(Tổ Quốc) - Ngô là nông sản tăng giá mạnh nhất trong thời gian gần đây do nhu cầu hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 và sau dịch tả lợn Châu Phi, nhất là ở Trung Quốc, trong khi nguồn cung trên toàn cầu vốn đã eo hẹp có nguy cơ sẽ càng khan hiếm do thời tiết khô hạn kéo dài ở Brazil, và cung tiền mặt dư thừa cũng góp phần đẩy giá ngô nói riêng và các hàng hóa nói chung tăng lên.
Giá ngô Mỹ hôm nay 7/5 tiếp tục tăng gần 1% so với phiên liền trước, tính chung cả tuần tăng gần 8%, duy trì ở mức cao nhất trong vòng hơn 8 năm. Đáng chú ý, đây là tuần thứ 6 liên tiếp giá ngô đi lên, khiến cho thị trường thức ăn chăn nuôi càng thêm nóng bỏng.
Theo đó, ngô Mỹ kỳ hạn tháng 7 trên sàn Chicago sáng nay theo giờ Việt Nam tăng 0,8% lên 7,24 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 3/2013. Phiên 6/5, giá ngô đã tăng 1,5%.
Như vậy, trong vòng 1 tháng qua, giá ngô tăng 35%, còn so từ đầu năm đến nay giá tăng 58% hiện đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2013.
Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, giá ngô tăng vượt mức 7 USD/bushel (vượt ngưỡng này vào ngày 27/4/2021).
Có nhiều yếu tố dẫn tới giá ngô tăng. Trước hết phải kể tới cung ngô thế giới không đáp ứng đủ nhu cầu. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng ngô tồn trữ trên toàn cầu không ngừng bị thu hẹp lại, với lượng tồn trữ ngô cuối niên vụ 2020/21 dự báo là 283,85 triệu tấn, thấp hơn trên 19 triệu tấn so với niên vụ trước đó, do tiêu thụ tăng mạnh vượt trội so với mức tăng sản lượng.
Trong khi đó, thời tiết bất lợi ở Brazil nguy cơ làm giảm sản lượng ngô không chỉ của nước này mà ảnh hưởng tới nguồn cung trên toàn cầu.
Theo hãng môi giới StoneX, sản lượng ngô Brazil niên vụ 2020/21 ước tính giảm xuống 72,7 triệu tấn, thấp hơn mức 77,65 triệu tấn dự báo cách đây một tháng. Hiệp hội xuất khẩu ngũ cốc Brazil dự báo xuất khẩu ngô nước này năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 32 triệu tấn, giảm khoảng 1,6 triệu tấn so với năm 2020.
Và một nguyên nhân quan trọng nữa không thể không nhắc tới, đó là giá các nông sản có thể thay thế ngô cũng tăng mạnh. Theo đó, đậu tương đã tăng khoảng 23% từ đầu năm đến nay, trong khi lúa mì tăng khoảng 12%.
Nguồn cung bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là thời tiết bất thường ở Mỹ và Nam Mỹ, trong khi nhu cầu tăng mạnh khiến cán cân cung - cầu các ngũ cốc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều bị ảnh hưởng.
Và nguyên nhân quan trọng nữa dẫn tới giá ngô tăng là nhu cầu tăng mạnh ở Châu Á, nhất là Trung Quốc, do ngành chăn nuôi lợn hồi phục và nhu cầu thịt tăng trở lại khi dịch bệnh Covid-19 dần qua đi.
Biểu đồ so sánh nhập khẩu ngô của Châu Á với giá ngô Mỹ xuất khẩu
Theo xu hướng chung của các thị trường trong khu vực, nhập khẩu ngô về Việt Nam những năm qua liên tục tăng, năm 2018 vượt mốc 10 triệu tấn lần đầu tiên trong lịch sử, năm 2019 vượt 11 triệu tấn và 2020 vượt 12 triệu tấn để đạt 12,072 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD (tăng 5% về lượng và 2,8% về giá trị so với năm 2019).
Với nhu cầu tăng và ngành chăn nuôi hồi phục mạnh sau dịch tả lợn Châu Phi, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi về Việt Nam, trong đó có ngô, quý I/2021 đạt 1,21 tỷ USD, tăng trên 50% so với quý 1/2020, chiếm 1,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại của cả nước.
Trong số những nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi chính cho Việt Nam thì Argentina vẫn dẫn đầu với 32% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 388,16 triệu USD trong quý I/2021, tăng 11,2% so với quý 1/2020; tiếp đến là Mỹ với trên 375,04 triệu USD, tăng mạnh 219,7% (22,7% tổng kim ngạch thức ăn chăn nuôi nhập khẩu); Ấn Độ với 131,99 triệu USD, tăng 466% so với cùng kỳ năm 2020; EU tăng mạnh 105% so với quý 1/2020, đạt 110,56 triệu USD; Đông Nam Á tăng 18,3%, đạt 84,48 triệu USD…
Giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng mạnh
Trên thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước, giá các loại nguyên liệu chính bắt đầu tăng từ tháng 10/2020 và tăng cao đến thời điểm hiện nay với mức tăng trung bình từ 30-35%. Trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% so với giá thành sản xuất; chi phí khác như nhiên liệu, khấu hao, nhân công, lãi vay, lương... chiếm khoảng 10-15%.
Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước bắt đầu tăng từ tháng 12/2020 đến nay. Tính từ lần tăng giá đầu tiên tại thời điểm cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 6-8 đợt với mức tăng 200-300 đồng/kg/lần. Tổng mức tăng chung là 10-15% (tương đương 1.000-1.500 đồng/kg, tùy từng loại). Chẳng hạn như giá cám của Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc và Công ty CP dinh dưỡng Hồng Hà đã tăng đến 8 lần, lần tăng thấp nhất là 300 đồng/kg, lần cao nhất 450 đồng/kg (mức tăng tương đương 20 - 30% so với năm 2020 và cao nhất từ trước đến nay).
Dự báo xu hướng giá thức ăn chăn nuôi tăng sẽ còn tiếp diễn trước khi hạ nhiệt nhờ nguồn cung nguyên liệu tăng. Dự báo tổng mức tăng giá thức ăn chăn nuôi trong năm nay sẽ lên tới khoảng 20%, giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợt và gà thịt ở giai đoạn vỗ béo có thể sẽ lên mức trên 11.000 - 11.300 đồng/kg - cao như năm 2014.
Mặc dù chi phí nhập khẩu tăng, song xuất khẩu thức ăn chăn nuôi của nước ta cũng được hưởng lợi khi giá tăng. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thức ăn chăn nuôi của cả nước trong quý I/2021 đạt trên 201,18 triệu USD, tăng 33,8% so với 3 tháng đầu năm 2020; trong đó riêng tháng 3/2021 đạt 90,58 triệu USD, tăng mạnh 93,2% so với tháng 2/2021 và cũng tăng 50% so với tháng 3/2020.
Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sang thị trường Trung Quốc trong tháng 3/2021 tăng rất mạnh 251,7% so với tháng 2/2021 và tăng 146% so với tháng 3/2020, đạt 35,45 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 3 tháng đầu năm 2021 lên gần 51,99 triệu USD, vượt qua Campuchia, vươn lên dẫn đầu về thị trường tiêu thụ thức ăn chăn nuôi của Việt Nam và tăng mạnh 80% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 25,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước..
Thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 là Campuchia với 33,65 triệu USD trong quý I/2021, chiếm 16,7%, tăng 22%; riêng tháng 3/2021 tăng mạnh 58,9% so với tháng 2/2021 và tăng 20,7% so với tháng 3/2020, đạt 13,5 triệu USD.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ trong tháng 3/2021 giảm mạnh 20,2% so với tháng 2/2021 và giảm 16,7% so với tháng 3/2020, đạt 6,02 triệu USD, tuy nhiên, cộng chung cả 3 tháng thì xuất khẩu sang thị trường này vẫn tăng 22,6% so với cùng kỳ, đạt 24,75 triệu USD.
Đáng chú ý là thức ăn chăn nuôi xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau khi giảm mạnh trong tháng 2/2021 thì sang tháng 3/2021 tăng mạnh trở lại, tăng 122% so với tháng 2/2021 và tăng 44,2% so với tháng 3/2020, đạt 9,45 triệu USD, tính chung cả 3 tháng đầu năm 2021 cũng tăng cao 36,6% so với cùng kỳ, đạt 23,67 triệu USD.
Tham khảo: Reuters, Agweb, USDA
Vũ Ngọc Diệp