Nhờ công nghệ, thanh toán không tiền mặt ngày càng trở nên thông dụng. Tuy nhiên, kéo theo đó cũng là sự gia tăng của những hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền, ăn theo tiện ích của hình thức thanh toán này.
Sự phát triển không ngừng của các phương tiện, ứng dụng thanh toán mới, hình thức thanh toán trực tuyến đã trở nên phổ biến với nhiều lứa tuổi, ngành nghề trong xã hội. Theo số liệu được ông Phạm Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" , hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh mẽ với hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với hơn 87% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Đặc biệt, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh di động và QR code tăng trưởng nhanh chóng.
Hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" nằm trong khuôn khổ chương trình "Ngày không tiền mặt 2024", do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Napas, Sở Công thương TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức.
Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán trình bày tham luận
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, với tổng số tiền hơn 3.000 tỷ đồng. Trong năm 2023, 99,9% các giao dịch thu - chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.. Thống kê của ngành thuế, hơn 99% doanh nghiệp đang hoạt động đã thực hiện giao dịch nộp thuế điện tử.
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính - phát biểu tại hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt".
Là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, TP.HCM xác định giao dịch không tiền mặt là nhiệm vụ trọng tâm. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết từ năm 2020, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy. Hiện nay, 100% bệnh viện công, 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị và 48 trung tâm thương mại đã áp dụng thanh toán không tiền mặt. Tỷ lệ cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt trên 30%.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ngành Ngân hàng cũng đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức lớn về an ninh và bảo mật. Theo số liệu ghi nhận từ Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.
Tại hai phiên hội thảo, các chuyên gia và khách mời đã tập trung thảo luận về các giải pháp nâng cao bảo mật trong giao dịch ngân hàng.
Phiên 1 với chủ đề "Nâng cao khả năng bảo mật cho các ngân hàng" bàn về an ninh, bảo mật trong giao dịch không dùng tiền mặt; thực trạng và chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng; và rủi ro gian lận trong thanh toán số trên thế giới cùng bài học cho Việt Nam.
Trong hai phiên của hội thảo, các chuyên gia thảo luận về các giải pháp tăng cường bảo mật trong giao dịch ngân hàng.
Phiên 2 với chủ đề "Nâng cao khả năng bảo mật cho giao dịch cá nhân" thảo luận về ứng dụng AI để phòng ngừa rủi ro trong thanh toán trực tuyến; giải pháp công nghệ cho bảo mật giao dịch ngân hàng; và việc triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khuôn khổ chương trình "Ngày không tiền mặt 2024", chiều cùng ngày, Lễ hội Ngày không tiền mặt 2024 cũng chính thức được khai mạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ và Khu Thương xá Tax (cũ), Q.1, TP.HCM. Tại đây, Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cũng công bố Chương trình Khuyến mại tập trung – Mùa mua sắm "Shopping Season" năm 2024.
Lễ hội Không tiền mặt 2024 thu hút đông đảo người dân đến trải nghiệm các dịch vụ
Từ ngày 14-16/6, người dân tham gia lễ hội sẽ có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau như: khám phá lịch sử tiền tệ, các phương thức thanh toán hiện đại, trải nghiệm công nghệ không dùng tiền mặt; hướng dẫn về cách thanh toán an toàn và bảo mật; cùng tham gia Workshop "Khéo khôn với tiền"... Các hoạt động nhằm thúc đẩy việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, mang lại sự tiện lợi và đảm bảo an toàn cho người dân.