(Tổ Quốc) - Sau Covid-19, ngành sản xuất chip đã có nhiều thay đổi cốt lõi: nhà máy trở nên đắt đỏ hơn, các ông lớn như Intel phải phân tán chuỗi sản xuất ra khắp thế giới... Dạo gần đây, lạm phát tăng cao đã khiến người dân châu Âu giảm nhu cầu mua máy tính – laptop, vô tình giảm áp lực cho khủng hoảng thiếu chip; tuy nhiên, phải đến năm 2025, thì tình trạng này mới được cải thiện.
Cách đây chưa lâu, ông Cekiel Danielson – Giám đốc bán lẻ Intel châu Á đã có chuyến công du đến Việt Nam. Nhân dịp này, vị lãnh đạo cao cấp ở thị trường châu Á của Tập đoàn Intel, đã dành cho chúng tôi một bài phỏng vấn thú vị về vài trò của nhà máy của Intel tại Việt Nam, về tình trạng thiếu chip trầm trọng của thị trường, về cả tương lai của Intel và thị trường nói chung trong vài năm tới.
VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA NHÀ MÁY TẠI VIỆT NAM
Lý do khiến ông quay trở lại Việt Nam là gì?
Lần cuối cùng của tôi ở đây là khi chúng tôi ra mắt thế hệ thứ 10 của bộ vi xử lý lõi Intel và bây giờ chúng tôi đang ra mắt thế hệ thứ 12. Thực ra tôi không muốn phải qua 2 thế hệ vi xử lý của Intel mới quay lại Việt Nam. Lý do cơ bản là vì đại dịch; còn lý do chính là vì chúng tôi thường có một sự kiện rất lớn dành cho các đối tác mang tên Hội nghị dành cho các nhà quản lý bán lẽ - The Retail Executive Conference.
Theo thông lệ, Intel sẽ chọn một vị trí trong khu vực và mời tất cả đại diện các nước trong khu vực qua tham dự. Chẳng hạn như đại hội lần trước là tại Hà Nội và mời đại diện từ bên Úc, Ấn, Hàn, Nhật. Thông thường chỉ cần một năm một lần thôi.
Nhưng năm nay, ở châu Á, vì lý do đại dịch, tôi đã di chuyển qua hơn 11 thành phố trong 4 tuần qua để tham gia những sự kiện này ở mỗi thành phố khác nhau. Mặc dù rất bận rộn nhưng tôi cũng rất hào hứng khi được di chuyển và gặp gỡ các đối tác trực tiếp.
Ông có đề cập là số hoá và chất bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung. Vậy thời điểm mà cả thế giới đối diện với vấn đề thiếu chip thì cảm giác của Intel là gì? Và đâu là nỗ lực mà ông cảm thấy phi thường nhất từ phía Intel để giải quyết được vấn đề đó?
Cách đây vài tuần, thì CEO của Intel là ông Pat Gelsinger có về Việt Nam. Một phần rất quan trọng trong chiến lược của Pat, được gọi là IDM 2.0 – tức chiến lược "sản xuất thiết kế tích hợp thế hệ thứ hai".
Vẻ đẹp của việc trở thành một nhà sản xuất thiết kế tích hợp là chúng tôi có khả năng tự làm chủ vận mệnh của mình và có khả năng phản ứng linh hoạt hơn với những thay đổi khác nhau xảy ra trong nguồn cung, so với một công ty phải phụ thuộc vào một bên nào đó khác trong quá trình sản xuất.
Chỉ tính riêng ở Mỹ, việc thiếu hụt chất bán dẫn mà chúng ta đã nghe những năm qua đã có thiệt hại được ước tính lên đến 240 tỷ USD. Xu hướng số hoá của chúng ta ngày càng nhiều thì tăng trưởng của chất bán dẫn cũng ngày càng tăng cao.
Và chúng ta cũng thấy: sự hiện diện của bán dẫn cũng ngày càng gia tăng trong cuộc sống, càng khẳng định thêm nhu cầu của chất bán dẫn là rất lớn. Chiến lược của chúng tôi là đầu tư vào sự phát triển đó.
Năm nay, cụ thể là chúng tôi đã đầu tư rất mạnh tay vào hai nhà máy mới tại bang Arizona với con số là 20 tỷ USD. Chúng tôi đã xây dựng nhà máy sản xuất chip ở một tiểu bang khác có tên là Ohio - Mỹ, đây là một khoản đầu tư trị giá 20 tỷ USD khác.
Chúng tôi cũng vừa thông báo về việc xây một nhà máy khác ở Magdeburg - Đức, cũng như khoản đầu tư khác lên đến vài tỷ đô để xây dựng những nhà máy mới tại đây.
Còn ở Việt Nam, trong năm ngoái, chúng tôi cũng đầu tư thêm vào đây khoảng 475 triệu USD và xây dựng một nhà máy mới ở Malaysia, với tổng cộng là 7 tỷ USD đầu tư mới.
Như vậy, Intel đã đầu tư khoảng 100 tỷ USD để phát triển thêm năng lực của nhà máy, đáp ứng được sự bùng nổ nhu cầu chất bán dẫn. Thực sự đây là một vị thế rất vô song, vì không có một công ty nào trong ngành có thể đầu tư mạnh tay như vậy.
Trên thị trường, khi số hoá nhiều hơn thì nhu cầu với chất bán dẫn sẽ ngày càng tăng. Còn Intel lại nắm một vị thế hết sức độc đáo khi chúng tôi có thể đáp ứng được nhu cầu của sự gia tăng này, thông qua các khoản đầu tư mạnh tay để có thể tạo ra một nguồn cung lớn và bền vững.
Các công nhân trong nhà máy Intel Products Vietnam.
Ông có đề cập đến các khoản đầu tư lớn vào Việt Nam - 475 triệu USD trong năm 2021. Vậy ông có thể cho biết về vai trò của nhà máy Intel Products Vietnam (IPV) tại Việt Nam trong cuộc khủng hoảng chip?
Intel Products Vietnam (IPV) là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới Intel. Với hơn 2.800 nhân viên và nguồn đầu tư 1,5 tỷ USD, đây là công ty công nghệ cao lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam.
Intel Products Vietnam chính là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới nhà máy của Intel. Vào cuối năm 2021, IPV cũng đánh dấu cột mốc: khi đã vận chuyển hơn 3 tỷ đơn vị sản phẩm cho khách hàng trên toàn thế giới, kể từ khi chúng tôi bắt đầu hoạt động cách đây 15 năm.
Ngoài ra, một trong những điểm độc đáo mà chúng tôi đã làm được, như CEO Pat cũng có chia sẻ lúc đến thăm Việt Nam: khi nói đến sự thiếu hụt chip thì một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu hụt chất nền.
Để khắc phục điều này, chúng tôi đã cải tạo không gian nhà máy, trang bị thêm các công cụ mới cũng như sắp xếp, rà soát lại quy trình để có thể thực hiện lắp ráp các thành phần ngay trên chất nền. Lúc trước, giai đoạn này sẽ thực hiện ngoài nhà máy. Vì vậy, thành tựu này của IPV đã giúp tập đoàn tăng sản lượng chất bán dẫn và tăng thêm hàng triệu đơn vị công suất.
CUỘC KHỦNG HOẢNG CHIP TRÊN THẾ GIỚI SẼ KÉO DÀI THÊM VÀI NĂM NỮA
Khủng hoảng thiếu hụt chip đã diễn ra trong 2 năm. Theo ông, sắp tới, việc thiếu hụt chip sẽ diễn biến như thế nào? Và giá sản xuất chip có bị đội lên so với trước nhiều, nếu so với thời điểm trước đại dịch?
Đúng là hiện giờ chi phí sản xuất chip có tăng lên. Ngày trước khi tôi còn trẻ, một nhà máy đúc chip sẽ tốn 3-6 tỷ USD đầu tư, còn bây giờ là 10-20 tỷ USD, nghĩa là rất đắt đỏ.
Chiến lược của chúng tôi là đảm bảo rằng Intel đang đầu tư để giúp khách hàng đủ điều kiện phát triển cuộc sống tốt hơn. Chúng tôi không muốn làm chậm sự phát triển của khách hàng, vì cuộc sống ngày càng được số hoá nhiều hơn, thì càng phụ thuộc vào chất bán dẫn nhiều hơn.
Các đối tác của chúng tôi cũng không thể phát triển nếu không có sự phát triển của Intel. Chúng tôi phải tiến hành đầu tư trước khi họ tăng trưởng, để đảm bảo rằng chúng tôi có đủ năng lực tạo ra các sản phẩm mà họ sẽ cần trong tương lai.
Cekiel Danielson – Giám đốc bán lẻ Intel châu Á
Chi phí đầu tư và sản xuất tăng lên là điều hiển nhiên. Nhưng cuối cùng giá thành của một con chip Intel hiện tại khi bán ra thị trường có tăng lên hay không, nếu so với thời điểm trước đại dịch?
Tôi không làm việc sát sườn với phòng tài chính nên không thể cho bạn được một con số chính xác. Nhưng với vai trò là công ty chuyên về chất bán dẫn, chúng tôi có nhiều chiến lược giảm thiểu việc tăng giá này, bằng việc duy trì tối đa công suất vận hành nhà máy.
Việc đúc hàng triệu con chip với 100% công suất sẽ tiết kiệm được chi phí vận hành nhiều hơn, so với việc chỉ chạy được 50% công suất. Nếu các nhà máy của chúng tôi chỉ hoạt động với một nửa công suất, thì chi phí của chúng tôi sẽ tăng lên đáng kể.
Đại dịch đã phần nào được khống chế, chuỗi cung ứng cũng dần hoạt động trở lại, nhưng thế giới đang chứng kiến biến động giữa Nga và Ukraine. Vậy ngành sản xuất chip có quay trở lại và cung cấp đủ như trước đây không? Nếu có thì vào lúc nào?
Do khủng hoảng toàn cầu nên nguồn cung chip sẽ thông thoáng hơn. Ý tôi muốn nói là: thị trường châu Âu đã có một sự gián đoạn đáng kể do xung đột hiện nay. Vì một số khủng hoảng đã gây ra gián đoạn tiêu dùng ở châu Âu nên nhu cầu về PC - máy tính để bàn, tại các khu vực này giảm đi, dẫn đến nguồn cung chip tốt hơn. Lạm phát cũng đang diễn ra tại Mỹ, khiến nhu cầu PC giảm đi một ít.
Nhìn chung, khi nhu cầu ở một số khu vực giảm đi, các nơi khác sẽ nhận được nguồn cung nhiều hơn.
Để trả lời cho câu hỏi "nguồn cung chip đã thật sự đỡ căng thẳng chưa?", đáp án sẽ là "chưa". Vì rất nhiều linh kiện, thiết bị để sản xuất chip vẫn là tại Trung Quốc, nhưng hiện giờ Trung Quốc đang phong tỏa, đồng thời, nhiều nhân viên của chúng tôi cũng đã phải ở trong nhà 2 tháng liền. Cho nên đây vẫn là một thách thức toàn cầu!
Việc sản xuất tại các nhà máy của Intel ở Trung Quốc vẫn chưa thể quay trở lại như trước Covid-19. Ảnh minh họa: Venturebeat.com
Chúng ta đang nói về chất bán dẫn sử dụng trong PC nhưng thật ra thì chất bán dẫn cũng được sử dụng trong rất nhiều thiết bị khác nữa. Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về chất bán dẫn, chủ yếu là trong ngành xe hơi.
Cho nên, cuộc khủng hoảng này có thể kéo dài vài năm nữa. Năm 2023, 2024 cũng sẽ có thách thức về nguồn cung chip. Trên thực tế, những nhà máy mới mà chúng tôi đã đầu tư mạnh tay phải đến năm 2025 mới đi vào hoạt động, lúc đó có thể tình hình sẽ tốt hơn.
Tóm lại, tình trạng thiếu hụt chip sẽ được cải thiện, nhưng chúng ta vẫn còn rất nhiều thách thức trước mắt cũng như trong một vài năm tới.
Dù tính trạng thiếu hụt chip đang được cải thiện nhưng các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, Digiworld vẫn nhập hàng về rất nhiều. Họ chấp nhận thời gian tồn kho dài hơn vì họ sợ thiếu hụt hàng để bán, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Trong những năm qua, chúng ta đã thấy tình trạng thiếu nguồn cung trong ngành. Với các nhà bán lẻ, họ thật sự không cần phải bỏ công sức để bán hàng, họ chỉ cần nguồn cung, vì ai cũng cần PC. Về cơ bản, chỉ cần có nguồn cung là họ sẽ bán được hàng. Vì vậy, công ty nào nắm bắt thị trường nhanh chóng thì sẽ làm chủ được cuộc chơi.
Tôi cho rằng, khách hàng cần nhận ra thời điểm nào việc hạn chế nguồn cung đã được giải quyết để có chiến lược cân bằng, quay lại với việc bán hàng và quảng bá, thu hút nhiều người đến cửa hàng của mình hơn.
Cảm ơn ông rất nhiều!
Quỳnh Như