(Tổ Quốc) - Giá dầu thế giới đã tăng gần 2% trong phiên 4/5 sau khi nhiều bang của Mỹ nới lỏng lệnh phong tỏa và Liên minh Châu Âu nỗ lực thu hút khách du lịch, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ tăng vọt đã cản trở đà đi lên của giá dầu.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến càng củng cố niềm tin rằng nhu cầu dầu mỏ đang hồi phục nhanh.
Kết thúc phiên 4/5, giá dầu Brent ở mức 68,88 USD/thùng, tăng 1,32 USD (1,95%); trong phiên có lúc giá tăng 1,8 USD lên 69,36 USD/thùng.
Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) phiên này tăng 1,2 USD (1,86%) lên 65,69 USD/thùng; trong phiên có lúc giá tăng 1,65 USD (2,56%) lên 66,14 USD/thùng.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group ở Chicago cho biết: "Thị trường lạc quan bởi số người di chuyển bằng đường hàng không giữa Mỹ và Châu Âu tăng mạnh".
Nhu cầu nhiên liệu bay là chỉ báo quan trọng về tình hình dịch Covid-19. Trong thời gian qua, nhu cầu nhiên liệu của lĩnh vực hàng không, bao gồm cả máy bay phản lực, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, kéo theo sự sụt giảm của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Các nhà phân tích cho biết giá dầu đang được hỗ trợ tích cực bởi triển vọng nhu cầu nhiên liệu tăng lên khi các bang New York, New Jersey và Connecticut mở cửa trở lại và EU có kế hoạch mở cửa cho những du khách nước ngoài đã được tiêm chủng.
Ngay tại Việt Nam, trong dịp lễ 30/4 vừa qua, đánh giá sơ bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy lượng xe tính chung trên các tuyến cao tốc, quốc lộ đã tăng 15% so với dịp lễ năm trước. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội ước tính lượng khách trong các ngày cao điểm tại các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình và Gia Lâm có thể tăng tới 200% vào các ngày cao điểm của dịp nghỉ lễ. Hoạt động đi lại gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu xăng dầu tăng theo.
Sức mạnh của thị trường chứng khoán phiên liền trước đã được thể hiện trên thị trường dầu mỏ phiên vừa qua, đều phản ánh việc thị trường tập trung vào việc Mỹ và các nước phát triển khác triển khai thành công các chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 chứ không mấy để tâm đến việc virus đang tàn phá Ấn Độ và Brazil.
Tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ đã vượt 20 triệu người với 300.000 người nhiễm mới. Là nước nhập khẩu nhiên liệu lớn thứ 3 thế giới, dịch bệnh gia tăng ở Ấn Độ có thể tác động đến nhu cầu nhiên liệu không chỉ ở nước đông dân thứ 2 thế giới này mà còn tới toàn cầu.
Các nhà kinh doanh dầu mỏ càng được khích lệ khi thấy thêm những bằng chứng khác cho thấy nhu cầu dầu thô của Mỹ đang tăng. Dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) công bố cho thấy tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào 30/4 đã giảm 7,7 triệu thùng; tồn trữ xăng giảm 5,3 triệu thùng và tồn trữ sản phẩm chưng cất giảm 3,5 triệu thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố số liệu của mình vào hôm nay 5/5.
Mức giảm tồn trữ dầu của Mỹ như vậy là mạnh hơn nhiều so với ước tính của các chuyên gia. Kết quả thăm dò của Reuters trước khi API công bố số liệu cho thấy họ dự đoán tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần qua giảm 2,2 triệu thùng, sau khi tăng trong 2 tuần liền trước đó.
Kết quả thăm dò cũng cho thấy, tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các nhà máy lọc dầu tuần qua ước tính tăng 0,5 điểm phần trăm, so với mức 85,4% của tuần kết thúc vào 23/4.
Đồng USD tiếp tục yếu đi, sau khi Mỹ công bố số liệu tích cực về tăng trưởng sản xuất của nước này, cũng góp phần đẩy giá dầu tăng lên bởi USD giảm khiến dầu trở nên rẻ đối với những nhà đầu tư sử dụng các loại tiền tệ khác ngoài USD.
Nhà phân tích năng lượng Louise Dickson của Rystad cho biết: "Dự báo nhu cầu dầu mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021 đang tạo tâm lý lạc quan cho các nhà giao dịch và giữ giá dầu tiếp nối đà tưng, kể cả trong thời điểm khủng hoảng, chẳng hạn như tình trạng ở Ấn Độ gần đây". Theo ông Dickson: "Trên thực tế, nhìn vào triển vọng thị trường có thể thấy giá dầu sẽ tăng trở lại mức trên 70 USD/thùng trong những tháng tới, trừ khi OPEC có sự thay đổi lớn về chính sách sản lượng".
Mỹ và Trung Quốc là hai nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới. Khoảng 1/3 cư dân Mỹ đã được tiêm đầy đủ vắc-xin Covid-19.
Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tháng 2 và 3 vừa qua đạt mức cao kỷ lục so với cùng tháng các năm trước do doanh số bán ô tô tăng, sự hồi phục của lĩnh vực du lịch và lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ.
Giá dầu Brent đã tăng gần 30% trong năm nay, hồi phục mạnh mẽ từ mức thấp lịch sử hồi năm ngoái, nhờ OPEC kiềm chế sản lượng và kinh tế nhiều nơi trên thế giới hồi phục sau đại dịch.
Tham khảo: Reuters
Vũ Ngọc Diệp