(Tổ Quốc) - Trong số đó, có những gương mặt đã xuất hiện trong danh sách Forbes Under 30 Việt Nam năm 2022.
Mới đây, tạp chí Forbes đã công bố danh sách The Forbes Under 30 Asia Class of 2022 (Những gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại châu Á năm 2022). Năm nay ghi nhận con số kỷ lục - 4.000 ứng viên được đề cử cho danh sách. Tuy nhiên, chỉ có 300 cái tên được các phóng viên và giám khảo trong hội đồng thẩm định và đánh giá của Forbes xét duyệt và 90 người được vinh danh trong danh sách cuối cùng.
Trong đó, Ấn Độ đứng đầu về số lượng cá nhân góp mặt trong danh sách với 61 đại diện. Kế tiếp lần lượt là Singapore (34 người), Nhật Bản (33 người), Australia (32 người), Indonesia (30 người) và Trung Quốc (28 người).
Trong danh sách năm 2022, Việt Nam cũng có 5 đại diện nổi bật góp mặt trong danh sách, bao gồm:
Nghệ sĩ xăm hình Trần Thị Bích Ngọc: lĩnh vực nghệ thuật
Theo Forbes, nghệ sĩ xăm hình Bích Ngọc đã biến những vết sẹo chấn thương thành các tác phẩm nghệ thuật từ năm 2013, khi cô 19 tuổi. Mặc dù việc xăm hình vẫn bị coi là điều khá nhạy cảm ở Việt Nam, nhưng cô tin rằng việc che đi những vết sẹo bằng hình xăm nghệ thuật có thể là một phần của quá trình chữa lành, giúp trao quyền cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Từ đó, bắt đầu một chương hạnh phúc hơn trong cuộc đời của họ.
Ngọc hoàn thành chương trình Thạc sĩ Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình tại Trường Đại học Sân khấu và Biểu diễn Nghệ thuật Hà Nội vào năm 2022.
Nguyễn Thế Vinh - CEO Coin98 Finance: lĩnh vực tài chính
Nguyễn Thế Vinh là đồng sáng lập và CEO của Coin98 Finance, một trong những startup tiên phong và tập trung vào công nghệ blockchain. Vào tháng 1/2022, Binance Labs đã công bố một khoản đầu tư chiến lược không được tiết lộ vào Coin98. Năm 2021, Coin98 đã hoàn thành vòng hạt giống trị giá 1,25 triệu USD. Trước đó, Nguyễn Thế Vinh từng là kỹ sư phần mềm tại FPT Software TP.HCM, người đồng sáng lập và quản lý VIC Group - một công ty khởi nghiệp đầu tư tiền điện tử.
Lê Yên Thanh - CEO Phenikaa MaaS: lĩnh vực công nghiệp - sản xuất
Lê Yên Thanh là người sáng lập dự án BusMap - một ứng dụng giao thông công cộng, sau đó đã phát triển thành công ty khởi nghiệp giải pháp di chuyển thông minh Phenikaa MaaS. Startup này đã sử dụng công nghệ cốt lõi của mình để phát hành bản đồ thông tin Covid-19 cho 18 tỉnh.
Nhận đầu tư 1,5 triệu USD từ tập đoàn Phenika, Phenikaa MaaS có kế hoạch mở rộng ra toàn khu vực, bắt đầu từ Thái Lan, cụ thể là Bangkok và Chiangmai. Lê Yên Thanh đã giành được hơn 100 giải thưởng trong nước và quốc tế về kỹ năng lập trình của mình.
Nguyễn Thanh - DCEO VinBus: lĩnh vực công nghiệp – sản xuất
Vinbus vận hành xe buýt điện do Vinfast - tập đoàn ô tô mẹ và tập đoàn lớn nhất Việt Nam, VinGroup sản xuất. Vinbus khai trương dịch vụ của mình tại Hà Nội vào năm 2021 và có kế hoạch mở rộng ra các thành phố khác. Nguyễn Thành là một trong những lãnh đạo trẻ nhất tại VinGroup, gia nhập Vinbus vào năm 2019 và tập trung vào việc cung cấp phương tiện di chuyển hợp lý và dễ tiếp cận. Trước đó, anh đã thành lập nhà máy dệt của riêng mình vào năm 18 tuổi trước khi bỏ học đại học để làm việc tại các công ty như KFC Việt Nam, Cargill Việt Nam và Lazada Việt Nam.
Nhà thiết kế Uyên Trần - nhà sáng lập TômTex: lĩnh vực công nghiệp – sản xuất
Nhà thiết kế và nhà nghiên cứu vật liệu dệt may Uyên Trần đồng sáng lập TômTex có trụ sở tại New York, công ty sản xuất một sản phẩm thay thế da thuộc cùng tên. TômTex là vật liệu 100% sinh học, được tạo ra từ chất thải vỏ hải sản hoặc nấm. TômTex sử dụng chất tạo màng sinh học gọi là chitin mà công ty chiết xuất từ vỏ tôm, cua và tôm hùm phế thải cũng như vảy cá do các nhà cung cấp ở Việt Nam thu gom.
TômTex đã giành được Giải thưởng Sáng tạo LVMH, Giải thưởng Sáng tạo CFDA k11 và Giải thưởng Phát triển Ý tưởng và huy động được 1,7 triệu USD. Uyên có bằng thạc sĩ tại Trường Thiết kế Parson, New York.
Trước đó, Lê Yên Thanh và Uyên Trần cũng đã góp mặt trong danh sách Forbes Under 30 Việt Nam năm 2022.
Hoàng Thùy