(Tổ Quốc) - Chỉ sau hơn hai năm ra mắt, startup FoodMap Asia chuyên về thương mại điện tử nông sản được quỹ ngoại Wavemaker - Partner đầu tư đã ghi nhận phát triển với doanh số tăng gần 500% và tốc độ tăng trưởng nhân sự hơn 200% trong một năm.
FoodMap là nền tảng kết nối người nông dân, nhà sản xuất nông nghiệp với người tiêu dùng với mô hình: Two sides - One Chain - One Platform. Với mục tiêu nâng cao giá trị Nông sản Việt Nam, FoodMap đã từng bước khẳng định vị thế dẫn đầu của mình trong ngành thương mại điện tử nông sản, đặc biệt trong mùa dịch Covid 19 năm nay.
Bạn có thể tóm tắt nhanh về quá trình hình thành, phát triển của FoodMap?
FoodMap thành lập 12.2018, ban đầu là website tập trung bán hàng nông sản Việt rồi dần phát triển đến nay trở thành một hệ sinh thái đa dạng từ kênh bán hàng, cung cấp dịch vụ cho nhà sản xuất và truyền thông trong lĩnh vực nông nghiệp. Có thể nói hiện tại FoodMap là một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử Nông sản và nhà cung cấp nông sản uy tín cho những đối tác lớn. FoodMap ra đời với xuất phát từ con số 0 tròn trĩnh : không vốn, văn phòng 20m2 đi mượn, website, công nợ hàng hoá được nhà cung hỗ trợ, tài sản quý giá nhất của FoodMap từ trước đến nay đó chính là niềm đam mê vô hạn các sản phẩm nông sản Việt và sự am hiểu sâu sắc thị trường nông nghiệp Việt Nam của các thành viên sáng lập.
Điều gì theo bạn là thử thách nhất khi tham gia ngành nông nghiệp, đặc biệt ứng dụng công nghệ để gia tăng giá trị chuỗi cung ứng nông nghiệp?
Nông nghiệp là một ngành rất đặc thù, truyền thống - đặc biệt là những quốc gia như Việt Nam. Dù có dùng bất cứ công nghệ gì ứng dụng vào nông nghiệp thì cũng cần xuất phát từ góc nhìn nhà sản xuất, người nông dân và người tiêu dùng. Cho nên việc số hoá hay ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cần làm từ từ, có nhiều giai đoạn và chỉ phù hợp với một vài mắc xích trong chuỗi cung ứng. Vừa cần có tư duy hiện đại, vừa phải am hiểu vận hành truyền thống ngành nông sản thì mới có thể ứng dụng nhuần nhuyễn được. Quan điểm của FoodMap để đi bền vững trong ngành này cần xây dựng chiến lược gần khách hàng và nhà cung cấp nhất có thể.
Trong đợt dịch lần thứ 4 này, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng, tuy nhiên Foodmap lại tăng trưởng mạnh. Bạn có thể chia sẻ thêm câu chuyện FoodMap được không?
Đối với FoodMap may mắn hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và ngành nhu yếu phẩm, nông sản thiết yếu nên phạm vi ảnh hưởng không lớn. Tuy nhiên nhiều nguồn cung bị đứt gãy, việc gia tăng đột biến lượng đơn hàng gấp 20 lần bình thường mà vẫn đảm bảo được sự cung ứng hàng hóa chất lượng, an toàn trong mùa dịch mà không vỡ về vận hành là một thử rất thách lớn. Rất may mắn đội ngũ FoodMap đã có kinh nghiệm chinh chiến nông sản online trong hơn hai năm qua cùng dự đoán tình hình sớm nên đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Ngoài việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp thì nghĩa vụ hỗ trợ cộng đồng, đảm bảo cung ứng hàng hóa giá hợp lý cho người tiêu dùng được FoodMap đặt lên hàng đầu. Lợi nhuận có thể quan trọng với một doanh nghiệp nhưng trong giai đoạn này điều đó là thứ yếu. Hỗ trợ cộng đồng trong những lúc khó khăn và để lại những giá trị tốt đẹp, bền vững cho xã hội mới chính là lý do FoodMap được sinh ra và là kim chỉ nam cho sự phát triển của FoodMap trong những giai đoạn sắp tới.
Bạn có thể chia sẻ những dự định của FoodMap trong thời gian tới?
Trong năm 2021 vừa rồi, FoodMap đã xuất khẩu vài mặt hàng nông sản với giá trị cao đi Singapore, Malaysia và hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. FoodMap cũng đã đi cùng với nhiều đối tác lớn như Lazada, Tiki, Grab, Vietjet Cargo … , cục Thương Mại Điện Tử, Cục Xúc Tiến Thương Mại và các hiệp hội lớn nông nghiệp Việt nam như BSA, VIDA, VASEP,... để cùng chạy những dự án lớn và đồng hành tiêu thụ nông sản cùng bà con nông dân trên khắp Việt Nam. FoodMap cũng đã cho ra mắt nền tảng truy xuất nguồn gốc, kênh truyền thông về nông sản cũng như kênh bán sỉ B2B khá thành công. Như đã chia sẻ, FoodMap được sinh ra không chỉ phải là một kênh bán hàng cho nông sản Việt mà hơn thế chúng tôi muốn thay đổi một điều gì đó lớn lao hơn ngành Nông nghiệp của Việt Nam. Foodmap tin rằng nếu sản phẩm Việt được ủng hộ bởi người Việt thì đây là bệ phóng vững chắc nhất cho nông sản Việt tiến ra thế giới.
Để làm được điều đó, FoodMap cũng đang gấp rút bổ sung nguồn lực và cũng đang trong giai đoạn mới của việc gọi vốn vòng pre Series A lần này. Hy vọng đây sẽ là bước đệm cho sự tăng trưởng đột phá của FoodMap trong vòng 2 năm tới.
Xin cảm ơn anh!
Ánh Dương