(Tổ Quốc) - AnHome – một công ty chuyên nghiên cứu và phát triển các thiết bị điện thông minh vừa được Shark Phú cam kết xuống tiền trong tập 6 Shark Tank mùa 4. Thương vụ này nằm trong chiến lược tiên phong đem đến các sản phẩm gia dụng nhà & bếp thông minh mang thương hiệu Việt của ông chủ Sunhouse.
AnHome đến Shark Tank Việt Nam mùa 4 để kêu gọi số vốn là 100.000 USD cho 10% cổ phần với 2 đại diện: Bùi Thành Ninh – Nhà sáng lập và điều hành cùng Nguyễn Phú Quảng – Đồng sáng lập kiêm Giám đốc công nghệ.
Chia sẻ về ý tưởng thành lập startup, đại diện AnHome cho biết, anh nhận thấy nhu cầu về sử dụng các thiết bị điện thông minh của người dân ngày càng cao. Tuy nhiên, các nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn về công nghệ, thời gian nghiên cứu, chi phí. Chính vì vậy, AnHome ra đời để giúp nhà sản xuất dễ dàng chuyển đổi các sản phẩm truyền thống thành các sản phẩm thông minh với giải pháp các module tích hợp lõi chip IoT với chi phí từ từ 5 USD cho một thiết bị. Bên cạnh đó, AnHome cũng cung cấp giải pháp Smart Home (nhà thông minh) cho các khách hàng cuối với danh mục hơn 40 sản phẩm.
Đại diện AnHome cũng cho biết thêm, hiện startup đang làm việc với 3 nhà sản xuất và có kế hoạch doanh thu từ 6-10 tỷ. Đội ngũ AnHome có 15 người, 6 kỹ thuật, 1 kế toán, còn lại là kinh doanh. "Bọn em là đơn vị nghiên cứu, thiết kế, lập trình, mua linh kiện sau đó thuê các xưởng ở Hà Nội gia công. Sản phẩm made in Vietnam" – Bùi Thành Ninh tự hào nói.
Shark Phú đặt ra dấu hỏi về điểm khác biệt của AnHome so với các đơn vị khác hiện nay trên thị trường cũng như lợi thế, tính ưu việt của module chuyển đổi. Đại diện startup chia sẻ, giải pháp của AnHome chỉ từ 50-100 triệu là tối đa. Giải pháp cơ bản như chỉ cần bật tắt đèn thì chỉ 20 triệu. Phân khúc khách hàng cũng khác các đối thủ trên thị trường. Với nhóm khách hàng B2B, AnHome cũng ít đối thủ cạnh tranh trong việc phát triển các module giúp các nhà sản xuất chuyển đổi với thời gian nhanh, chi phí thấp.
Lúc này Shark Liên, Shark Việt và Shark Bình cùng từ chối đầu tư vì mô hình không có điểm khác biệt, tốc độ phát triển hơi chậm, định giá doanh nghiệp hơi cao, giỏi kỹ thuật nhưng năng lực bán hàng còn yếu, "và phù hợp với shark Phú hơn" – Shark Việt nói. Còn Shark Bình thì khuyên "nên bám lấy một ông lớn nào giỏi kinh doanh trong lĩnh vực này. Sau đó tập trung vào R&D, làm sản phẩm, làm công nghệ".
Sau khi 3 Shark rút khỏi deal, Shark Hưng đã lên tiếng đồng ý đầu tư với con số 100.000 USD cho 45% dù nhận xét không đủ thời gian để thẩm định tính thông minh của sản phẩm, mô hình kinh doanh hơi mông lung, kết quả kinh doanh kém.
Trước khi đưa ra quyết định, Shark Phú hỏi thêm cách cấu trúc giá sản phẩm của AnHome và đưa ra bài học cho startup: "15 USD giá vốn khi đến tay người dùng là phải 45 USD. Đấy là nguyên tắc của kinh doanh...Đây là cản trở liên quan đến mặt thương mại…Phần trăm thực ra không quan trọng mà quan trọng là nếu anh đầu tư thì anh có được hệ sinh thái Sunhouse để làm bàn đạp". Chính vì vậy, Shark Phú đưa ra đề nghị đầu tư 100.000 USD đổi lấy 40% cổ phần kèm điều kiện: nếu trong vòng một năm thất bại, Shark Phú sẽ ra một đề tài cho đội ngũ AnHome để trừ nợ. Sau đó mới giải tán nhưng trong lúc ấy Shark sẽ vẫn trả lương cơ bản.
Sau một thời gian thương thuyết, AnHome đã quyết định đi cùng Shark Phú với cam kết: 100.000 USD đổi lấy 40% cổ phần. Nếu gọi vốn vòng sau, có nhà đầu tư mới trả giá tốt hơn thì Shark Phú cam kết nhượng lại phần cổ phần đấy kèm thêm 10% lãi suất/năm.
Tuy có những đánh giá chưa cao về sự phát triển của AnHome, Shark Phú vẫn quyết định xuống tiền vì nhìn thấy những tố chất, tiềm năng của đội ngũ sáng lập. Bên cạnh đó, việc đầu tư này còn nằm trong một chiến lược dài hơi của Sunhouse là nghiên cứu, phát triển các sản phẩm đồ gia dụng thông minh của tập đoàn. Smart home hay IoT trong các thiết bị gia dụng là một trong những xu hướng của thế giới, thời gian qua Sunhouse cũng đã và đang nghiên cứu để ứng dụng vào các sản phẩm của mình. Với hệ sinh thái sản phẩm từ nhà vào bếp của Sunhouse thì đây là một "mảnh đất" đủ lớn để startup nghiên cứu, ứng dụng và phát triển hàng loạt các sản phẩm thông minh.
Quan trọng nhất, Sunhouse đã xây dựng phòng lab nghiên cứu và phát triển sản phẩm với các kỹ sư có chuyên môn, sẽ hỗ trợ tốt cho AnHome và thậm chí mở sẽ trở thành đầu ra cho sản phẩm của startup này. Không chỉ như thế, những điểm yếu của startup này như định giá sản phẩm, khả năng kinh doanh và bán hàng sẽ được một "chuyên gia cấu trúc giá" và có thể mạnh trong việc quản trị tài chính như Shark Phú hỗ trợ và định hướng. Nếu thương vụ này thành công thì đây sẽ là mối quan hệ "win-win" cho cả Sunhouse và AnHome: AnHome có môi trường để nghiên cứu và phát triển ứng dụng, Sunhouse bổ sung vào hệ sinh thái của mình hàng loạt sản phẩm gia dụng thông minh mang thương hiệu Việt.
Đón xem tập 6 Shark Tank Việt Nam mùa 4 tại: https://youtu.be/1MZVecsnVmM
Ánh Dương