(Tổ Quốc) - Lợi nhuận các doanh nghiệp thủy sản trong 3 tháng đầu năm có bước tăng trưởng được tính bằng lần, nhiều đơn vị lập mốc kỷ lục nhờ nhu cầu tăng cùng giá bán.
Theo VASEP, tháng 3 năm 2022, cả thế giới nóng lên vì cuộc xung đột Nga – Ukraina vô cùng căng thẳng. Thương mại thủy sản toàn cầu cũng bị ảnh hưởng khi giá xăng dầu tăng, cước vận tải biển, chi phí logistic đội lên mỗi ngày mỗi cao hơn. Tuy nhiên, XK thủy sản của Việt Nam trong tháng 3 vẫn ghi nhận trên 1 tỷ USD - mức cao kỷ lục cho riêng tháng cuối quý 1 của mọi năm.
Quý đầu năm XK thủy sản của cả nước đã mang về trên 2,5 tỷ đô la, tăng gần 46% so với Quý I năm 2021. Trong đó, tôm chiếm 38% với gần 955 triệu đô la. Cá tra chiếm 26% với 654 triệu đô la. Với 259 triệu USD, cá ngừ chiếm trên 10%. Các loại nhuyễn thể, bao gồm mực bạch tuộc và nhuyễn thể có vỏ chiếm 7,5% với 189 triệu đô la. Các loại cá biển khác chiếm 17% với 421 triệu đô la.
Trong tháng 3, XK thủy sản sang Nga giảm sâu 86% nhưng bù lại, XK sang các thị trường khác đều tăng trưởng đột phá từ 30 - 88%. Nhờ đó, XK thủy sản sang các thị trường chính trong quý I đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt.
Doanh thu các doanh nghiệp trong ngành thủy sản đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ quý 1 năm ngoái, nguyên nhân do tăng sản lượng và tăng giá.
Tổng hợp từ số liệu BCTC hợp nhất của các DN
Sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ đều có sự tăng trưởng mạnh
Dù bị ảnh hưởng bởi chính sách chống dịch hà khắc zero Covid của Trung Quốc, XK thủy sản Việt Nam sang thị trường này vẫn hồi phục mạnh nhất trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm với mức tăng trưởng gần 90% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam XK thủy sản sang Trung Quốc với khối lượng gần 200 nghìn tấn trong 3 tháng đầu năm nay. Cá tra chiếm trên 50% kim ngạch XK thủy sản sang Trung Quốc - Hồng Kông, và tăng gấp hơn 2,5 lần so với quý I năm ngoái. Mặt hàng tôm chiếm 29% XK sang Trung Quốc và HK, tăng gần 70%.
Ngoài Trung Quốc thì thị trường Mỹ vẫn giữ ngôi vị thứ nhất chiếm 23% kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam trong quý đầu năm và duy trì tăng trưởng cao thứ 2: tăng 72% trong quý I.
XK tất cả các sản phẩm chủ lực sang Mỹ trong quý I đều tăng từ 45% đến 125% so với cùng kỳ năm ngoái. XK cá tra vẫn tăng mạnh nhất với 124%. Cá ngừ cũng là mặt hàng có tăng trưởng mạnh 3 con số và chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 sang thị trường Mỹ
Giá trung bình các mặt hàng xuất khẩu đều tăng
Theo VASEP, giá trung bình XK cá tra sang Mỹ 3 tháng đầu năm nay tăng mạnh gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,62 USD/kg.
Giá trung bình tôm XK sang thị trường này trong quý I đạt trên 12 USD 1kg, tăng gần 20%. Còn giá trung bình cá ngừ XK là 10,2 USD/kg, tăng 17%.
Với thị trường Trung Quốc, giá trung bình XK cá tra trong 3 tháng đầu năm nay đạt trên 2,5 USD/kg, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tôm trung bình XK sang Trung Quốc quý I năm nay đạt 8,64 USD/kg, tăng 36%.
Ngoài ra, XK các sản phẩm chủ lực sang các thị trường khác tăng cũng nhờ giá trung bình XK cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ví dụ, giá tôm TB XK sang Nhật tăng 3%, sang Đức tăng 6%. Giá trung bình cá tra sang Đức tăng 43% đạt 3,67 USD/kg...
Giá nguyên liệu cá tra trong nước đến nay cũng tăng mạnh 40% so với hồi đầu năm, cùng với các yếu tố tác động khác như chi phí đầu vào, giá thức ăn, chi phí hậu cần, vận tải tăng sẽ tiếp tục tác động việc tăng giá XK cá tra cũng như tôm và các sản phẩm khác trong những tháng tới. Do vậy, dự báo giá trị XK TS quý II tiếp tục tăng tới khoảng 2,8 – 2,9 tỷ đô la, tăng khoảng 23-24% so với quý II năm ngoái.
Nhờ việc tăng giá bán, biên lợi nhuận gộp của các DN ngành thủy sản đa phần có cải thiện tích cực so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng hợp từ số liệu BCTC hợp nhất của các DN
Nhờ tăng trưởng về sản lượng và giá bán, lợi nhuận sau thuế của rất nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản có sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ. Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) có sự tăng trưởng đến 4,2 lần so với cùng kỳ, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) báo lãi tăng hơn 5,7 lần cùng kỳ, đạt mức cao nhất trong một quý tính từ quý IV/2018 đến nay.
Kết quả kinh doanh thăng hoa nhất ngành thủy sản thuộc về Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (IDI). Quý đầu năm, công ty có lãi sau thuế hơn 200 tỷ đồng, đạt mốc kỷ lục lợi nhuận quý cao nhất kể từ khi công bố thông tin vào 2010.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn có lãi thêm từ việc cơ cấu hàng bán và doanh thu hoạt động tài chính. Kỳ này, Công ty cổ phần Nam Việt (NAV) ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn một nửa, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng và chênh lệch tỷ giá phát sinh. Ngoài ra trong bối cảnh giá nguyên liệu và cước tàu tăng, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) có lãi tăng trưởng còn nhờ dự trữ trước nguyên liệu và ký hợp đồng có dự tính biến động giá cước tàu.
Tổng hợp từ số liệu BCTC hợp nhất của các DN
An Vũ