(Tổ Quốc) - Ba tháng đầu năm, giá đất một số vị trí đấu giá ở Gia Lai tăng đột biến, xảy ra tình trạng đầu cơ, thu gom - phân lô bán nền đất nông nghiệp.
UBND tỉnh Gia Lai vừa có kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tháng 3 và quý I, triển khai triển khai nhiệm vụ quý II năm 2022.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh này nhấn mạnh, thời gian qua công tác quản lý đất đai tại địa phương chưa chặt chẽ, giá đất một số vị trí đấu giá tăng đột biến, xảy ra tình trạng đầu cơ, thu gom - phân lô bán nền đất nông nghiệp.
Trong quý II, tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, đơn vị thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai thời kỳ 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai, hoàn thành việc quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện; kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì việc thanh tra, kiểm tra, rà soát các vụ việc thu gom đất nông nghiệp, phân lô bán nền trái quy định và và xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Sở Xây dựng hướng dẫn các địa phương khẩn trương triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, nhất là tại các khu vực đô thị; việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thành phố Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu Cục Thuế tỉnh quản lý chặt chẽ giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giá trúng đấu giá đất, kiểm soát giá giao dịch bất động sản để xác định nghĩa vụ tài chính trong giao dịch bất động sản theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh Gia Lai được giao kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc đấu giá quyền sử dụng đất; điều tra làm rõ các hành vi đẩy giá, thổi giá đất để thu lợi bất chính, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Ngày 25 và 26/3/2022, TP Pleiku đã đấu giá thành 104/104 lô đất thuộc Khu quy hoạch xây dựng khu dân cư phường Chi Lăng với tổng giá trị hơn 101 tỷ đồng, tỷ lệ tăng so với giá khởi điểm là 365%. Phiên đấu giá với hơn 10.000 hồ sơ tham gia.
Trong đó, lô trúng cao nhất là 3,12 tỷ đồng (diện tích 209 m2, giá khởi điểm 301 triệu đồng). Lô trúng thấp nhất 760 triệu đồng (diện tích 132 m2, giá khởi điểm 169 triệu đồng).
Đến ngày 1/4, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh Gia Lai, phiên đấu giá này có dấu hiệu bị thổi giá.
Cụ thể, các cá nhân tham gia buổi đấu giá hôm đó có nhiều người ở các tỉnh, thành khác về dự và trúng nhiều lô đất, mục đích đầu tư để kiếm lời, gây sốt ảo thị trường bất động sản.
Ngay sau đó, UBND tỉnh có công văn về việc thanh tra, kiểm tra các vụ việc thu gom đất nông nghiệp, phân lô bán nền trái quy định; kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện bất thường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định, không để lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Các sở ngành sẽ nghiên cứu, đánh giá các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, thị trường nhà ở, bất động sản; từ đó đề xuất các giải pháp.
Trong khi đó, tại Văn bản số 190/BC-SXD về việc thực hiện việc công bố thông tin IV/2021 và cả năm 2021 về Nhà ở và Thị trường bất động sản , Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, trong quý 4 và cả năm 2021, thị trường bất động sản tại Gia Lai gần như "đóng băng" do tác động của dịch Covid -19 kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư đang gặp rủi ro trong kinh doanh, nhu cầu tín dụng bất động sản cũng giảm mạnh; Hơn nữa, thị trường bất động sản tại Gia Lai vẫn giữ nguyên trạng thái mất cân đối về cung - cầu bất động sản nhà ở cho người có thu nhập thấp và trung bình,...
Minh Tâm