FIDO APAC Summit: Hợp tác khu vực về xác thực mạnh không mật khẩu

Diễn ra tại Vinpearl Nha Trang, hội nghị quy tụ gần 400 đại biểu đến từ hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới, trong 3 ngày liên tiếp (từ 28-30/8). Mục tiêu chung là thúc đẩy việc áp dụng công nghệ xác thực mạnh không mật khẩu theo tiêu chuẩn FIDO một cách hiệu quả tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và toàn thế giới.

Hội nghị thành công tốt đẹp: Định hướng triển khai xác thực mạnh không mật khẩu trên toàn khu vực

Vừa qua, hội nghị FIDO Châu Á - Thái Bình Dương về xác thực mạnh không mật khẩu đã diễn ra thành công với sự tham gia của gần 400 đại biểu, gồm đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, khối các cơ quan chính phủ Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…, các doanh nghiệp như Google, Samsung Electronics, Mastercard, VinCSS … cùng nhiều đại diện cơ quan báo chí trong nước và quốc tế.

Hội nghị được tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng tổ chức bởi Cục An toàn thông tin, Liên minh Xác thực trực tuyến thế giới – FIDO Alliance (trụ sở tại Hoa Kỳ) và Công ty Cổ phần Dịch vụ An ninh mạng VinCSS (thuộc Tập đoàn Vingroup).

FIDO APAC Summit: Hợp tác khu vực về xác thực mạnh không mật khẩu - Ảnh 1.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, được sự uỷ quyền của ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã đưa ra nhận định trong phiên phát biểu chào mừng: "Việt Nam cùng các quốc gia trong khu vực đang trong quá trình chuyển đổi từ xác thực truyền thống sang xác thực mạnh không mật khẩu, mục tiêu không chỉ để tăng cường an toàn thông tin mạng mà còn giúp giảm chi phí vận hành và tối ưu trải nghiệm sử dụng cho các sản phẩm, dịch vụ số".

Bên cạnh đó, bà Khanit Phatong, đại diện Cơ quan Phát triển giao dịch điện tử, Chính phủ Thái Lan và ông Eric Chang, đại diện GovTech Singapore cũng chia sẻ hai quốc gia này đang nỗ lực không ngừng để chuyển đổi áp dụng phương pháp xác thực tiên tiến nhất, điển hình là xác thực mạnh không mật khẩu theo tiêu chuẩn FIDO2, được ban hành bởi FIDO Alliance.

FIDO APAC Summit: Hợp tác khu vực về xác thực mạnh không mật khẩu - Ảnh 2.

Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Tổng Giám đốc Công ty VinCSS phát biểu tại hội nghị

Đồng quan điểm, Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Tổng Giám đốc Công ty VinCSS cũng khẳng định ngay từ phát biểu khai mạc: "Phương thức xác thực theo tiêu chuẩn công nghiệp mở toàn cầu FIDO2 là công nghệ duy nhất hiện nay giải quyết trọn vẹn cả ba khía cạnh của xác thực, đó là: an toàn, chi phí hợp lý và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng."

Việt Nam gia nhập FIDO Alliance: mang sản phẩm "Make in Việt Nam" đạt tiêu chuẩn FIDO ra thị trường quốc tế

Với định hướng phổ cập và xã hội hoá các dịch vụ số, trong đó có xác thực mạnh không mật khẩu, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã quyết định cử Cục An toàn thông tin làm đại diện tham gia và đã trở thành 1 trong 10 thành viên cấp chính phủ của FIDO Alliance, bên cạnh các "cường quốc" về công nghệ thông tin khác như Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc...

FIDO APAC Summit: Hợp tác khu vực về xác thực mạnh không mật khẩu - Ảnh 3.

Ông Andrew Shikiar - Giám đốc điều hành FIDO Alliance

Theo đó, với sự hỗ trợ, tư vấn từ đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới của FIDO Alliance, Việt Nam sẽ tập trung vào ba trụ cột: Ban hành các chính sách; Hợp tác công-tư; và Hợp tác toàn cầu trong triển khai xác thực an toàn. Chiến lược này sẽ không chỉ giúp đưa đất nước ra khỏi "vùng trũng" về xác thực mà còn đẩy mạnh phát triển các giải pháp xác thực an toàn "Make in Việt Nam" ở đẳng cấp quốc tế.

"Sự tiên phong của Công ty VinCSS, Tập đoàn Vingroup, với Hệ sinh thái xác thực mạnh không mật khẩu là một dấu hiệu tích cực khẳng định Việt Nam có đủ năng lực nghiên cứu, phát triển, sáng tạo các sản phẩm, cung cấp các dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc tế.", Đại diện Cục ATTT phát biểu thay lời Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Dấu ấn của nước "chủ nhà" trong lòng đại biểu quốc tế

Khi được hỏi về lý do lựa chọn Việt Nam làm nơi tổ chức hội nghị này lần đầu tiên, ông Andrew Shikiar - Giám đốc điều hành FIDO Alliance cho biết: "Việt Nam là lựa chọn tất yếu sau khi chúng tôi thảo luận kỹ các phương án, bởi quốc gia này sở hữu tất cả yếu tố cần thiết để các bên liên quan tụ họp lại. Việt Nam đang trở thành một trung tâm sôi động trong phát triển và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới". (Tạm dịch).

FIDO APAC Summit: Hợp tác khu vực về xác thực mạnh không mật khẩu - Ảnh 4.

Sự kiện thành công, để lại dấu ấn với bạn bè quốc tế

Bà Teresa Wu, Phó Chủ tịch phụ trách Định danh thông minh & Bảo mật khu vực Bắc Mỹ của Công ty IDEMIA, chia sẻ cảm nhận sau sự kiện: "Từ cơ sở vật chất đến nội dung chương trình, mọi thứ đều được chuẩn bị tỉ mỉ và thu hút. Chỉ khi thực sự tham gia sự kiện, tôi mới cảm nhận rõ được sự quyết tâm và nghiêm túc trong việc chuyển đổi công nghệ xác thực mạnh ở quốc gia và khu vực này." (Tạm dịch)

Được biết, lời đề nghị tổ chức sự kiện FIDO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần đầu tiên tại Việt Nam là ý tưởng được khởi xướng bởi ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Tổng Giám đốc Công ty VinCSS. Theo ông Trác: "Là một thành viên của FIDO Alliance, việc đề xuất và theo đuổi đến cùng để tổ chức sự kiện này là một đóng góp của chúng tôi dành cho Liên minh và cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn nhân cơ hội này giới thiệu hình ảnh Việt Nam hoàn toàn mới, năng động và sáng tạo về công nghệ với bạn bè thế giới. Với sứ mệnh đó, chúng tôi đã làm việc nghiêm túc để chuẩn bị tốt cho hội nghị này. Thật tự hào khi hội nghị thành công tốt đẹp, nhận về vô số phản hồi tích cực từ đại biểu trong nước và quốc tế

Trong bối cảnh hội nghị, VinCSS đã ký 7 thỏa thuận hợp tác cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước để ngay lập tức bắt tay, đưa xác thực không mật khẩu vào triển khai sâu và rộng hơn nữa tại Việt Nam cũng như toàn khu vực. Hành động thực tiễn, đúng với chủ đề được đặt ra "Kết nối khu vực vì tương lai số an toàn".

Tin mới