(Tổ Quốc) - Giá rau ở Trung Quốc mấy tuần gần đây tăng vọt, một số loại đắt hơn thịt lợn - loại thịt tiêu thụ chủ yếu ở nước này, ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng nước này - vốn đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện và những quy định nghiêm ngặt chống Covid-19.
Dữ liệu mới nhất từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy giá rau bán buôn tại nước này đã tăng 28% trong 4 tuần tính đến ngày 22 tháng 10 và hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 2. Mưa lớn kéo dài ở các vùng trồng trọt lớn trong năm nay đã làm hỏng mùa màng, kết hợp với giá than tăng cao khiến việc canh tác trong nhà kính trở nên tốn kém đắt đỏ hơn.
Giá rau bán buôn ở Trung Quốc tăng vọt trong tháng này, cao gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước.
Những trận mưa lớn bất thường đã trút xuống những vùng đất phía bắc Trung Quốc vào tháng 9 và đầu tháng này, làm ngập diện tích đất nông nghiệp của Sơn Đông - tỉnh trồng rau hàng đầu ở Trung Quốc.
Zhou Rui, một nông dân canh tác khoảng 7 ha ở quận Juancheng của tỉnh này cho biết: "Tất cả các loại rau đều chết hết". Theo bà, các ruộng rau muống, bắp cải, rau mùi ngập úng chỉ còn một chút xíu để thu hoạch. Trong khi đó, người nông dân chưa trồng lại rau vụ mới vì thời tiết đã trở nên quá lạnh.
Do đó, giá bông cải xanh, dưa chuột và bắp cải tăng hơn gấp đôi trong những tuần gần đây. Theo đó, giá súp lơ trắng và súp lơ xanh có giá tăng khoảng 50%, trong khi cải bó xôi tăng 157% trong giai đoạn 4 tuần nói trên. Tại chợ đầu mối Xinfadi ở Bắc Kinh ngày 27/10, một túi rau diếp hoặc rau muống nặng nửa kg có giá 8 nhân dân tệ (1,25 USD). Giá rau bina đã tăng lên 16,67 nhân dân tệ (2,61 USD)/kg từ mức 6,67 nhân dân tệ vào cuối tháng 9.
Trong khi đó, thịt lợn có giá khoảng 8 đến 10,5 nhân dân tệ/0,5 kg, và thịt gà là 7 đến 10 nhân dân tệ/0,5 kg.
Việc giá rau ở Trung Quốc tăng vọt cùng thời điểm với giá rau củ ở Việt Nam tăng gây lo ngại sẽ khiến giá rau trong nước khó có thể sớm hạ nhiệt, do những nguyên nhân tăng giá ở hai thị trường có một số điểm tương đồng (yếu tố thời tiết, mưa nhiều gần đây) và hai thị trường có giao thương một số loại rau củ.
Tại một số chợ truyền thống tại Hà Nội 1-2 tuần đây, giá rau xanh, củ quả nhìn chung đang tăng từ 20-50% tùy loại và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá hành lá đã tăng từ 15-20.000 đồng/kg nay đã lên đến 55.000 - 65.000 đồng/kg; rau mùi từ 30.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg; rau muống từ 10.000 đồng/mớ tăng lên 20-25.000 đồng/mớ; bắp cải từ 15.000 đồng/kg nay lên 22.000 đồng/kg; súp lơ xanh giá 30.000 đồng/kg nay lên 50.000 đồng/kg…
Chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết giá bán buôn rau củ trung bình ở Thủ đô nước này đã tăng 39,8% kể từ tháng trước, trong đó một số loại rau ăn lá tăng hơn 50%. Chính quyền thành phố
Bắc Kinh đã cảnh báo rằng giá có thể tăng hơn nữa trong vài tuần tới, do thành phố phải tìm kiếm nguồn cung cấp rau ở xa hơn, là các tỉnh phía nam, trong khi khi nhiệt độ giảm và giá năng lượng cao thúc đẩy chi phí vận tải.
Giá sản phẩm nông nghiệp tăng mạnh đến mức Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tuần trước đã cam kết ngăn chặn hoạt động tích trữ rau quả và đảm bảo nguồn cung ổn định. Nhiều người tiêu dùng cũng phàn nàn trên mạng xã hội Weibo, nói rằng họ bị sốc vì giá cả và không còn đủ tiền để ăn rau nữa. "Rau mùi bây giờ là 17,8 nhân dân tệ một nửa kg, thực sự đắt hơn thịt lợn!" một người dùng ở tỉnh An Huy phía đông đã viết trên mạng.
Các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát tăng vọt như hiện nay chỉ là tạm thời, song không loại trừ việc giá cả có thể sẽ vẫn ở mức cao trong vài tháng cho đến khi nhu cầu giảm bớt sau dịp Tết Nguyên đán, vào tháng Hai năm 2022.
"Chúng tôi dự báo CPI sẽ tăng lên 2% trong vài tháng tới", Zhu Haibin, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc thuộc JPMorgan ở Hồng Kông, cho biết.
Giá thịt lợn giảm so với năm ngoái và nhu cầu tiêu dùng yếu đã giúp lạm phát tiêu dùng ở Trung Quốc từ đầu năm đến nay không quá cao, mặc dù giá sản phẩm tại các nhà máy (giá hàng công nghiệp) tăng chóng mặt.
Mức tăng giá tiêu dùng ở nước này tháng 10 đã chậm lại còn 0,7% , và JP Morgan dự đoán cả năm sẽ tăng 0,9%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 3%. Cá nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg thì dự đoán lạm phát của Trung Quốc năm 2021 sẽ ở mức 1,1%, năm 2022 sẽ là 2,2%.
Tờ Thời báo Chứng khoán, một tờ báo do People’s Daily quản lý, cho biết giá rau tăng mạnh sẽ có tác động đến lạm phát tiêu dùng nhưng chỉ ở mức thấp vì tỷ trọng của rau trong CPI không nhiều.
Tuy nhiên, việc giá rau tăng quá mạnh làm dấy lên lo ngại về giá lương thực vào thời điểm người tiêu dùng Trung Quốc đang phải "gồng mình" chống chọi với chi phí năng lượng - dự kiến sẽ còn tăng nữa trong mùa đông.
Giá năng lượng tăng cũng đang đẩy chi phí vận hành nhà kính lên cao, ngoài ra giá phân bón năm nay cũng tăng kỷ lục.
Xu Dan, quản lý nhà kính HortiPolaris ở Bắc Kinh, cho biết: "Giá khí đốt tự nhiên mà chúng tôi sử dụng đã tăng ít nhất 100% và chúng tôi nghĩ rằng giá có thể tăng gấp ba lần trong dịp Tết Nguyên đán", "Tôi phải tìm cách tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, vì không thể yêu cầu người tiêu dùng trả giá gấp ba lần". Giá than Trung Quốc đã tăng gần 190% trong năm nay do nguồn cung thắt chặt.
Đáng lo ngại, giá rau tăng có thể trở thành vấn đề đối với lạm phát khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang ăn nhiều trứng và thịt lợn hơn. Chính phủ Trung Quốc đặc biệt theo dõi sát sao giá thịt lợn vì thịt này là mặt hàng chủ lực và là yếu tố quan trọng quyết định đến lạm phát của người tiêu dùng.
Giá trứng và thịt lợn ở Trung Quốc tháng qua bắt đầu tăng trở lại.
Dường như đã có sự ảnh hưởng tới giá protein, với giá trứng kỳ hạn tương lai giao dịch trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7, trong khi giá lợn hơi tăng 25% trong tháng này.
Nhà phân tích He Xiaoshu của GF Securities cho biết, hiện tượng thời tiết La Nina dự kiến sẽ vào mùa đông năm nay, có nghĩa là nhiệt độ thấp hơn bình thường ở Bắc bán cầu, khiến sản xuất và vận chuyển rau quả bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nhu cầu của người tiêu dùng cũng đang tăng lên khi ngành dịch vụ phục hồi trông thấy trong thời gian gần đây, trong khi các cửa hàng và nhà hàng đang tích trữ nguyên liệu trước mùa đông.
Tham khảo: Bloomberg, Reuters, Freshplaza
Vũ Ngọc Diệp