.

Trước tình trạng này, câu hỏi được nhiều người quan tâm chính là: Khi tái nhiễm COVID-19, bệnh có nặng hơn lần đầu hay không?

F0 tái nhiễm Covid-19, bệnh có nặng hơn lần đầu? Chuyên gia khuyến cáo người bệnh không được lơ là, chủ quan - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Nhiều F0 lo ngại bệnh nặng hơn khi họ tái nhiễm COVID-19 lần hai. Tuy nhiên, các nghiên cứu đến nay đã chỉ ra rằng những đợt tái nhiễm sẽ nhẹ hơn so với lần mắc bệnh đầu tiên và hiếm khi gặp lại triệu chứng quan trọng dù F0 gặp bất cứ biến chủng nào. Dù vậy, vẫn có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng sau tái nhiễm, điều này phụ thuộc vào thời điểm mắc bệnh.

Về vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết khi tái nhiễm dù là biến thể mới nhưng đa phần sẽ nhẹ hơn so với mắc lần đầu, nhất là người đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19. 

Theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hầu hết các bệnh nhân tái nhiễm COVID-19 sau khoảng 1 tháng khỏi bệnh đều có triệu chứng nhẹ hơn lần đầu mắc bệnh. Những bệnh nhân này được tư vấn tự cách ly điều trị tại nhà, không cần nhập viện.

Hiện nay, phần lớn số bệnh nhân mắc COVID-19 đều tự điều trị tại nhà, điều này giúp giảm tải đáng kể cho các khu điều trị COVID-19 nhưng lại tăng nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình có F0 điều trị tại nhà và trở thành mối lo trong các cộng đồng dân cư. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K để hạn chế trình trạng tái nhiễm.

Bên cạnh đó, dù tỷ lệ người tiêm đủ vaccine chuyển nặng không cao nhưng tuyệt đối không được lơ là chủ quan. Người dân khi thành F0 cần bình tĩnh, chuẩn bị dụng cụ và tâm thế để phục vụ cho việc tự điều trị của mình.

(Nguồn suckhoedoisong.vn; cand.com.vn)

F0 tái nhiễm Covid-19, bệnh có nặng hơn lần đầu? Chuyên gia khuyến cáo người bệnh không được lơ là, chủ quan - Ảnh 2.

Ánh Lê

Tin mới