(Tổ Quốc) - Giá dầu đã giảm 6 phiên liên tiếp xuống dưới 66 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021 do lo ngại nhu cầu chậm lại do virus biến thể Delta làm số ca nhiễm Covivid-19 không ngừng gia tăng, đồng USD mạnh lên và tồn kho xăng của Mỹ bất ngờ tăng.
Giá dầu Brent kết thúc phiên giảm 1,78 USD, tương đương 2,6%, xuống 66,45 USD/thùng, trong phiên có lúc giá xuống dưới 65,75 USD, mức thấp nhất kể từ 21/5; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,71 USD hay 2,6%, xuống 63,50 USD, sau khi có lúc xuống chỉ 62,41 USD, cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 21/5. Cả 2 loại dầu đều có 6 phiên lao dốc liên tiếp – chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 2/2020.
Khởi đầu năm 2021 khởi sắc, giá "vàng đen" đã không ngừng tăng trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng đã mất 15% chỉ từ đầu tháng 7 tới nay.
Làn sóng lây nhiễm virus Covid-19 gần đây trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến hoạt động du lịch toàn cầu và đe dọa làm trì trệ hoạt động kinh tế, trong khi các nhà sản xuất dầu lớn đang sẵn sàng gia tăng nguồn cung.
Phil Flynn, nhà phân tích thuộc công ty Price Futures Group, cho biết: "Có vẻ như có rất nhiều người loại dầu ra khỏi các kế hoạch đầu tư dài hạn".
Khối lượng giao dịch dầu Brent lên tới trên 330.000 hợp đồng, trong khi khối lượng giao dịch dầu WTI là hơn 450.000, cao nhất kể từ ngày 20 tháng 7.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, sự lây lan virus biến thể Delta ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang khiến đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Số ca tử vong do Covid-19 đã tăng đột biến ở Mỹ trong tháng qua. Một số quốc gia đã áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế di chuyển và giao thông đường không đã giảm nhanh chóng trong những tuần gần đây.
Ông Tamas Varga thuộc công ty môi giới dầu PVM cho biết: "Cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình đã kéo dài hơn dự đoán khiến các nhà đầu tư thận trọng và trở nên thực dụng hơn, dẫn đến giá giảm".
Theo ông, còn nhiều yếu tố khác bất lợi cho giá dầu, như "xu hướng giảm các khoản kích thích khổng lồ, cuộc tiếp quản hỗn loạn của Taliban ở Afghanistan nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng di cư khác và những lo lắng về sự lây lan liên tục của virus khiến nhà đầu tư lảng tránh tài sản rủi ro và tìm đến với USD, gây bất lợi cho giá dầu".
Ông Naeem Aslam thuộc hãng môi giới Avatrade cho biết: "Những lo ngại về việc nhu cầu có thể giảm sút do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng trên toàn cầu là nguyên nhân chính gây áp lực giảm giá".
Đồng USD đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt do biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố hôm 18/8 cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang xem xét giảm bớt các biện pháp kích thích trong năm nay. Đồng đô la mạnh khiến dầu quy đổi ra USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates ở Houston, cho biết: "Nhiều người lo ngại rằng Fed sẽ bắt đầu giảm bớt (kích thích), dẫn đến USD la mạnh lên và giá dầu thô yếu đi".
Trong khi đó, dữ liệu cho thấy tồn trữ xăng của Mỹ tuần trước bất ngờ tăng, làm gia tăng lo ngại về thực trạng nhu cầu nhiên liệu vào thời điểm nhu cầu thường đạt mức cao điểm – mùa Hè ở bán cầu Bắc.
Theo đó, lượng xăng trong các kho dự trữ của Mỹ tuần qua đã thêm 696.000 thùng lên 228,2 triệu thùng, trái ngược so với mức dự đoán của các nhà phân tích là giảm 1,7 triệu thùng, và lượng cung cấp xăng cho thị trường - thước đo nhu cầu - là 9,5 triệu thùng/ngày, chỉ thấp hơn 1% so với mức của năm 2019.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước đã cắt giảm triển vọng nhu cầu dầu do sự lan rộng của virus biến thể Delta. Theo đó, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ năm 2021 sẽ thấp hơn 300.000 thùng/ngày so với mức dự báo tháng 7, tương đương 5,3 triệu thùng/ngày so với năm ngoái, lên 96,2 triệu thùng/ngày. IEA cũng cho biết sản lượng khai thác dầu toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC ) nhất trí tăng sản lượng.
Tham khảo: Reuters
Vân Chi