(Tổ Quốc) - Giá dầu tiếp tục đà tăng khi bổ sung thêm gần 2% trong phiên vừa qua, vượt mức cao nhất 8 tháng của phiên trước đó, do số liệu cho thấy tồn trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ bất ngờ giảm, giữa bối cảnh nhà đầu tư vẫn lạc quan về hiệu quả của vắc-xin Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới.
Phiên 25/12, trên sàn London, dầu Brent tăng 75 US cent (1,6%) lên 48,61 USD/thùng, cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020. Trong khi đó, trên sàn New York, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 80 US cent (1,8%) lên 45,71 USD/thùng.
Phiên liền trước, cả hai loại dầu này đều tăng 4%, và đang kéo dài chuỗi đi lên 4 phiên liên tiếp.
Dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy, tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần qua đã giảm 754.000 thùng, gây ngạc nhiên cho các nhà phân tích – những người đã trả lời trong cuộc thăm dò của Reuters rằng tồn trữ dầu thô của Mỹ sẽ tăng 127.000 thùng. Trong đó, tồn trữ tại Cushing, Oklahoma, điểm giao hàng dầu WTI, giảm 1,7 triệu thùng, đây là sự sụt giảm rất đáng chú ý.
Tuy nhiên, lo ngại về nhu cầu đã giới hạn đà tăng giá dầu, khi nhu cầu xăng hàng tuần của Mỹ giảm khoảng 128.000 thùng/ngày, xuống 8,13 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 6/2020.
Đồng USD yếu đi cũng hỗ trợ giá dầu thô. Chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới PVM cho biết: "Sự giảm giá gần đây của đồng USD đã giúp hạn chế tác động của giá dầu tăng đối với một số nhà tiêu thụ năng lượng lớn trên thế giới". Nhu cầu dầu ở Châu Á hiện đang hồi phục rất mạnh.
Tốc độ tăng giá của các kỳ hạn khác nhau của dầu Brent đã có sự khác biệt, cho thấy lượng cung hiện tại đang dư thừa.
Hiện giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 2/2021 cao hơn 14 US cent so với kỳ hạn giao tháng 1/2021, cao nhất kể từ tháng 7.
Chênh lệch giá giữa hợp đồng Brent kỳ hạn tháng 1 với kỳ hạn tháng 2
Các nguồn tin đều cho biết, OPEC , bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, đang nghiêng về việc trì hoãn việc tăng sản lượng theo kế hoạch trong năm tới bất chấp giá dầu tăng.
Mặc dù vậy, cho đến thời điểm này, quan điểm của các thành viên OPEC vẫn có sự khác biệt. Trong khi một nguồn tin cho hay Nga có thể đồng ý với việc kéo dài thời hạn nâng sản lượng, song Goldman Sachs lại cho biết có sự "phức tạp tiềm ẩn" về mong muốn của Saudi Arabia; Nigeria cũng muốn nâng hạn ngạch, trong khi Iraq đã có ý kiến về việc được miễn cắt giảm sản lượng trong năm 2021.
Trong khi đó, nhà phân tích Bjornar Tonhaugen của Rystad Energy vẫn có niềm tin rằng: "Tin tức tích cực về vắc-xin và kỳ vọng vào OPEC đang đẩy giá dầu tăng nhanh. Thị trường ngày càng có niềm tin vững chắc rằng OPEC sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng sâu cho đến hết quý I/2021".
Về triển vọng, nhà phân tích dầu Giovanni Staunovo cả UBS cho biết: "Chúng tôi vẫn duy trì triển vọng giá dầu tăng vào năm tới, và dự báo giá Brent sẽ đạt 60 USD vào cuối năm 2021".
Vũ Ngọc Diệp