(Tổ Quốc) - Theo tờ ChosunIlbo, bong bóng bất động sản ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã khiến những người bình thường khó có khả năng mua nhà.
Cụ thể, một người lao động bình thường tại đây sẽ phải tiết kiệm khoảng 63 năm để mua một căn hộ, theo thống kê vào năm 2020 - 2021. Con số này cao hơn nhiều so với năm 2019, khi đó, một người lao động bình thường chỉ phải tiết kiệm khoảng 22 năm.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Hàn Quốc và Ngân hàng KB Kookmin cho thấy, mức lương trung bình của người lao động năm 2021 là khoảng 1,49 triệu Won. Trong khi đó, giá trung bình một căn hộ ở Seoul tại thời điểm bất động sản tăng cao có thể lên tới 1,99 tỷ Won.
Tờ ChosunIlbo đưa tin, thu nhập trung bình của người lao động Hàn Quốc trong 5 năm qua đã tăng 14,4% lên 5,37 triệu Won mỗi tháng, trong khi mức chi tiêu trung bình của họ tăng 10,2% lên 3,89 triệu Won mỗi tháng. Tuy nhiên, giá nhà ở Seoul lại tăng 98%, tại thời điểm thống kê.
Cố tình bỏ việc để mua nhà trợ cấp
Baek Seung Min, một chuyên gia thiết kế 35 tuổi, đã yêu cầu vợ mình bỏ công việc y tá trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19. Nguyên nhân không phải vì anh lo lắng về nguy cơ mắc bệnh mà để đạt yêu cầu mua nhà dành cho người có thu nhập thấp.
Câu chuyện trớ trêu này diễn ra sau khi chính phủ Hàn Quốc ban hành một vài quy định mới nhằm tìm cách hạ nhiệt thị trường bất động sản. Theo đó, các dự án nhà giá rẻ sẽ ưu tiên cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Do đó, nếu vợ anh bỏ công việc điều dưỡng với mức lương 58 triệu Won, gia đình sẽ đủ điều kiện được chấp thuận.
Tuy nhiên, gia đình Baek không thể tìm được một ngôi nhà ưng ý ở Seoul, vì vậy họ phải chuyển về Incheon để hướng tới các dự án nhà ở giá rẻ.
“Giá nhà ở Seoul đã tăng quá cao đối với chúng tôi, gia đình tôi buộc phải đến tận Incheon để mua nhà”, anh Baek buồn bã cho biết.
Theo hãng tin Reuters, bất chấp hơn 20 quy định mới của chính phủ nhằm hạ nhiệt bất động sản, giá nhà ở Seoul năm 2020 đã tăng hơn 50% kể từ năm 2017. Đây là mức cao nhất thế giới trong thời điểm đó.
Tình trạng này đã khiến nhiều gia đình phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí cưới xin không đăng ký để có thể nộp đủ 2 hồ sơ mua nhà giá rẻ.
Giá căn hộ bình quân tại Seoul (Chục nghìn Won) trong giai đoạn 10 năm từ 2010 tới 2020. Ảnh: Reuters
Anh Hong Seoung-kyun (28 tuổi) sinh ra và lớn lên ở thủ đô Seoul từng đặt ưu tiên hàng đầu khi bắt đầu sống tự lập là có được một ngôi nhà của riêng mình. Tuy vậy, ước mơ này ngày càng khó thực hiện với tình trạng giá nhà ở hiện nay.
Sau nhiều năm tích góp, anh tiết kiệm được khoảng 15 triệu Won (gần 13.370 USD) nhưng số tiền này chỉ có thể giúp anh kiếm được căn hộ dạng studio 12 mét vuông, với giá 500.000 Won/tháng và mức cọc 5 triệu Won.
Hong Seoung-kyun chia sẻ với Korea Herald: "Trên phim ảnh, những người ở độ tuổi của tôi thường làm công việc lương cao, sống trong căn nhà rộng lớn. Ở đời thực, tôi phải chui rúc ở căn phòng bé xíu, vừa ăn mì gói vừa mơ về cuộc sống như vậy.”
Tầng lớp trung lưu cũng “đau đầu” vì áp lực mua nhà
Trong nhiều thập kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc, người Hàn Quốc tin rằng, bằng đại học và một ngôi nhà là những điều kiện tất yếu để giúp bạn nhanh chóng trở thành tầng lớp trung lưu. Sở hữu được 2 điều này, họ sẽ nhận được đánh giá cao như những người thành công trong sự nghiệp. Đây là lý do tại sao 3/4 tài sản của các hộ gia đình thường tập trung vào bất động sản.
Nhưng ngày nay, những người sinh ra trong những gia đình bình thường, không có điều kiện tài chính khá giả, đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua nhà. Ngay cả khi họ đã tốt nghiệp đại học và kiếm được một công việc ổn định với mức lương cao thì việc mua một căn hộ ở Seoul vẫn rất khó.
Theo Reuters, trung bình một hộ gia đình Hàn Quốc sẽ mất 14 năm để dành toàn bộ thu nhập, không chi tiêu bất cứ thứ gì, mới có khả năng để sở hữu một căn hộ ở Seoul. Vào năm 2017, con số này là 11 năm. Nếu hộ gia đình có phải chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày, chi trả các khoản giáo dục, đầu tư… thì con số này sẽ còn tăng lên cao hơn nữa.
Luật sư Hong Na Ri, người thuê một căn hộ 3 phòng ngủ cùng hai con và chồng ở Seoul, cho biết giá nhà đang khiến cả gia đình lo lắng. Giá thuê căn hộ của cô Hong Na Ri đã tăng gấp đôi, lên đến mức 1,8 triệu Won kể từ khi gia đình chuyển đến đây vào năm 2015.
Trong khi đó, thu nhập của gia đình luật sư Hong vào khoảng 10.000 USD, thuộc tầng lớp trung lưu như bao gia đình khác. Thế nhưng, nỗi lo vẫn thường trực trong suy nghĩ của cô khi nhìn giá nhà ở, bất động sản tăng nhanh.
“Khi tôi kết hôn và chuyển đến đây vào năm 2015, tôi cứ nghĩ rằng giá nhà sẽ đi xuống. Bây giờ ai cũng hỏi tôi tại sao tôi không mua nhà sớm cho con cái khi mà bản thân còn có thể. Điều đó khiến tôi rất bất an nhưng lại không thể làm được gì cả. Tôi không thể di chuyển ra ngoài Seoul vì như vậy, khoảng cách với trường học, công ty hay người trông trẻ hiện tại đều quá xa,” Hong than thở.
*Theo News Today63
Thuý Phương