(Tổ Quốc) - Thị trường quặng sắt thế giới năm 2021 chứng kiến niềm vui tột cùng của các nhà sản xuất khi giá lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử, nhưng cũng chứng kiến đà lao dốc thảm hại nhất trong lịch sử. Câu chuyện bi hài này dự báo sẽ còn tiếp diễn.
Giá quặng sắt tăng vọt trong năm 2021. Tháng 5/2021, giá quặng sắt vọt lên mức cao kỷ lục 237 USD/tấn, sau đó quay đầu giảm xuống chỉ còn khoảng 85 USD/tấn vào tháng 11/2021 do Trung Quốc cam kết cắt giảm sản lượng thép năm 2021 bằng hoặc thấp hơn năm 2020. Tháng 11/2021, Fitch Solutions đưa ra nhận định đợt tăng giá quặng sắt đã chính thức kết thúc. Tuy nhiên, mấy tuần trước, giá kim loại này lại tăng 50% chỉ trong một thời gian ngắn. Hiện giá quặng sắt (loại 62% sắt) nhập khẩu vào Trung Quốc đã trở lại mức 123 USD/tấn.
Theo các nhà phân tích, sự biến động trên thị trường quặng sắt sẽ còn kéo dài đến năm 2022. Dưới đây là những ‘câu chuyện’ đáng nhớ nhất về thị trường quặng sắt năm 2021.
1. Trung Quốc
Quặng sắt là một phong vũ biểu cho nền kinh tế Trung Quốc, vì vậy việc Trung Quốc hạn chế sản xuất thép của để kiểm soát lượng khí thải carbon đã tạo nên dấu ấn cho hoạt động của kim loại này trong năm 2021.
Vào tháng 3, chính quyền Đường Sơn đã ban hành cảnh báo ô nhiễm cấp độ hai, thúc giục các công ty công nghiệp nặng như các nhà sản xuất thép và nhà máy luyện cốc phải cắt giảm sản lượng cho phù hợp.
Động thái này làm giảm sự lạc quan của thị trường về nhu cầu tăng sau Tết Nguyên đán đối với quặng sắt ở thị trường sản xuất thép hàng đầu thế giới.
Lo ngại về vấn đề nợ của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc - lĩnh vực chiếm khoảng 1/4 nhu cầu thép nước này, cũng gây thêm áp lực lên giá quặng sắt và thép.
Sau những thông tin dồn dập về những khó khăn tài chính của Evergrande, gã khổng lồ bất động sản nặng nợ này đã không thể bán tài sản để huy động tiền và ngày 23 tháng 9 bỏ lỡ thời hạn thanh toán lãi suất 83,5 triệu USD cho số trái phiếu tiền đô đến hạn phải trả.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm do lo ngại về thị trường bất động sản ngày càng gia tăng.
2. Nguồn cung dư thừa đã trở lại
Về nguồn cung, tăng trưởng sản xuất ở Brazil và Australia dần được cải thiện đã bắt đầu giúp nới lỏng nguồn cung quặng sắt chở bằng đường biển – từ lâu bị thắt chặt.
Tình trạng dư cung quặng sắt đã quay trở lại (dự trữ tăng)
Hãng Vale đang hoạt động với công suất sản xuất quặng sắt hiện tại là 330 triệu tấn. Sản lượng quặng sắt quý 1 năm 2021 của công ty là 68 triệu tấn, cao hơn 14,2% so với quý 1 năm 2020, trong khi sản lượng quý 2 năm 2021 là 76 triệu tấn, cao hơn 12% so với quý 2 năm 2020.
Trong khi đó, tại Australia, Fortescue đã ‘đánh bại’ mọi dự báo trước đó khi sản lượng cả năm tài chính 2021 ước tính đạt 182 triệu tấn, và lên kế hoạch xuất khẩu 180-185 triệu tấn trong tài khóa 2022.
Tương tự, BHP báo cáo sản lượng quặng sắt trong tài khóa 2021 ở mức 253,5 triệu tấn, nằm ở mức cuối về phía trên trong phạm vi dự báo.
"Trong số các nhà sản xuất lớn, chỉ có Rio Tinto đưa ra triển vọng ảm đạm về kết quả kinh doanh nửa năm của mình, cảnh báo rằng xuất khẩu có khả năng ở mức thấp nhất nhiều năm, tối đa vào khoảng 325-340 triệu tấn trong năm 2021, và sẽ cần phải tăng mạnh sản lượng trong 5 tháng tới", Fitch cho biết.
3. Mỏ Simandou khổng lồ
Trong khi các nhà sản xuất lớn đều có thành quả tích cực vào năm 2021, một kho báu vẫn chưa được chạm tới.
Với hai tỷ tấn quặng sắt và được đánh giá là mỏ quặng sắt có chất lượng cao nhất thế giới, mỏ Simandou khổng lồ ở Guinea tiếp tục là chủ đề tranh chấp giữa Vale và tỷ phú Israel Beny Steinmetz.
Vào tháng 12/2021, Steinmetz bị bắt ở Hy Lạp sau khi một tòa án Thụy Sĩ phát hiện anh ta có hành vi hối lộ liên quan đến quyền khoáng sản vào vào tháng 1/2021.
Mỏ Simandou nếu sản xuất hết công xuất thì có khả năng xuất khẩu tới 100 triệu tấn mỗi năm, trở thành nguồn cung cấp quặng sắt lớn thứ 5 thế giới, sau Fortescue Metals và BHP.
4. Triển vọng năm 2022
Những ‘sóng gió bão táp’ dự kiến sẽ tiếp tục xảy ra trên thị trường quặng sắt trong năm 2022.
Trung Quốc đang thúc đẩy việc cắt giảm lượng khí thải carbon trước Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, sản lượng thép nước này năm 2022 dự kiến sẽ tiếp tục sang năm thứ 2 giảm, trong khi lĩnh vực bất động sản nợ nần chồng chất đang đè nặng lên tiêu thụ thép nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Nhà phân tích Zeng Ning của CITIC Futures Co. cho biết: "Nhu cầu quặng sắt sẽ giảm dần trên diện rộng".
"Ngành công nghiệp bất động sản khá yếu, tiêu thụ thép có khả năng sẽ giảm và nhiều nhà máy sẽ sử dụng phế liệu để giảm lượng khí thải."- Nhà phân tích Zeng Ning.
UBS Group AG dự kiến giá quặng sắt năm 2022 sẽ đạt trung bình 85 USD/tấn, trong khi Citigroup dự báo là 96 USD. Capital Economics dự đoán giá khoáng sản này cuối năm 2022 sẽ ở mức 70 USD/tấn.
"Chúng tôi có ý kiến trung lập về giá quặng sắt trong thời gian tới, sau khi giá ‘sụp đổ’ vào nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy khoáng sản này có khả năng giảm vào cuối năm 2022, và trung bình năm 2022 sẽ ở mức 90 USD/tấn", Fitch cho biết.
Trong số những điểm sáng của thị trường quặng sắt, có thể khể tới khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp kích thích tài khóa, chính sách tiền tệ có thể nới lỏng hơn nữa và hỗ trợ nhiều hơn cho ngành bất động sản, trong khi sản lượng thép có thể tăng trở lại khi các giới hạn được dỡ bỏ sau Thế vận hội.
Tham khảo: Minging, Bloomberg
Vũ Ngọc Diệp