(Tổ Quốc) - Nếu có mạng xã hội nào không muốn người dùng ngừng hoạt động trên nền tảng của mình dù chỉ 1 phút thì cái tên đầu tiên chắc chắn sẽ là Facebook. Vậy tại sao họ lại trả tiền để bị rời bỏ?
Ngày 4/4 vừa qua, nhiều người dùng Facebook đã bất ngờ trước thông tin Facebook sẽ trả khoản tiền tương đương 1 triệu đồng cho người dùng nào tạm khóa tài khoản trong vòng 1 tháng.
Trên thực tế, chương trình này mới chỉ áp dụng với một số tài khoản ở Hàn Quốc chứ chưa áp dụng với người dùng Việt Nam. Cụ thể, chính sách trên được Facebook đưa ra để hỗ trợ một nhóm chuyên gia nghiên cứu. Ngoài ra, chỉ những người nhận được đề nghị từ Facebook mới nhận được tiền hỗ trợ. Ước tính sẽ có khoảng 400.000 người tham gia vào thử nghiệm của mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
Nhiều người đã hiểu lầm chính sách mới đây của Facebook (Ảnh: Internet).
Do Facebook chưa thông báo chính thức về chính sách này nên không ít người đã hiểu lầm rằng chỉ cần khóa tài khoản trong 1 tháng là được nhận tiền. Với khoảng 3 tỷ người dùng trên toàn cầu, sẽ là một nước đi "đi vào lòng đất" nếu Facebook đề nghị người dùng tạm khóa tài khoản dù chỉ trong vài tiếng chứ chưa nói đến 1 tháng.
Phần lớn doanh thu của gã khổng lồ này đến từ việc bán một phần thông tin về hành vi của người dùng cho các nhà quảng cáo. Vì thế, việc Facebook "xui" người dùng đồng loạt khóa tài khoản sẽ chẳng khác nào tự bẻ gãy cần câu cơm của mình.
Tháng 10 năm ngoái, một sự cố kỹ thuật xảy ra đã khiến người dùng không thể truy cập vào Facebook trên quy mô toàn cầu. Tuy chỉ kéo dài trong 2 tiếng nhưng ước tính, Facebook đã thiệt hại tới 6 tỷ USD. Chính vì thế, nếu có mạng xã hội nào không muốn người dùng ngừng hoạt động trên nền tảng của mình dù chỉ 1 phút thì cái tên đầu tiên chắc chắn sẽ là Facebook.
Đây không phải lần đầu tiên Facebook đưa ra chính sách trả tiền để khóa tài khoản với người dùng. Vào các đợt bầu cử tổng thống Mỹ (năm 2016 và 2020), Facebook cũng áp dụng chính sách tương tự với người dùng ở Mỹ. Họ sẽ nhận được tiền khi đồng ý tạm khóa tài khoản trong một thời gian ngắn cho đến ngày bầu cử.
Năm 2020, Facebook đề nghị trả 120 USD (khoảng 2,7 triệu đồng) cho những ai đồng ý khóa tài khoản cá nhân đến khi cuộc bầu cử kết thúc. Đây là chương trình thuộc nghiên cứu của Facebook về tác động của mạng xã hội lên thái độ và hành vi chính trị của người Mỹ.
Vài năm trở lại đây, vị thế của Facebook dường như đã có phần suy giảm, một phần vì sự cạnh tranh của nhiều đối thủ khác, một phần vì sự quay lưng của một bộ phận người dùng.
Báo cáo mới đây của công ty truyền thông BuzzFeed cho biết ngày càng nhiều người dùng dành ít thời gian hơn để "lướt" Facebook. Thậm chí, một số còn bỏ hẳn Facebook vì nhiều lý do khác nhau.
Cụ thể, bà Felicia DellaFortuna, giám đốc tài chính của BuzzFeed tiết lộ thời gian mà người dùng dành cho các nội dung trên Facebook đã giảm 4% trong quý IV/2021 so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, việc lượng người dùng ít dần đi phản ánh xu hướng rời bỏ Facebook và chuyển sang các nền tảng khác như Instagram hay TikTok.
Theo bà Felicia, những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của Facebook. Đó chính là lý do công ty này đang tăng cường đẩy mạnh nội dung trên nền tảng để tăng tính cạnh tranh với các đối thủ.
Trước đó, báo cáo của Meta – công ty mẹ của Facebook cũng cho thấy số người dùng hoạt động hàng ngày trên nền tảng này đã giảm nhẹ, xuống mức 1,93 tỷ người. Đây là quý đầu tiên Facebook đối mặt với tình trạng này.
Mức giảm 500.000 người dùng tuy không quá khổng lồ nhưng nó được coi là dấu hiệu cho thấy có vẻ như Facebook đã phát triển đến mức bão hòa trên toàn cầu, số lượng người dùng đã đạt "đỉnh" và không thể tăng thêm được nữa.
Trong bối cảnh như vậy, có lẽ chính sách trả tiền để người dùng tạm khóa tài khoản chỉ là một thử nghiệm ở quy mô nhỏ của Facebook mà thôi!
Nguồn: The Sun, CNBC
G.Vũ