(Tổ Quốc) - Giá xăng đã trải qua 6 lần tăng liên tiếp trong 6 kì điều chỉnh giá xăng dầu gần đây. Các chuyên gia đánh giá đà tăng có thể sẽ còn kéo dài, vì vậy những giải pháp đến từ cơ quan quản lí, người dân và doanh nghiệp là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Mới đây nhất trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 13/6, giá xăng đã có lần tăng thứ 6 liên tiếp, theo đó mức giá bán lẻ được áp dụng như sau:
Xăng E5RON92: không cao hơn 31.117 đồng/lít, xăng RON 95 không cao hơn 32.575 đồng/lít, dầu diesel không cao hơn 29.020 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 27.839 đồng/lít, dầu mazut không cao hơn 20.357 đồng/kg.Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ chi quỹ bình ổn với xăng là 100-200 đồng/lít, còn với các loại dầu là 300-400 đồng/lít.
Diễn biến giá xăng trong 5 lần điều chỉnh gần nhất. Nguồn: PVoil
Theo lí giải của Bộ Công Thương, giá xăng kéo dài đà tăng là bởi giá dầu trên thế giới liên tục biến động mạnh, nhu cầu xăng dầu tăng cao khi các hoạt động sản xuất kinh doanh trên khắp thế giới hồi phục sau dịch bệnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc khi bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Trong khi đó nguồn cung cho thị trường tiếp tục bị cản trở bởi việc thống nhất trong liên minh Châu Âu về việc tiếp tục gia tăng trừng phạt lên mức 90% sản lượng xăng dầu từ Liên bang Nga. Tồn kho dầu tại Mỹ vẫn ở mức thấp; OPEC gia tăng sản lượng nhưng ở mức thấp, không đủ bù đắp nguồn cung giảm từ Liên bang Nga.
Theo giới phân tích, cần có những giải pháp để kìm lại đà tăng của giá xăng bởi giá xăng lên cao đang gây sức ép lên lạm phát.
Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT, đã đưa ra một số phân tích và đề xuất cho các cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng tăng cao kỷ lục.
Về phía cơ quan quản lý: Theo Tiến sĩ, hạ nhiệt giá xăng bằng giải pháp tạm thời là giảm các loại thuế (thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt). Đặc biệt không nên trợ giá xăng dầu vì đây là một giải pháp không tối ưu. Nên giảm các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết để cân đối lại ngân sách.
Về phía người dân: Mỗi người dân cần lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng và chỉ chi tiêu vào những mục đích thực sự cần thiết. Bên cạnh đó cần bảo vệ tài sản và tiền bạc của mình để vượt qua thời kỳ lạm phát. Tránh đầu tư dàn trải cũng như tránh đi vay bởi sẽ làm tăng áp lực và gánh nặng trả nợ.
Về phía doanh nghiệp: Doanh nghiệp cần kiểm soát việc chi tiêu và có chính sách điều chỉnh giá cả linh hoạt. Cần xem xét tập trung vào những sản phẩm có biên lợi nhuận cao trong thời kỳ lạm phát. Sử dụng các loại nguyên vật liệu đầu vào rẻ hơn để thay thế và phía doanh nghiệp cũng cần tránh đi vay và đầu tư dàn trải.
Huyền Như