(Tổ Quốc) - Tiền thân là Công ty Tài chính cổ phần Dệt May Việt Nam thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam. Năm 2015, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam mua lại và chính thức chuyển đổi tên thành Công ty TNHH Một thành viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (FCCOM). MSB đã có ý định bán FCCOM từ lâu nhưng chưa thành công.
Từ quý IV/2021, trong buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích và nhà đầu tư để chia sẻ kết quả kinh doanh 9 tháng và kế hoạch dài hạn, khi nhắc đến nội dung về bán toàn bộ 100% vốn Công ty Tài chính FCCOM, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) cho biết ngân hàng đang tiếp xúc với 2-3 nhà đầu tư và đang tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng trong tháng 11/2021.
"Nếu đạt kỳ vọng và không có gì thay đổi, ngân hàng sẽ hoàn tất chuyển nhượng trong năm sau và ghi nhận lợi nhuận", ông Linh nói. Giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và MSB có thể thu về 1.800 - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022.
Đây cũng không phải lần đầu tiên MSB bày tỏ kế hoạch muốn bán FCCOM. Từ năm 2019, dư luận từng xôn xao trước tin Hyundai Card, công ty phát hành thẻ tín dụng của hãng chế tạo ô tô Hàn Quốc Hyundai Motor công bố sẽ mua lại 50% cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) với giá 49 tỷ won (tương đương 42 triệu USD). Tuy nhiên đến nay thương vụ đã chính thức đổ bể.
Vài ngày trước, trong tài liệu họp ĐHĐCĐ, MSB đã đưa ra tờ trình vv Thoái vốn của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam tại công ty con - FCCOM. Theo đó, MSB tìm kiếm đối tác chiến lược với 2 phương án (i) chuyển nhượng 1 phần vốn tại FCCOM (ii) chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn ở FCCOM để tập trung cho hoạt động kinh doanh chính.
Như vậy, phương án bán một phần hay bán đứt FCCOM vẫn chưa chính thức được định đoạt.
Miếng bánh thị phần của các công ty tài chính tiêu dùng, không dễ ăn?
Tính đến hết năm 2021, FCCom có 23 điểm giới thiệu dịch vụ (POS), 13.000 khách hàng đa phần là nông dân, tiểu thương kinh doanh, cá nhân nhỏ lẻ.
Các sản phẩm cho vay chính của công ty: Cho vay tiêu dùng có sở hữu bất động sản, cho vay có dư nợ thế chấp bất động sản, cho vay tiêu dùng thông thường, cho vay có nguồn thu từ lương, cho vay tiêu dùng siêu nhanh, cho vay khách hàng hiện hữu, cho vay thế chấp bằng giấy tờ có giá và cho vay khác,..
FCCOM có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng do MSB sở hữu 100%. Kết thúc năm 2021, FCCOM ghi nhận mức tổng dư nợ rất khiêm tốn 358 tỷ đồng với doanh thu 151 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mang tính tượng trưng, chỉ vỏn vẹn 0,98 tỷ đồng.
Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp, lợi nhuận của FCCOM đi lùi, không những vậy, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng ở mức rất thấp. Lợi nhuận sau thuế cao nhất công ty ghi nhận được là 5,1 tỷ đồng vào năm 2019, khi ấy, ROE tính ra cũng chưa được đến 1%.
Nếu so sánh về lợi nhuận sau thuế năm 2020 của nhóm các Công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, hiệu quả kinh doanh của FCCOM chỉ đang dừng ở mức không bị lỗ.
Trước đây vài năm thị trường cho vay tài chính tiêu dùng trong nước áp đảo bởi 3 doanh nghiệp lớn với khoảng 75% thị phần là FE Credit, HD Saison và Home Credit.
Sự tham gia của các công ty tài chính có 100% vốn đầu tư nước ngoài như Shinhan Finance, Lotte Finance, TC Toyota Việt Nam,... góp phần gia tăng sự cạnh tranh cho thị trường, cũng đồng thời chứng tỏ các quỹ ngoại và nhà đầu tư nước ngoài khá quan tâm đến lĩnh vực này.
Theo số liệu thống kê đến cuối 2020, dư nợ ngành cho vay tài chính tiêu dùng chiếm 20% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Các dự báo cho thấy còn nhiều dư địa cho ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam phát triển trong giai đoạn tới khi đây vẫn là một kênh cho vay linh động đối với các nhu cầu cá nhân tiêu dùng như sửa chữa nhà, mua sắm vật dụng,...
Được đánh giá còn tiềm năng nhưng việc gia nhập ngành gặp phải rào cản không đơn giản về mặt giấy phép, thủ tục thành lập,... nên phương án MA (mua lại và sáp nhập) được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng.
Một chuyên gia trong ngành chia sẻ với chúng tôi: "Miếng bánh thị phần trong ngành này còn có thể chia lại, nhưng để làm tốt không chỉ đầu tư về tiền bạc. Yếu tố con người, công nghệ rất quan trọng. Nhìn vậy thôi, để set up một bộ máy hiệu quả rất vất vả..."
MSB hiện nay cho thấy họ đang duy trì hoạt động của FCCOM ở mức thu đủ bù chi, bên cạnh đó tích cực tìm kiếm đối tác để bán lại "đứa con" này. Với lĩnh vực nhiều rủi ro như cho vay, nếu không thể đầu tư nguồn lực để làm tốt thì duy trì trạng thái "an toàn" cũng là cách để công ty dễ định giá hơn, khi người mua không phải "dọn dẹp" hậu quả của nợ xấu.
An Vũ