(Tổ Quốc) - DXG huỷ phương án phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu khi bất động sản đang trong cơn khát vốn lớn. Bản thân DXG cũng đang lên phương án huy động tới 15.000 tỷ trái phiếu trong nước và quốc tế.
Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG) vừa thông qua quyết định dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được thông qua tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2021.
Cổ phiếu tăng trần liên tiếp
Cụ thể, đại hội cổ đông thường niên 2021, cổ đông DXG đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu (chiếm 38,59% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho đối tượng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số cổ phiếu được phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Mục đích của đợt phát hành là nhằm huy động vốn cho việc phát triển, mở rộng quỹ đất, bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nguồn vốn.
Tuy nhiên, đến ngày 29/11, Hội đồng quản trị DXG lại quyết định dừng triển khai phương án tăng vốn này. Nguyên nhân được đưa ra là do công ty đã sắp xếp được nguồn vốn khác thay thế cho việc huy động vốn từ phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Động thái này ngay lập tức khiến DXG bật tăng trần liên tiếp 2 phiên 29-30/11 lên mức 32.700 đồng/cổ phiếu bất chấp sự điều chỉnh chung của thị trường, vốn hoá vượt 19.000 tỷ đồng.
Giá DXG trong 1 tuần gần đây tăng dựng đứng.
Trước đó tháng 6/2021, Đất Xanh công bố phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 20.000 đồng, chiết khấu tới 20% bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu DXG trong 20 phiên giao dịch gần nhất trước thời điểm quyết định giá. Sự kiện đã gây rúng động với cổ đông DXG khiến cổ phiếu này bị bán sàn liên tiếp vì thất vọng với giá bán riêng lẻ quá rẻ so với giá cổ phiếu trên sàn lúc đó. Đông đảo nhà đầu tư cho rằng các cổ đông nhỏ lẻ là người bị chịu thiệt nhất trong thương vụ phát hành riêng lẻ này vì giá chiết khấu tới 20%, do đó đơn vị được quyền mua riêng lẻ sẽ được hưởng lợi nhất.
Thời điểm đó rất nhiều nhà đầu tư lên án mạnh mẽ ban lãnh đạo DXG vì phương án phát hành thiếu công bằng này.
Doanh nghiệp bất động sản gần đây liên tục bị Ngân hàng Nhà nước dùng các công cụ chính sách siết dòng tiền từ tổ chức tín dụng chảy vào. Mới đây Thông tư 16 được ban hành cũng siết dòng tiền từ ngân hàng chảy vào doanh nghiệp thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp bất động sản luôn trong tình trạng khát vốn. Vậy nên động thái của DXG khá lạ. Chính ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng thừa nhận giá cổ phiếu DXG đang thấp so với mặt bằng chung của thị trường vì trở ngại phương án phát hành này.
Huỷ phát hành riêng lẻ, DXG sẽ phải huy động từ đâu?
Báo cáo tài chính quý 3 của DXG ghi nhận doanh thu của công ty vượt 1302 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế đạt 160 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm DXG đạt doanh thu 7.819 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1.876 tỷ của cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng vọt lên 1.349 tỷ, trong khi cùng kỳ công ty lỗ 151 tỷ đồng. Nhờ lãi tăng nên lưu chuyển tiền từ kinh doanh của DXG cũng dương 479 tỷ đồng, tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng tăng 166 tỷ, trong khi cùng kỳ âm tới 795 tỷ đồng.
Tiền và tương đương tiền của DXG đạt 4.131 tỷ đồng, tăng 132 % so với đầu năm nay. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn gồm tiền gửi và trái phiếu đạt 822 tỷ.
Tổng tài sản của DXG tính đến 30/9/2021 đã tăng rất mạnh lên hơn 28.500 tỷ đồng, tăng hơn 5.000 tỷ so với đầu năm. trong đó nợ phải trả vượt 15.000 tỷ.
Tuy vậy, DXG có rất nhiều khoản phải thu phức tạp, gồm 1.802 tỷ đồng thu ngắn hạn chủ yếu từ các công ty xây dựng, đầu tư địa ốc; Khoản cho vay các bên liên quan là 751 tỷ đồng trong đó Bất động sản Ngôi sao Phương Nam vay 300 tỷ, Công ty TNHH Đầu tư XNK Tổng hợp Đức Mai vay 439 tỷ đồng.
Ngoài ra, DXG còn có khoản phải thu lớn là tiền ký quỹ, ký cược cho các hợp đồng phân phối dự án bất động sản là 3.624 tỷ đồng; Vốn góp của các hợp đồng hợp tác 537 tỷ đồng; Tạm ứng đầu tư 222 tỷ đồng. Phải thu dài hạn của DXG đạt 1.195 tỷ đồng. như vậy tổng cộng phải thu dài hạn và ngắn hạn khác của DXG đạt 6.288 tỷ đồng.
Hiện DXG đang có 10.212 tỷ đồng hàng tồn kho là các dự án bất động sản dở dang và 376 tỷ ở các bất động sản thành phẩm. Trong đó phải kể đến Dựa sn Gemriverside 1.562 tỷ đồng, Gem Sky World 3.301 tỷ đồng; Opal City 371 tỷ đồng, La maison 554 tỷ đồng; Phố Mơ 384 tỷ…
Với các dự án đang triển khai, rõ ràng DXG vẫn đang rất khát vốn
Tổng vốn DXG đang rót vào các dự án đang đầu tư dở dang đã tăng gần 600 tỷ trong 9 tháng năm 2021. Các dự án này cần vốn rót liên tục để đầu tư, nếu không phát hành riêng lẻ có lẽ công ty sẽ phải tìm đến kênh trái phiếu quốc tế để bổ sung nguồn vốn cho các dự án bất động sản đang triển khai.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16 siết dòng tiền tổ chức tín dụng vào các doanh nghiệp qua kênh trái phiếu doanh nghiệp, trong khi ngân hàng . Do đó, để huy động trong nước lúc này rất khó khăn.
Được biết, mới đây DXG đã đã nộp hồ sơ và được Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore chấp thuận về việc niêm yết trái phiếu quốc tế. Tổng giá trị đợt phát hành có thể đạt tối đa 300 triệu USD. Mục đích của đợt phát hành là nhằm thực hiện chương trình đầu tư bằng hình thức mua cổ phần phát hành mới tại Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An và chi trả các chi phí liên quan đến việc tăng vốn góp theo phương án sử dụng vốn.
Đó là trong trường hợp thành công, nhưng nếu huy động trái phiếu bất thành thì việc dừng phương án phát hành riêng lẻ có thể lại được tái khởi động khi cơn khát vốn của DXG chưa được giải quyết.
Rõ ràng DXG đang cần nguồn vốn lớn để thực hiện các dự án bất động sản. Ban lãnh đạo Đất Xanh cũng nói rằng, DXG đang tiếp tục triển khai những phương án huy động vốn như trái phiếu trong nước, trái phiếu quốc tế với trị giá khoảng 15.000 tỷ đồng trong thời gian tới.
Trong dài hạn, đại diện công ty cho biết giá trị vốn hóa ít nhất 10 tỷ đô vào năm 2030 là một trong những mục tiêu chiến lược của tập đoàn trong 10 năm tới. Chia sẻ về mục tiêu vốn hóa năm 2022, tập đoàn đang kỳ vọng công ty đạt giá trị vốn hóa 2 tỷ USD vào cuối năm 2022, tương đương với thị giá khoảng 70.000đồng/cổ phiếu.
Bạch Huệ