(Tổ Quốc) - Giá dầu cọ thế giới gần đây liên tục tăng, hiện đạt mức cao kỷ lục trong vòng 8 năm do giá dầu đậu tương tăng mạnh trong khi sản lượng dầu cọ dự báo giảm do mưa quá nhiều.
Trên sàn Bursa (Malaysia), dầu cọ kỳ hạn giao tháng 2/2020 giá tăng 1,66% vào lúc chiều ngày 19/11, lên 3.420 ringgit (835,27 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 3/5/2012.
"Giá tăng vì hoạt động mua mạnh mang tính kỹ thuật, phản ánh thực tế giá dầu đậu tương đang tăng cao", ông Sathia Varqa, nhà đồng sáng lập cảu công ty Palm Oil Analytics ở Singapore cho biết.
Theo ông: "Thị trường dầu cọ đã tìm thấy động lực từ việc giá dầu đậu tương tăng, và giá đã vượt ngưỡng kháng cự 3.400 ringgit trong một tháng giao dịch rất sôi động. Có thời điểm giá đã chạm mức 3.370 ringgit".
Giá các sản phẩm cạnh tranh của dầu cọ (dầu đậu tương và đậu tương) tăng mạnh là yếu tố chính tạo nên xu hướng này, giữa bối cảnh Cục Khí tượng Malaysia dự báo sẽ có mưa lớn và gió báo mạnh trên khắp nước này, kéo dài đến cuối tháng 12.
Giá đậu tương thế giới hiện cũng đang giao dịch ở mức cao nhất trong vòng hơn 6 năm do nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc và thời tiết khô hạn ở những khu vực sản xuất chính của Nam Mỹ gây lo ngại nguồn cung trên toàn cầu sẽ bị thu hẹp. Brazil là nước sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới, còn Argengina là nước xuất khẩu dầu đậu tương hàng đầu thế giới.
Kể từ tháng 3/2020 đến nay, giá đậu tương đã tăng hôn 40%, giữa bối cảnh đàn lợn của Trung Quốc hồi phục mạnh sau dịch tả lợn Châu Phi.
Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Mỹ dự báo nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc có thể đạt 100 triệu tấn vào năm 2021, và tăng 3-4% mỗi năm trong thập kỷ tới.
Mỹ và Brazil đến nay đã bán phần lớn sản lượng đậu tương vụ này của mình, hàng sẽ được xuất đi trong những tháng tới.
Không riêng đậu tương, giá ngô và lúa mì gần đây cũng tăng mạnh. Dự báo xu hướng tăng này sẽ còn tiếp diễn.
Tham khảo: Reuters, Foodbusinessnews
Vũ Ngọc Diệp