(Tổ Quốc) - Giá thép và quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong ngày 26/5 sau khi Sở giao dịch Hàng hóa Thượng Hải tuyên bố sẽ xem xét “những giao dịch bất thường”, như một “cú đấm” bồi thêm vào thị trường này sau khi Chính phủ Trung Quốc đã có hàng loạt động thái nhằm kiềm chế lạm phát.
Giá thép thanh vằn – dùng trong xây dựng – trên sàn Thượng Hải kết thúc phiên giảm 6% xuống 4.667 CNY (729,79 USD)/tấn, sau khi có lúc trong ngày xuống chỉ 4.661 CNY, thấp nhất kể từ 24/3 (4 tuần).
Thép cuộn cán nóng cũng giảm 5,4% xuống 5.017 CNY/tấn vào cuối phiên, sau khi có thời điểm xuống chỉ 5.011 CNY.
Diễn biến này xảy ra sau khi Chủ tịch Sở giao dịch Thượng Hải, Jiang Yan, phát biểu trên một diễn đàn rằng Sở sẽ "theo dõi chặt chẽ những thay đổi của thị trường, điều tra quyết liệt những giao dịch bất thường" trong bối cảnh giá hàng hóa ở Trung Quốc có những động thái lớn gần đây.
Hoạt động bán tháo tăng mạnh vào lúc giao dịch buổi chiều, tác động đẩy giá quặng sắt – nguyên liệu chính trong sản xuất thép – giảm tiếp.
Trong khi đó, Trung Quốc đang chuẩn bị ứng phó với một mùa lũ lớn, với thực tế là 71 con sông đều đã có mức nước vượt mức cảnh báo, trong bối cảnh các cơ quan khí tượng cảnh báo tình trái đất toàn cầu nóng lên đang thúc đẩy những hiện tượng thời tiết cực đoan, thông tin từ Tân Hoa Xã đưa tin ngày 26/5.
Mấy tuần gần đây đã xảy ra mưa với mức nước nhiều kỷ lục ở một số khu vực miền Trung và Nam Trung Quốc, mặc dù tổng thể lượng mưa từ đầu năm đến nay thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ mưa, ở Trung Quốc còn đang xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, mưa đá…ở miền Nam và và nhiệt độ nóng như thiêu đốt ở miền Bắc nước này. Tất cả những diễn biến thời tiết đó đều bất lợi cho hoạt động xây dựng, làm cho tiến độ xây dựng các công trình chậm lại, từ đó có thể khiến nhu cầu thép cây giảm trong những tháng tới, gây thêm áp lực giảm giá đến sắt thép.
Trung Quốc mua khoảng 70% tổng lượng quặng sắt vận tải qua đường biển trên toàn cầu và sản xuất khoảng 1/2 sản lượng thép thế giới.
Từ đầu năm đến nay, nước này đã thu hút nhiều quặng sắt nhất có thể để có thể sản xuất lượng thép cao kỷ lục trong bối cảnh kinh tế hồi phục nhanh sau đại dịch và nhờ các biện pháp kích thích của Chính phủ.
Nhập khẩu quặng sắt vào trung Quốc 4 tháng đầu năm nay tăng 6,7% lên 381,98 triệu tấn, theo số liệu chính thức của nước này. Sản lượng thép Trung Quốc tháng 4 cũng đạt kỷ lục cao, là 97,85 triệu tấn, tăng 4,1% so với tháng 3, khiến tổng sản lượng thép 4 tháng đầu năm tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 374,56 triệu tấn, mặc dù Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố sẽ giữ sản lượng thép năm nay thấp hơn mức 1,065 tỷ tấn của năm 2020 để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Cũng khó có thể tin rằng giá quặng sắt và thép ở Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong thời gian tới nếu nước này tiếp tục sản xuất thép với tốc độ cao kỷ lục.
Tương tự như vậy, cũng khó có thể hình dung nước này đã tích tụ lượng quặng sắt nhiều như thế nào.
Số liệu của SteelHome cho thấy lượng quặng sắt đang lưu trữ tại các cảng biển Trung Quốc đã tăng lên 128,35 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 21/5, vẫn cao hơn mức 128,30 triệu của tuần trước đó, mặc dù giảm so với mức đỉnh cao của năm nay là 135,9 triệu tấn hồi tháng 4.
Lượng quặng sắt nhập khẩu lưu trữ ở cảng biển TQ
Trong khi đó, do nhu cầu mạnh từ lĩnh vực xây dựng, lượng thép thanh vằn lưu trữ ở Trung Quốc đã giảm liên tiếp trong 10 tuần qua, xuống xuống 7,24 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 21/5 và hiện thấp hơn 38% so với mức đỉnh 11,55 triệu tấn của tuần kết thúc vào 12/3.
Tình hình lưu trữ sắ thép của Trung Quốc
Những động thái gần đây Chính phủ Trung Quốc tuyên bố trên thực tế nhằm tăng cường giám sát giao dịch và cố gắng quản lý lượng hàng hóa tích trữ, cùng với nỗ lực của các sàn giao dịch nhằm tăng chi phí giao dịch để hạ nhiệt cơn sốt giá cả, hay nói cách khác là nỗ lực điều khiển giá hàng hàng hóa theo sự mong muốn của mình.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chiến thuật này sẽ hoạt động trong bao lâu nếu các yếu tố cung – cầu trên thị trường vẫn có lợi cho giá tăng?
Vấn đề nguồn cung liên quan đến nhu cầu sắt thép trên thế giới
Có nhiều yếu tố khác nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc, bao gồm nhu cầu quặng sắt tăng ở các nhà nhập khẩu khác và các vấn đề liên quan đến nguồn cung, đặc biệt là từ nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới là Brazil.
Nhật Bản, nước mua quặng sắt lớn thứ hai ở châu Á, đã nhập khẩu 8,99 triệu tấn trong tháng 4, cao nhất kể từ tháng 9/2019, theo dữ liệu của Refinitiv.
Hàn Quốc, nhà nhập khẩu lớn thứ ba ở châu Á, đã nhập khẩu 6,79 triệu tấn trong tháng 4. Con số này đã giảm so với mức 7,32 triệu một tháng trước đó, nhưng nhập khẩu trong tháng 3 đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2015 và thậm chí lượng nhập trong tháng 4 còn cao hơn hơn bất kỳ tháng nào kể từ tháng 1/2020 trở đi, ngoại trừ tháng 3 và tháng 11 năm 2020.
Trong khi đó, nhập khẩu quặng sắt của Châu Âu qua đường biển đã tăng lên 8,71 triệu tấn trong tháng 4, cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái và đánh dấu tháng tăng thứ 3 liên tiếp.
Về nguồn cung, dữ liệu của Refinitiv cho thấy Brazil đã xuất khẩu 25,75 triệu tấn quặng sắt trong tháng 4, giảm so với mức 27,54 triệu của tháng 3 và thấp hơn nhiều so với mức 34-35 triệu tấn mỗi tháng đạt được trong tháng 8 và tháng 9 năm ngoái.
Nhà xuất khẩu hàng đầu Australia đã xuất khẩu 71,28 triệu tấn trong tháng 4, giảm so với mức 76,73 trong tháng 3 do một cơn lốc xoáy tấn công khu vực sản xuất chính ở bang Tây Australia. Dự đoán sản xuất quặng sắt ở khu vực này sẽ phục hồi, nhưng khối lượng hiện tại vẫn thấp hơn một chút so với công suất hàng tháng là trên 80 triệu tấn.
Nhìn chung, khi kết hợp tất cả các yếu tố liên quan đến nhau mới thấy rằng thật khó để thấy có thể chắc chắn rằng giá quặng sắt vận chuyển qua đường biển sẽ giảm bền vững.
Để giá quặng sắt giảm lâu dài, nguồn cung phải trở về mức tối đa và Trung Quốc phải giảm sản lượng thép thực sự. Trong khi đó, ẩn số vẫn là nhu cầu thép của các nước khác trên thế giới ngoại trừ Trugn Quốc, trong khi những gì chúng ta chứng kiến từ đầu năm đến nay cho thấy kinh tế toàn cầu có vẻ đang tăng trưởng rất vững chắc.
Tham khảo: Refinitiv, Mysteel, Steelorbis
Vũ Ngọc Diệp