(Tổ Quốc) - Cuộc phỏng vấn là khoảng thời gian quý giá mà nhà tuyển dụng dành riêng cho từng ứng viên. Thay vì tận dụng khoảng thời gian này để thể hiện được ưu thế của bản thân, chinh phục nhà tuyển dụng thì một số ứng viên còn mắc sai lầm đáng tiếc khi trình bày những điều lan man.
Nếu được yêu cầu giới thiệu bản thân khi phỏng vấn, hãy tránh nói 5 điều sau.
Nói quá nhiều về sở thích cá nhân
Sở thích cá nhân chỉ nên là một vài dòng ngắn gọn được đề cập trong CV. Còn trong lúc giới thiệu bản thân khi phỏng vấn bạn không nên đề cập đến nếu như nhà tuyển dụng không nhắc đến. Bởi thực tế, với một người làm việc chuyên nghiệp, sở thích và khả năng làm việc không hề liên quan đến nhau. Một người có năng lực thực sự sẽ biết bỏ qua các yếu tố như sở thích cá nhân hay yếu tố chủ quan, cảm tính để làm việc năng suất. Và bất kì nhà tuyển dụng giàu kinh nghiệm nào cũng nhận thấy rõ điều này.
Việc nói về sở thích cá nhân làm mất thời gian của hai bên trong khi nó không phải một thông tin hữu ích mà nhà tuyển dụng cần biết. Thay vào đó bạn hãy tranh thủ thể hiện bản thân ở góc độ năng lực, kinh nghiệm và sự yêu thích, hứng thú với công việc.
Nói về yêu/ghét cá nhân
Bạn có thể yêu, ghét, ngưỡng mộ… một người nào đó. Điều này hoàn toàn là cảm tính cá nhân bạn. Nó không hề liên quan đến công việc và không chứng tỏ điều gì cả. Dù tìm việc làm 24h tại Hà Nội, TPHCM hay bất cứ đâu, thật vô nghĩa khi bạn chia sẻ với nhà tuyển dụng rằng bạn đã thích hay không thích ai, kể cả đó là đồng nghiệp cũ, sếp cũ, chỗ làm cũ hay một khách hàng dở hơi khó tính nào đó bạn đã từng làm việc cùng.
Nói về yêu ghét cá nhân cũng chứng tỏ bạn là người làm việc thiếu chuyên nghiệp và chắc chắn nó sẽ tiếp diện trong tương lai, với công việc tiếp theo. Tất nhiên không có nhà tuyển dụng nào muốn sở hữu một nhân viên như vậy trong đội ngũ.
Nói chi tiết về gia đình
Nhà tuyển dụng đang làm việc trực tiếp với bạn và chỉ mình bạn mà thôi. Họ không làm việc với những thành viên gia đình bạn và có thể họ không có nhu cầu muốn biết xuất thân, gia cảnh bạn như thế nào. Do đó trong cuộc phỏng vấn tốt nhất không nên đề cập đến nguồn gốc gia đình bạn dù điều đó hoàn toàn có ý nghĩa đặc biệt riêng với bạn.
Một số ứng viên sẽ thấy vô cùng tự hào về gia đình mình hoặc lấy truyền thống ngành nghề gia đình của mình là một ưu thế nếu có người làm công việc trong nghề. Chẳng hạn "Anh trai tôi là X – một lập trình viên xuất sắc đang làm tại đơn vị Y. Vừa qua anh ấy đạt giải thưởng danh giá Z… Chị tôi là A, đang giữ vị trí .. tại…". Nhưng rất ít nhà tuyển dụng quan tâm điều này. Họ chỉ quyết định tuyển dụng những ứng viên có năng lực và thể hiện được bằng chính bản thân mình. Chưa kể, điều này còn làm bạn trở nên một người khoe khoang và dựa hơi trong mắt nhà tuyển dụng.
Nói về thất bại hay bất hạnh bạn gặp phải
Hầu hết ứng viên sẽ không nói về thất bại của bản thân trước đây. Bởi lẽ người ta có câu "tốt khoe xấu che". Điều này là hoàn toàn chính đáng. Thay vào đó, họ sẽ dành thời gian đề cập đến những thành tích của bản thân.
Tuy nhiên, sẽ có một số ứng viên muốn đề cập đến thất bại bản thân đã từng trải qua, hay bất hạnh bạn gặp phải đã "đưa đẩy" bạn tìm đến công việc này. Bạn nên lưu ý, khi giới thiệu về bản thân cần chú ý đến "giới hạn", không nên đề cập dài dòng, mất thời gian và sa đà vào sẽ gây phản ứng ngược. Vô hình chung để lại ấn tượng tiêu cực, yếu kém về bản thân bạn với nhà tuyển dụng.
Tốt nhất bạn nên tránh kể về thất bại mà bản thân đã trải qua, thay vào đó đề cập đến mong muốn hiện tại, mục tiêu và sự kiên trì của bạn.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề nhạy cảm
Đừng mất thời gian bày tỏ ý kiến của mình về một vấn đề, một sự kiện hay tùy tiện nêu quan điểm của mình khi không được nhà tuyển dụng hỏi đến. Một số vấn đề cực kì nhạy cảm như giới tính, nhân quyền… không phải là nội dung bạn nên đề cập đến khi giới thiệu về bản thân. Bạn nên tuyệt đối tránh càng tốt.
Chưa kể nếu ý kiến của bạn có sự khác biệt với nhà tuyển dụng thì sẽ dễ dàng xảy ra bất đồng ý kiến hoặc xung đột khó giải quyết.
Bạn nên tận dụng khoảng thời gian quý giá này thể hiện điểm mạnh của bản thân như học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm trong công việc, nói về mục tiêu chính đáng và bạn đang nỗ lực xây dựng một kế hoạch hợp lí ra sao để thực hiện nó.
Ngoài ra bạn cũng đề cập rằng mình nhận thức được những khó khăn, rủi ro chắc chắn sẽ gặp phải và bạn đã chuẩn bị một "tinh thần thép" – sẵn sàng chịu được áp lực để vượt qua nó. Đây mới là yếu tố giúp gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng trong phần giới thiệu bản thân khi phỏng vấn thay vì những vấn đề ngoài lề.
Ánh Dương