(Tổ Quốc) - Đối với nhiều người, sau một ngày bận rộn trở về nhà ăn mâm cơm tự nấu là điều hạnh phúc biết bao. Tuy nhiên, chúng ta lại không hề biết chính những thức ăn này lại là “liều thuốc độc” gây bệnh nếu không chú ý đến loại nấm mốc thường xuất hiện trong nhà bếp này.
Một người phụ nữ họ Trương ở Bắc Kinh được chẩn đoán mắc ung thư năm 2013. Điều gây sốc hơn là cả 3 thành viên trong gia đình cô, bao gồm cả bố và anh trai đều qua đời vì ung thư.
Các bác sĩ đã tiến hành phân tích, thí nghiệm môi trường sống, lối sống của gia đìn này và phát hiện: Nấm mốc aflatoxin được tìm thấy trên đũa và thớt mà gia đình họ Trương sử dụng hàng ngày.
Hóa ra, cô Trương không có thói quen vệ sinh, lau khô thớt sau khi dùng. Thậm chí còn dùng thớt để thái cả thực phẩm sống lẫn chín. Điều này đã tạo cơ hội cho nấm mốc Aflatoxin phát triển mạnh.
Aflatoxin là gì?
Aflatoxin là độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên.Ngay từ năm 1993, nó đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO xác định là chất gây ung thư loại 1, cũng là tác nhân gây ung thư mạnh nhất hiện nay.
Aflatoxin mang độc tính cực kỳ mạnh, thậm chí độc gấp 68 lần asen, có khả năng phá hủy mô gan nghiêm trọng. Chỉ 1mg aflatoxin cũng có thể gây ung thư, và 20mg có thể gây tử vong cho người.
Ảnh: Aflatoxin có trong thực phẩm mốc
Phần lớn Aflatoxin ký sinh trong đất, tuy nhiên các bào tử có thể phát tán trong không khí, rơi trên bề mặt thực phẩm lây nhiễm ký sinh trùng từ đó sản sinh ra độc tố aflatoxin. Đây cũng là con đường chính để chúng xâm nhập vào cơ thể và huỷ hoại sức khoẻ con người.
Đồ dùng ăn uống bị mốc là nguồn chất độc gây ung thư
Aflatoxin sẽ không thể ký sinh trên đũa, thớt,…Tuy nhiên hàng ngày chúng ta lại dùng nó để chế biến, ăn ngô, khoai, thịt cùng các thực phẩm dễ bị nhiễm nấm mốc. Nếu vệ sinh không sạch sẽ, môi trường nhà bếp ẩm thấp sẽ tạo môi trường cho chúng sinh sôi nảy nở.
Mặc dù đây là chất gây ung thư mạnh, tuy nhiên Aflatoxin có thể bị tiêu diệt bằng cách khử trùng ở nhiệt độ cao. Khi thớt không cần sử dụng nữa, hãy làm sạch và phơi dưới ánh nắng mạnh, như vậy cũng có thể loại bỏ nấm mốc.
Phơi đồ dùng dưới ánh nắng để tiêu diệt nấm mốc. Ảnh: Internet
Các giải pháp cho nhà bếp để giảm nguy cơ bị ung thư
Vệ sinh sạch sẽ đồ dùng nhà bếp
Để giảm nguy cơ bị nấm mốc và các loại vi khuẩn khác xâm nhập, chúng ta nên chăm chút hơn cho việc vệ sinh các đồ dùng như thớt, bát, đũa, thìa…Đặc biệt là các vật dụng bằng gỗ nên vệ sinh thật cẩn thận, nếu có thể hãy đem chúng phơi nắng để đảm bảo khô ráo, sạch sẽ.
Thay đổi đồ dùng thường xuyên
Bộ đồ ăn cũng có hạn sử dụng, ví dụ như bát đĩa sứ có chứa chì, khi xuất hiện các vết nứt sẽ làm chì dễ tràn ra ngoài, ảnh hưởng đến thức ăn.
Đũa tre, gỗ nên thay từ ba đến sáu tháng một lần, thời gian sử dụng quá lâu sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển trong các khe, kẽ. Ngoài ra, các lớp mạ bằng kim loại cũng bị hư hỏng, dễ tiết ra các chất kim loại nên cần phải thay mới.
Làm sạch nguyên liệu nấu ăn
Việc vệ sinh nguyên liệu, thực phẩm trước khi nấu ăn cũng rất quan trọng vì chúng có thể chứa một lượng lớn các chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật,…Nếu không làm sạch, các chất đó sẽ theo thức ăn đi vào trong cơ thể và gây hại cho sức khoẻ của chúng ta.
Chỉ cần chú ý một chút khi vào bếp là chúng ta đã có thể ngăn ngừa ung thư, yên tâm ăn uống và đảm bảo sức khoẻ.
Nguồn:Aboluowang
Lưu Ly