(Tổ Quốc) - Giá thép phế liệu nước ngoài chào bán cho khách hàng Việt Nam tuần này đồng loạt giảm mạnh, giá quặng sắt tại Trung Quốc cũng lao dốc do nhu cầu từ ngành thép của Trung Quốc sụt giảm.
Giá thép phế liệu trên thị trường Châu Á tuần này giảm do giá sắt thép tại Trung Quốc gần đây giảm nhanh.
Các nhà bán phế liệu trên thế giới trong tuần tới 29/10 đã hạ giá chào bán phế liệu tan chảy nặng (heavy melting scrap (HMS) 1&2 (80:20) xuống 560 USD/tấn, cfr Việt Nam, giảm 5 USD/tấn so với tuần trước đó, Metalbulletin dẫn nguồn Fastmarkets cho biết.
Mặc dù giá giảm nhưng người mua cũng không mặn mà với việc mua vào,. Hoạt động sản xuất nhìn chung không có sự biến động mạnh. Khách hàng Việt nam chỉ trả giá phế liệu HMS khoảng 545 – 548 USD/tấn, cfr.
Trong khi giá phế liệu nhập khẩu giảm, giá thép tại Việt Nam tuần qua tăng nhẹ. Các hãng sản xuất thép lớn nhìn chung chào bán giá thép cuộn CB240-T và CT3 ở mức 16,93-17,13 triệu đồng (742-752 USD)/tấn, và thép cây CB300-V, CT5 và SD295 ở mức 16,83-16,98 triệu đồng; thép cây CB400-V và SD390 ở mức 16,83-17,03 triệu đồng. Trong vòng một tuần qua, giá tăng khoảng 300.000 đồng/tấn.
Giá phế liệu thép HMS 1&2 (80:20) đóng trong container đầu tuần qua được bán cho khách hàng Việt Nam với giá 490 USD/tấn cfr Việt Nam.
Dữ liệu của Fastmarkets cho thấy giá thép phế liệu weekly price assessment for deep-sea bulk cargoes of steel scrap, HMS 1&2 (80:20) hàng rời trong ngày 29/10 là 550-555 USD/tấn, cfr Việt Nam, giảm 10 USD/tấn so với 560-565 USD/tấn một tuần trước đó.
Trong khi đó, thép phế liệu H2 hàng rời của Nhật Bản được chào bán ở mức giá 538-540 USD/tấn cfr Việt Nam, nhưng người mua cũng chỉ trả giá 530 USD/tấn.
Lý do giá thép phế liệu các loại tuần qua giảm là bởi nhu cầu của Trung Quốc đối với phôi thép xuất khẩu của Việt Nam gần đây sụt giảm, mặc dù giá thép thanh vằn dùng trong xây dựng tại Trung Quốc gần đây tăng, ở mức khoảng 700 – 740 USD/tấn.
"Giá thép ở Trung Quốc giảm đang khiến các nhà nhập khẩu phôi thép Trung Quốc hạ giá nhập khẩu phô thép, thậm chí giảm hoặc tạm dừng nhập khẩu, do đó các nhà máy thép Việt Nam không sẵn sàng mua phế liệu với giá cao", thông tin từ Fastmarkets.
Giá thép cây và phôi thép giao ngay tại Trung Quốc đã lao dốc kể từ tuần thứ hai của tháng 10 do bị áp lực bởi các cảnh báo liên tục được Chính phủ nước này nhắc đi nhắc lại rằng giá hàng hóa không nên tăng quá nhanh và các nhà chức trách sẽ kiểm toán chặt chẽ sổ sách của các doanh nghiệp để đảm bảo không có hiện tượng găm hàng, thao túng giá.
Phế liệu vụn (shredded scrap) của Nhật Bản (hàng rời) tuần này được chào bán ở mức 585 USD/tấn, cfr Việt Nam, phế liệu H1&H2 (50:50) của Hongkong hàng rời chào bán giá 520 USD/tấn cfr Việt Nam, trong khi phế liệu tấm & kết cấu (P&S) size lớn (oversized plate & structural scrap) của Hồng Kông chào bán ở mức 560 USD/tấn cfr tại Việt Nam.
Dữ liệu của hàng tuần của Fastmarkets cũng cho thấy phế liệu thép H2 xuất xứ Nhật Bản, cfr Việt Nam ngày 29/10 có giá 535-540 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với 540-545 USD/tấn một tuần trước đó.
Tương tự phế liệu, giá quặng sắt tuần qua cũng giảm do Chính phủ Trung Quốc tăng cường các biện pháp hạ nhiệt giá than và sản lượng thép của nước này giảm.
Theo dữ liệu cập nhật của Fastmarkets, quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc, giao ngay tại cảng biển Trung Quốc, phiên cuối tuần, thứ Sáu (29/10) là 107,28 USD/tấn, giảm 4,4% so với phiên liền trước.
Trong khi đó, quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) giảm 3,6% xuống 651 nhân dân tệ/tấn.
Sản lượng 5 sản phẩm thép chính - thép cây, thép cuộn cán nóng, thép cuộn, thép cuộn cán nguội và thép tấm - tại các nhà sản xuất thép Trung Quốc do công ty tư vấn Mysteel theo dõi đã tăng 4,9% trong tuần vừa qua, lên 9,2 triệu tấn, song vẫn thấp hơn nhiều so với 10,7 triệu tấn cùng kỳ năm trước.
Các nhà phân tích của CITIC Securities cho biết: "Do bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát tiêu thụ năng lượng, hạn chế sản xuất để đạt mục tiêu môi trường trong mùa sưởi ấm (mùa Đông) và dịp Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội mùa đông… , nguồn cung thép ở nước này dự kiến sẽ tiếp tục bị hạn chế, nhu cầu quặng sắt sẽ còn tiếp tục giảm lâu dài".
Tuy nhiên, do sản lượng thép bị kiềm chế nên giá thép tại Trung Quốc tăng lên. Trong phiên 29/10, giá thép thanh và thép cuộn cán nóng đều tăng, với thép thanh trên sàn Thượng Hải, kỳ hạn giao tháng 1, tăng 0,8% lên 4.646 nhân dân tệ (727,14 USD)/tấn. Trong khi đó, thép cuộn cán nóng trên sàn này tăng 0,9% lên 5.003 nhân dân tệ/tấn, thép không gỉ giao tháng 1 cũng tăng 0,6% lên 19.080 nhân dân tệ/tấn.
Mặc dù tăng trong phiên vừa qua, nhưng giá thép tại Trung Quốc hiện đang ở quanh mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3, do Chính phủ nước này cảnh báo sẽ xử lý nghiêm khắc những đối tượng để giá hàng hóa cao một cách bất hợp lý.
Giá thép thanh vằn tại Trung Quốc thấp nhất nhiều tháng.
Bộ Sinh thái và Môi trường cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu cắt giảm nồng độ các hạt nhỏ trong không khí nguy hiểm, được gọi là PM2.5, trung bình 4% mỗi năm tại các thành phố kiểm soát ô nhiễm trọng điểm trong mùa thu đông này, và sẽ tiếp tục điều tiết sản xuất tại các nhà máy thép.
Ngành thép Trung Quốc đang trong giai đoạn khó khăn, khi chịu sức ép từ nhiều phía. Các dữ liệu kinh tế mới đây cho thấy kinh tế đang suy yếu, trong đó lĩnh vực xây dựng - chiếm 1/4 nhu cầu thép trong nước, vẫn suy giảm do khủng hoảng bất động sản.
Tham khảo: Metalbulletin, Tradingeconomics, Reuters
Vũ Ngọc Diệp