Giá dầu hạ nhiệt, cổ phiếu dầu khí đồng loạt giảm mạnh

(Tổ Quốc) - Vốn rất nhạy với diễn biến của giá dầu thế giới, không bất ngờ khi nhóm cổ phiếu dầu khí cũng biến động chóng mặt thời gian gần đây.

Thị trường chứng khoán bước vào phiên 6/7 với sắc đỏ bao trùm trong đó nhóm cổ phiếu dầu khí là tâm điểm chịu áp lực bán lớn. Một loạt cổ phiếu như GAS, PLX, PVS, PVD, PVT, PVB, OIL, PVC,... đều giảm sâu, thậm chí BSR có thời điểm mất hơn 10%. Biến động không mấy khả quan của nhóm cổ phiếu dầu khí chịu ảnh hưởng đáng kể từ diễn biến của giá dầu thế giới.

Giá dầu hạ nhiệt, cổ phiếu dầu khí đồng loạt giảm mạnh - Ảnh 1.

Cổ phiếu dầu khí giảm mạnh (thời điểm 10h20 sáng 6/7)

Phiên giao dịch ngày 5/7 vừa qua chứng kiến giá "vàng đen" giảm mạnh nhất tính từ tháng 3 đến nay. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 9 giảm xuống mức 102,8 USD/thùng, giảm đến 10,73 USD, tương đương 9,45%. Dầu thô WTI tại Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày 5/7 ở mức giảm 8,2%, tương đương 8,93 USD, xuống mức 99,5 USD/thùng.

Theo Reuters, giá dầu đã giảm mạnh xuất phát từ lo ngại ngày càng tăng về suy thoái toàn cầu và tình trạng Covid-19 ở Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu. Tương tự, Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho cũng cho biết, cách duy nhất có thể giải thích cho sự sụt giảm mạnh về giá dầu này chính là nỗi sợ về suy thoái kinh tế.

Sự khó lường của giá dầu khiến dự báo của các tổ chức lớn trên thế giới cũng trái chiều. Chỉ ít ngày trước đó Bloomberg còn dẫn cảnh báo của các nhà phân tích JPMorgan cho rằng giá dầu toàn cầu có thể vọt lên mức 380 USD/thùng nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu khiến Nga cắt giảm sản lượng để trả đũa.

Giá dầu hạ nhiệt, cổ phiếu dầu khí đồng loạt giảm mạnh - Ảnh 2.

Giá dầu thế giới hạ nhiệt

Vốn rất nhạy với diễn biến của giá dầu thế giới, không bất ngờ khi nhóm cổ phiếu dầu khí cũng biến động chóng mặt thời gian gần đây. Sau khi đạt đỉnh 14 năm hồi tháng 3 năm nay, hầu hết các cổ phiếu dầu khí đều đã quay đầu giảm mạnh cùng nhịp điều chỉnh của giá dầu và đánh mất thành quả tăng giá trước đó.

Sau nhịp điều chỉnh, giá dầu một lần nữa quay đầu tăng mạnh và có thời điểm đã gần về lại đỉnh cũ vào cuối tháng 5. Yếu tố này đã châm ngòi cho một nhịp hồi mạnh của một loạt cổ phiếu dầu khí trên sàn chứng khoán. Chỉ cách đây chừng hơn nửa tháng, những cái tên như GAS, BSR vẫn còn hừng hực khí thế vượt đỉnh. Bộ đôi này được đánh giá sẽ hưởng lợi trực tiếp từ giá dầu neo cao. Trong khi đó, PVD, PVS, PVT, PVB, PVC,... lại có phần hơi "đuối" do có mức độ tương quan với giá dầu thấp hơn.

Giá dầu hạ nhiệt, cổ phiếu dầu khí đồng loạt giảm mạnh - Ảnh 3.

Cổ phiếu dầu khí biến động chóng mặt

Theo SSI Research, biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến GAS (tăng/giảm doanh thu và biên lợi nhuận, và nhu cầu khí khô từ nhà máy điện do giá khí ở mức cao), cũng như PLX, OIL (tăng/giảm doanh thu & lãi/lỗ hàng tồn kho) và BSR (tăng/giảm biên lợi nhuận lọc hóa dầu, lãi/lỗ hàng tồn kho).

Đối với các công ty dầu khí thượng nguồn như PVD và PVS, giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng trong ngắn hạn do các công ty này dựa vào các dự án mang tính chất dài hạn hơn. Giá dầu duy trì tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, giúp đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho PVD, PVS trong dài hạn.

Tương tự, Chứng khoán TPS cũng cho rằng vấn đề nút thắt nguồn cung vẫn là điểm trọng yếu chưa thể tháo gỡ trong ngắn hạn, do đó giá dầu vẫn sẽ duy trì nền cao so với năm 2021. Việc giá dầu duy trì trên 60-70 USD/thùng là điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai thác các mỏ dầu khí hiện tại cũng như triển khai các dự án dầu khí mới.

Theo TPS, hoạt động ở thượng nguồn đang sôi động trở lại với nhiều dự án thượng nguồn tiềm năng trong trung dài hạn như Lô B, Cá Voi Xanh, Kèn Bầu... Dự án Lô B - Ô Môn sẽ được khởi công trong giai đoạn cuối năm 2022. Đây được xem là động lực tăng trưởng lớn cho các công ty trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam.

Giá dầu hạ nhiệt, cổ phiếu dầu khí đồng loạt giảm mạnh - Ảnh 4.

Các dự án lớn đang được triển khai

Theo kế hoạch năm 2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đặt mục tiêu khoan 10 giếng thăm dò thẩm lượng, gia tăng trữ lượng 10-18 triệu tấn quy dầu, sản lượng khai thác dầu khí phấn đấu đạt 8,7 triệu tấn dầu thô và 9,1 tỷ m3 khí về bờ, đưa 5 công trình mỏ mới vào khai thác gồm Mỏ Đại Nguyệt, RC10 và RC-RB1 (mỏ Rồng), CTC-2 (mỏ Cá Tầm), H4 (Lô PM3 CAA). Giai đoạn 2021-2025, PVN đặt mục tiêu gia tăng trữ lượng 18-25 triệu tấn dầu quy đổi/năm, đưa 19 mỏ/công trình dầu khí mới ở trong và ngoài nước vào khai thác.

Về cơ bản, biến động giá dầu thế giới sẽ tác động mạnh đến diễn biến các cổ phiếu dầu khí trong ngắn hạn. Còn về dài hạn, nút thắt cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam vẫn là nguồn việc. Dù đã có những tín hiệu lạc quan hơn thời gian gần đây tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng câu chuyện về các dự án lớn như Lô B, Cá Voi Xanh, Kèn Bầu.... đã được kể trong suốt nhiều năm qua với không ít kỳ vọng nhưng vẫn chưa thể triển khai dứt điểm.

Hà Linh

Tin Cùng Chuyên Mục
Chứng khoán Kafi: Lợi nhuận 2024 năm tăng 60%, hoạt động môi giới chứng khoán bứt phá

Chứng khoán Kafi: Lợi nhuận 2024 năm tăng 60%, hoạt động môi giới chứng khoán bứt phá

Chứng khoán Kafi vừa công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024, đặc biệt ở mảng môi giới chứng khoán với tốc độ bứt phá mạnh mẽ. Thành tựu này khẳng định chiến lược phát triển vững chắc và đánh dấu bước tiến quan trọng của Kafi trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tin mới