Founder ‘kỳ lân’ Acronis: Trong tương lai, các quốc gia sẽ tranh giành tài năng, chứ không phải tài nguyên, và Việt Nam đang đứng trước cơ hội bật lên

(Tổ Quốc) - Để săn nhân tài ở Việt Nam, ‘kỳ lân’ Acronis đã quyết định hợp tác cùng đại học FPT nhằm xây dựng một trung tâm R&D, với mức đầu tư khoảng 50 đến 150 triệu USD. Lý do để Founder Acronis – Serg Bell lặn lội đến Việt Nam là bởi họ đánh giá cao tiềm năng thị trường nhân lực công nghệ của chúng ta ở trong khu vực Đông Nam Á.

Serg Bell là một trong những nhân vật sừng sỏ trong giới khởi nghiệp công nghệ thế giới. Vị tiến sỹ ngành khoa học máy tính này đã sáng lập ra ‘kỳ lân’ Acronis năm 2003 và Viện Công nghệ Schaffhausen (SIT) – Thụy Sỹ.

Gần đây, nhận ra tiềm năng của thị trường nhân sự ngành công nghệ Việt Nam, cộng với sự ‘dắt mối’ của ông Philipp Roesler – Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt kiêm thành viên HĐQT của SIT và Đại học Jacobs (Đức); Serg Bell - Acronis đã đến đặt nền móng làm ăn tại đây.

Acronis là một công ty toàn cầu về bảo vệ an toàn - an ninh mạng. Mới đây, họ vừa ký kết với Đại học FPT nhằm thành lập một trung tâm R&D tại Việt Nam. Cả hai vẫn đang cân nhắc xem trung tâm này sẽ đặt tại Hà Nội hay TP.HCM. Acronis kỳ vọng rằng: trong trung tâm này, họ sẽ có hàng trăm đến hàng nghìn nhân viên tham gia và làm nghiên cứu phát triển. ‘Kỳ lân’ này dự định sẽ đầu tư từ 50 đến 150 triệu USD vào trung tâm này.

Acronis hiện có hàng nghìn nhân viên và doanh thu hàng trăm triệu USD cùng trụ sở tại Singapore và Thụy Sĩ. Acronis cũng đã xây dựng trung tâm R&D tại 10 quốc gia trên toàn cầu. Hiện tại, họ có một trung tâm R&D ở Singapore nên muốn khám phá các tiềm năng trong khu vực – như tại Việt Nam.

Ngoài ra, còn có chương trình trao đổi sinh viên giữa trường Đại học FPT cùng SIT và Jacobs. Vì SIT và Jacobs luôn tìm kiếm những tài năng xuất sắc nhất - bao gồm những sinh viên xuất sắc nhất đến từ Việt Nam. Vậy nên, nếu sinh viên Việt Nam nào giỏi vượt qua một ngưỡng nào đó nhất định, sẽ được cấp học bổng. Cũng theo ông Serg Bell, những chương trình giảng dạy mà SIT và Jacobs cung cấp có chất lượng tương đương với các trường nổi tiếng thế giới như MIT hay Harvard.

Founder ‘kỳ lân’ Acronis: Trong tương lai, các quốc gia sẽ tranh giành tài năng, chứ không phải tài nguyên, và Việt Nam đang đứng trước cơ hội bật lên - Ảnh 1.

Đại diện Acronis - SIT - Đại học Jacobs đang ký kết hợp tác với đại diện Đại học FPT.

CHẤT LƯỢNG TÀI NĂNG CÔNG NGHỆ VIỆT RẤT TỐT, NHƯNG THIẾU SỰ SÁNG TẠO VÀ CẤP BẬC LÃNH ĐẠO

Ông đánh giá như thế nào về thị trường CNTT ở Việt Nam. Nhu cầu về nhân sự CNTT trong tương lai như thế nào để thôi thúc ông ký kết những thoả thuận R&D đào tạo nhân viên sớm như thế này? Về bảo mật thông tin, ông đánh giá như thế nào về mức độ bảo mật thông tin hiện nay của Việt Nam so với thế giới?

Theo quan điểm của tôi, Việt Nam có một thị trường CNTT khá phát triển so với các nước khác trong khu vực. Chúng ta có Tập đoàn FPT- FPT Software là những ví dụ xuất sắc điển hình. Ở các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia, Myanmar hay một số quốc gia khác trên thế giới, không có những công ty dẫn đầu về CNTT như FPT.

Trong chuyến đi này, tôi cũng đã gặp gỡ - làm việc với công ty Viettel và tôi rất ấn tượng với sự vận hành của công ty về mặt công nghệ. Tuy nhiên, đó chỉ là những ấn tượng ban đầu, Acronis thật ra chưa có trải nghiệm nhiều ở thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong thị trường ICT – thị trường về CNTT.

Theo tôi tính nhẩm nhanh, trên toàn cầu, chúng ta có khoảng 30 triệu nhân sự đang làm việc trong ngành CNTT và vẫn còn thiếu 5 triệu nữa; tất nhiên, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Nhưng,Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi, có một nền tảng giáo dục tốt để phát triển nhân sự và tài năng trong ngành kỹ thuật.

Chúng ta đều biết rằng, hiện nay đang diễn ra xung đột giữa Nga và Ukraine, trong đó, Belarus cũng bị ảnh hưởng. Ba quốc gia trên là ba quốc gia có ngành CNTT phát triển rất mạnh mẽ. Theo đó, thực trạng này sẽ để lại một lỗ hổng khá lớn trong bối cảnh toàn bộ bức tranh CNTT toàn cầu. Do đó, đây là một cơ hội rất thuận lợi cho Việt Nam.

Founder ‘kỳ lân’ Acronis: Trong tương lai, các quốc gia sẽ tranh giành tài năng, chứ không phải tài nguyên, và Việt Nam đang đứng trước cơ hội bật lên - Ảnh 2.

Tiến sỹ Serg Bell

Về mặt bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư thì tôi cũng chưa hiểu rõ về thị trường Việt Nam. Nhưng theo tôi đánh giá, đây cũng là vấn đề ở nhiều các quốc gia khác nhau, đặc biệt là nhìn từ phía chính phủ. Ở mỗi quốc gia đều có những chính sách cũng như bối cảnh khác nhau. Ngay cả giữa Đức và Áo (hai quốc gia có cùng ngôn ngữ, văn hoá, thể chế chính trị - người dịch) cũng khá khác nhau.

Chắc chắn chúng tôi sẽ dần phát triển quan điểm của chúng tôi về câu hỏi này, nhưng hiện nay chúng tôi chưa sẵn sàng cũng như chưa đủ thông tin để trả lời câu hỏi này.

Ông có thể đánh giá sơ bộ điểm mạnh - yếu của các tài năng công nghệ Việt Nam?

Theo đánh giá của tôi, thì chất lượng tài năng ở Việt Nam thì rất tốt. Tuy nhiên có một điều mà chúng ta có thể cải thiện hơn nữa: đó là chất lượng lãnh đạo của các dự án kỹ thuật. Vấn đề này có thể giải quyết nếu chúng ta đầu tư hơn nữa vào khoa học.

Nhiều người nghĩ rằng: sáng tạo các sản phẩm ở những ngành khác nhau thì giống nhau, nhưng thực tế không phải thế.

Ví dụ: chúng ta muốn sản xuất một cái ô tô hay máy bay thì cần thêm nhiều kỹ sư; bởi thông thường nếu đang sản xuất máy bay rồi, sản xuất thêm một máy bay nữa thì cũng không cần thêm nhiều kỹ năng mới. Tuy nhiên để sản xuất ra một phần mềm mới hay một phần cứng mới của máy tính chẳng hạn, thì sản phẩm đó phải hoàn toàn mới. Những người được dạy và đào tạo trong ngành khoa học chính là những người sẽ tìm ra những sự sáng tạo đổi mới này.

Có rất nhiều người Việt Nam đã ra nước ngoài để học hỏi về những ngành khoa học, nhưng không nhiều trong số đó quay trở lại Việt Nam. Do đó, việc đào tạo cần phải được thực hiện ngay tại Việt Nam. Đấy chính là mục tiêu và vấn đề chúng tôi muốn giải quyết.

Với việc SIT và Jacobs hợp tác với đại học FPT, chúng tôi muốn đem tới gấp chục lần, gấp hàng trăm lần những người làm khoa học, hay những người nghiên cứu hay học tập về ngành khoa học tại Việt Nam. Từ đó, chúng ta có thể tạo ra nhiều những sản phẩm mới chứ không chỉ đơn thuần là những người chỉ làm lại những sản phẩm hiện có.

Founder ‘kỳ lân’ Acronis: Trong tương lai, các quốc gia sẽ tranh giành tài năng, chứ không phải tài nguyên, và Việt Nam đang đứng trước cơ hội bật lên - Ảnh 3.

SIT - Thụy Sỹ

Với khoảng mỗi 1.000 người làm trong ngành Kỹ thuật (Engineer), chúng ta sẽ cần từ 10-30 người để lãnh đạo những nhóm kỹ thuật đó.

Như vậy, chúng ta sẽ không chỉ tạo ra những sản phẩm hàng đầu như là sản xuất ô tô, mà chúng ta có thể trở thành quốc gia hàng đầu trong việc sản xuất những sản phẩm về công nghệ, phần mềm.

Chúng ta biết rằng, ngoài Đại học FPT mà chúng tôi tìm đến hợp tác, thì ông Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup cũng thấu hiểu và ghi nhận thực tế này, do đó ông ấy cũng đã đầu tư vào trường đại học Vin.

VIỆT NAM SẼ CÓ CƠ HỘI KHI TÀI NĂNG LÀ THỨ SẼ ĐƯỢC TRANH GIÀNH, CHỨ KHÔNG PHẢI TÀI NGUYÊN

Vì sao, Acronis lại chọn Việt Nam để đặt trung tâm R&D ở thời điểm này?

Thứ nhất, chúng tôi đã có 10 trung tâm R&D quy mô khá lớn trên toàn thế giới rồi. Và khi nhìn vào Việt Nam, câu hỏi đặt ra là "tại sao không?", chứ không phải là "tại sao lại là Việt Nam?".

Thứ hai, công ty Acronis của chúng tôi đã được lập ở Singapore, bởi một người Singapore là chính tôi đây. Do đó, việc thành lập một trung tâm R&D thứ 2 trong khu vực tại Việt Nam thì rất hợp lý, bởi vì Việt Nam rất gần Singapore.

Thứ ba, chúng tôi đã đánh giá nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, và thấy rằng Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều tài năng đang hiện hữu. Thêm vào đó nữa, trong tương lai, chúng tôi cũng đánh giá, những tài năng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, nhìn vào cả mặt kinh tế lẫn đầu tư và giáo dục.

Founder ‘kỳ lân’ Acronis: Trong tương lai, các quốc gia sẽ tranh giành tài năng, chứ không phải tài nguyên, và Việt Nam đang đứng trước cơ hội bật lên - Ảnh 4.

Trụ sở Acronis tại Singapore.

Việt Nam hiện đang thiếu nhân sự cấp cao và nhân sự về các mảng mới như Blockchain, AI. Có phải SIT hay JUB sẽ tập trung vào 2 mảng đó hay không? R&D có tập trung vào mảng công nghệ cụ thể nào hay không?

Chúng ta đều hiểu rằng Acronis là một nền tảng, trong đó chúng tôi cần nhân sự ở các mảng khác nhau, từ AI đến Blockchain, các phần mềm về hạ tầng, phần mềm về nền tảng. Chúng ta có thể nghĩ đến Acronis giống như Microsoft. Microsoft là nền tảng cung cấp cho những kỹ sư CNTT còn chúng tôi sẽ là nền tảng cung cấp những tài năng cho những người quản lý về mặt CNTT, tức là những người lãnh đạo trong lĩnh vực CNTT.

Tôi cũng muốn lưu ý một điểm rằng: khi chúng ta nói đến những công nghệ mới thì đó là những công nghệ mà chúng ta chưa biết. Tuy nhiên, Blockchain hay AI là những công nghệ mà chúng ta đã biết. Khi nói đến những công nghệ mới, thì đó sẽ là những công nghệ chúng ta chưa biết, sẽ được khám phá ra và nó rất thú vị.

Vậy Acronis sẽ săn nhân tài sẵn có hay đào tạo nhân tài từ đầu, hoặc như thế nào?

Tôi cũng muốn lưu ý, chúng tôi có Giáo sư Sir Konstantin Novoselov - Chủ tịch Hội đồng Quản trị của SIT, là người đã giành giải Nobel Vật lý, ông cũng đã tham dự giải Vinfuture Prize và là một trong những người trao giải trong buổi lễ đó.

Ông có nói rằng: trong quá khứ, tất cả các quốc gia đều tranh giành để lấy nguồn lực, tài nguyên. Hiện nay thì chúng ta đang tranh giành về mặt công nghệ, nhưng trong tương lai, cái mà mọi người tranh giành sẽ là tài năng.

Do đó, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả những phương pháp để có thể xác định và tìm ra tài năng. Chúng tôi sẽ dùng tất cả các phương pháp để đào tạo, tìm kiếm, tuyển ngộ và giữ chân tài năng. Có thể nói, cốt lõi công việc của chúng tôi ở Acronis - SIT là quản lý và phát triển các tài năng này.

Founder ‘kỳ lân’ Acronis: Trong tương lai, các quốc gia sẽ tranh giành tài năng, chứ không phải tài nguyên, và Việt Nam đang đứng trước cơ hội bật lên - Ảnh 5.

Đại học Vinuni.

Hoặc nói về việc đào vàng. Vàng thì ở đâu cũng giống nhau, có thể có nhiều hình khối khác nhau nhưng đó vẫn là vàng và chúng ta có thể cân đo, đong đếm. Nhưng tài năng thì khác! Khi chúng ta "đào" hay tìm kiếm tài năng thì chúng ta không được bỏ lỡ cơ hội nào vì tài năng khó có thể đánh giá được.

Ví dụ như Albert Einstein: trong vòng 1 năm, ông đã có đóng góp vào khoa học, có lẽ là hơn đóng góp của các tiến sĩ và học viên cao học của Trung Quốc trong 100 năm qua. Và chúng ta tính một con số: nếu như Trung Quốc mỗi năm có thể đào tạo ra khoảng 10.000-100.000 tiến sĩ hay thạc sỹ và nhân số đó với 100 năm, chúng ta có thể thấy những đóng góp của Einstein gấp hàng triệu lần so với lực lượng tương ứng của Trung Quốc như tôi vừa nói.

Có một câu hỏi đặt ra là: Liệu Việt Nam có thể vượt qua được Trung Quốc không khi Việt Nam có quy mô nhỏ hơn nhiều. Chúng tôi muốn chỉ ra rằng: Israel là một quốc gia rất nhỏ nhưng họ đã vượt qua được Trung Quốc. Nếu chúng ta đầu tư và tập trung vào tài năng thì chúng ta sẽ có cơ hội để vượt qua Trung Quốc, mặc dù chúng ta là quốc gia có quy mô nhỏ.

Cảm ơn ông rất nhiều!

Quỳnh Như

Tin mới