(Tổ Quốc) - "Trong giai đoạn lạm phát và tăng lãi suất sẽ là giai đoạn khó khăn với các nhà đầu tư. Do đó việc đầu tư cũng cần thực hiện cẩn trọng hơn, tránh những ngành quá nhạy cảm với lạm phát và diễn biến tăng lãi suất. Trong danh mục, có thể phân bổ tỷ trọng các cổ phiếu chu kỳ ít đi và nâng tỷ trọng của những ngành phòng thủ, an toàn".
Sau một tuần hồi phục khá tốt từ 1.15x lên mức 1.240 điểm, VN-Index đã neo ở vùng 1.240 điểm 2 phiên giao dịch cuối tuần với áp lực chốt lời của dòng tiền bắt đáy thành công. Sang tuần giao dịch mới, các chuyên gia Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank đã có những chia sẻ góc nhìn về xu hướng thị trường.
Khoảnh khắc Minsky của chứng khoán Việt
Dự báo ngắn hạn dường như rất khó nhưng theo ông, thị trường tuần tới sẽ diễn biến thế nào?
Ông Bùi Văn Huy: Trước tuần phục hồi tuần qua, thị trường đã có 6 tuần giảm điểm liên tiếp với tốc độ giảm chưa từng thấy trong những năm qua. Do đó việc thị trường phục hồi sau khi quá bán là một điều rất dễ hiểu, đặc biệt là khi thị trường đã rơi về quanh vùng rất quan trọng nhiều năm qua – quanh 1.200 điểm. Thông thường những nhịp sóng hồi như vậy sẽ kéo dài từ 1-3 tuần. Sự hồi phục tuần qua đã ít nhiều giải tỏa tâm lý cho thị trường. Những ai bắt đáy T cũng đã có lãi, còn những ai thua lỗ và kẹp margin cũng đã có cơ hội để cơ cấu.
Hiện tại theo phân tích kỹ thuật, xu hướng dài hạn, ngắn hạn, trung hạn của thị trường đều là giảm điểm. Thị trường mới chỉ có những nỗ lực hồi phục đầu tiên, do đó cũng thật khó mà có thể đưa ra lời khẳng định thị trường đã thực sự tạo đáy hay chưa. Một kịch bản đẹp với việc thị trường tiếp tục đi ngang, trụ được trên ngưỡng 1.200 trong quãng thời gian tới để phân phối nguồn cung ở đỉnh sẽ là một kịch bản đẹp cho phần còn lại của quý 2.
Thời gian qua với nhiều người, đà rơi có phần vô lý khi thị trường giảm quá nhanh và mức định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn. Bối cảnh thế giới và trong nước không quá thuận lợi nhưng cũng khó tưởng tượng chỉ trong 6-7 tuần mà có lúc VN-Index đã rơi gần 400 điểm.
Là một người cũng tham gia thị trường, tôi cũng băn khoăn để tìm câu trả lời về điều này để liệu cách vận động hiện tại theo mô hình lý thuyết nào, để có thể nhìn vào yếu tố nào để đánh giá đúng, dự báo về cách vận động của thị trường. Tôi có đọc lại một bài báo viết về thị trường chứng khoán Mỹ hồi đầu năm trên một trang tin uy tín của nước ngoài "This Time Is Different – The Fed's Next 'Minsky Moment" và liên tưởng thấy rằng Việt Nam đang diễn ra một Minsky Moment (khoảnh khắc Minsky) giai đoạn sớm. Ở đó các chính sách trong thời gian qua, rất kiên quyết, kịp thời, dù có tác động đến việc thị trường chứng khoán rơi nhanh, nhưng có thể ngăn chặn những bất ổn thậm chí còn lớn hơn trong tương lai.
Hyman Minsky (1919 – 1996), một người theo trường phái Keynes, nổi tiếng với lý thuyết về sự ổn định bất ổn (stability is unstable). Theo Minsky, có một khoảnh khắc mà ở đó hệ thống tài chính di chuyển từ trạng thái ổn định sang trạng thái bất ổn (thường được gọi là khoảnh khắc Minsky). Nói cách khác, khoảnh khắc Minsky là khi các nhà đầu tư sử dụng nợ vay buộc phải bán các tài sản của mình để hoàn trả nợ vay, dẫn đến một sự sụt giảm mạnh trên thị trường tài chính. Ở bất kỳ chu kỳ tín dụng hoặc kinh doanh nào thì khoảnh khắc Minsky là điểm mà ở đó các nhà đầu tư bắt đầu gặp khó khăn về dòng tiền do vòng xoáy nợ nần gây ra do việc tài trợ các khoản đầu tư mang tính rủi ro cao. Ở điểm này, làn sóng bán mạnh diễn ra dẫn đến việc suy giảm thanh khoản và sự sụt giảm bất ngờ của thị trường tài chính.
Nguồn: Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới HSC
Thị trường đầu cơ giá lên trong suốt thời gian qua được xây dựng trên nền tảng lớn của nợ vay. Chính sách siết chặt thị trường trái phiếu và thanh tra, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, cùng với đó là những bất ổn từ thị trường thế giới khiến Khoảnh khắc Minsky được kích hoạt. Khi điều này diễn ra, thị trường sẽ rơi mạnh, ra khỏi các tư duy thông thường của thị trường chứng khoán do làn sóng giảm quy mô nợ (Deleveraging) của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân.
Đối với thị trường trái phiếu, số liệu trong tháng 4 đã cho thấy, tháng 4/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lao dốc 33% so với cùng kỳ. Còn tính từ đầu năm đến cuối tháng 4, tổng khối lượng mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Làn sóng này có thể còn tiếp tục trong quý II.
Đối với vay nợ margin trên thị trường cổ phiếu, theo số liệu của Fiinpro, trong quãng thời gian dài khoảng 10 năm trở lại đây, dư nợ margin đã tăng nhanh hơn quy mô thị trường rất nhiều. Cú sụp 2018 không khiến dư nợ margin giảm nhiều mà sau đó còn tăng mạnh khi kênh cho vay kỹ quỹ cổ phiếu trở thành kênh tín dụng của nhiều cá nhân quy mô lớn. Đặc biệt từ khi làn sóng nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường, dư nợ margin càng tăng mạnh, ngoài vay margin, nhiều nhà đầu tư đã vay nợ ngân hàng và huy động ở nhiều nguồn khác trước khi đầu tư vào thị trường cổ phiếu. Điều này đã tạo sự bất ổn tiềm tàng. Khi thị trường rơi sâu, làn sóng chủ động giảm margin để giảm áp lực nợ trong thị trường cổ phiếu nếu tiếp tục diễn ra sẽ là áp lực đối với thị trường. Số liệu cho vay ký quỹ quý 2 sẽ cho thấy rõ hơn bức tranh.
Tất cả những ý ở trên tôi không bình luận thị trường đã tạo đáy hay chưa, cũng có thể đã tạo đáy rồi chẳng hạn, chỉ là để lý giải một cách sát nhất diễn biến thị trường. Tôi cũng không đánh giá thấp việc nhìn nhận bối cảnh, triển vọng vĩ mô,… mà chỉ muốn làm rõ yếu tố nào là quan trọng nhất. Ở đó, việc thị trường có đi xuống nữa hay không phụ thuộc vào quá trình giảm quy mô nợ (Deleveraging) của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đã diễn ra xong hay chưa. Ở đó, các tư duy thông thường về thị trường chứng khoán như nhìn triển vọng lợi nhuận, mức định giá thị trường, doanh nghiệp… đều có thể bị sai lệch. Do đó không bi quan nhưng cần sự cẩn trọng nhất định, quan sát tỉ mỉ và luôn có những phương án dự phòng.
Nguồn: Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới HSC
Ông Phan Dũng Khánh: Thị trường có thể vẫn tiếp tục đà phục hồi tuy nhiên khả năng "thị trường con gấu" vẫn còn trong bối cảnh dòng tiền yếu, thanh khoản thấp, động lực từ nhà đầu tư cá nhân vốn là bệ đỡ cho thị trường suy yếu, đã có nhiều phiên bán ròng chưa kể tình trạng "kẹp hàng" do dùng margin quá mức hoặc tiếc nuối chưa muốn bán cũng khiến động lực thị trường yếu và dòng tiền mới còn e ngại khi mà tiền tệ có xu hướng thắt chặt hơn. Tuy vậy việc giảm quá nhiều trong thời gian ngắn cũng làm lực bán tạm thời giảm đi do giá quá thấp nên lực mua có thể không quá mạnh nhưng cũng có thể giúp thị trường phục hồi ngắn hạn.
Bao giờ dòng tiền trở lại?
Thanh khoản thị trường đang khá thấp, nhỏ hơn nhiều so với thị trường phái sinh đang sôi động. Theo ông, hiện tượng này sẽ kéo dài đến khi nào. Bao giờ dòng tiền sẽ trở lại?
Ông Bùi Văn Huy: Tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường phái sinh chỉ tăng mạnh về thanh khoản, còn quy mô và độ sâu thị trường không tăng nhiều, điều này thể hiện rõ nét qua hợp đồng mở (OI). Có chăng là tần suất giao dịch trong phiên tăng lên đáng kể. Do đó, khi nào thị trường bình ổn trở lại, thanh khoản thị trường phái sinh một lần nữa sẽ quay trở lại mức bình thường khoảng 200-250 ngàn hợp đồng/phiên là trạng thái bình thường. Quá khứ đã chứng minh điều đó.
Còn đối với thị trường cơ sở, để thị trường ngừng rơi và thanh khoản cải thiện, quá trình giảm quy mô nợ (Deleveraging) của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu cần diễn ra xong.
Ông Phan Dũng Khánh: Thị trường phái sinh do tính giá trị bao gồm cả mức đòn bẩy nên nhìn rất lớn nhưng tiền tươi sẽ có tỷ lệ nhỏ hơn. Tuy nhiên khi thị trường cơ sở yếu thì chỉ có phái sinh có cơ hội kiếm tiền rõ ràng hơn khi ít nhất thị trường này có thể đầu tư ở thị trường giá xuống được.
Một khi thị trường cơ sở còn yếu thì thị trường phái sinh sẽ có tiếp tục cơ hội tuy nhiên do mức độ đòn bẩy cao hơn cơ sở cũng như biến động lớn hơn và nhiều loại phí sẽ khó có thể giúp nhà đầu tư nào trụ lại lâu, đặc biệt các nhà đầu tư có xu hướng "gỡ gạc" từ thị trường cơ sở sẽ càng khó hơn. Chỉ có những nhà đầu tư sử dụng phái sinh nhằm mục tiêu phòng vệ hoặc dùng tỷ trọng tiền nhỏ, không "ăn thua đủ" với thị trường thì mới có thể trụ được trên thị trường phái sinh.
Nguồn: Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới HSC
Chúng ta mới ở thời kỳ đầu của việc thắt chặt tiền tệ, ở Việt Nam thậm chí Ngân hàng Nhà nước còn chưa nâng lãi suất trở lại mà thị trường chứng khoán đã điều chỉnh. Fed nói rằng họ sẽ tăng lãi suất đến khi nào lạm phát hạ nhiệt. Theo dõi giá dầu thế giới đang tăng trở lại, đặc biệt nếu Trung Quốc bỏ chính sách zero covid giá dầu rất có thể tăng mạnh tiếp, trong khi giá than đã tiệm cận đỉnh cũ 420 usd/tấn. Nhiều dấu hiệu cho thấy giá hàng hoá vẫn leo thang. Thị trường chứng khoán sẽ ra sao nếu như giá hàng hoá tăng mạnh tiếp?
Ông Bùi Văn Huy: Về bối cảnh thị trường thế giới, có ba chủ điểm chính là (1) Lạm phát và quá trình tăng lãi suất của FED (2) Chiến sự tại Ukraine và (3) Trung Quốc và Zero Covid. Trong đó, diễn biến tại Trung Quốc có những chuyển biến tích cực, còn lại (1) và (2) chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện.
Nhiều thành phố lớn của Trung Quốc đã dỡ phong tỏa và Trung Quốc đã có thông tin về gói kích thích kinh tế của mình. Điều này khiến cầu cho nhiều loại hàng hóa cơ bản tăng, nhưng ngược lại cũng giải quyết được vấn đề nguồn cung và đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó việc này có lợi nhiều hơn có hại và về lâu dài áp lực lạm phát do khan hiếm sẽ giảm đi. Về tác động của gói kích thích kinh tế của Trung Quốc đến thị trường thế giới, theo tôi nghĩ là không nhiều.
Ông Phan Dũng Khánh: Dù ở Việt Nam chỉ mới có một số ngân hàng thương mại vừa và nhỏ tăng lãi suất ở mức độ nhẹ, còn xu hướng chung và chính sách vẫn tiếp tục kích cầu hỗ trợ kinh tế đồng thời định hướng dòng tiền và hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh việc chảy vào các kênh đầu cơ. Tuy nhiên khi nền kinh tế Việt Nam hòa nhập với thế giới thì việc thế giới đang bị tác động mạnh bởi lạm phát, tiền tệ thắt chặt khắp nơi thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng phần nào. Việc chứng khoán Mỹ và thế giới cũng giảm mạnh thời gian qua cũng tác động đến chứng khoán Việt Nam.
Giá cả hàng hoá tiếp tục leo thang là vấn đề đáng lo ngại cho thấy cần nhiều biện pháp để kiểm soát cũng như giá cả tăng quá nhanh sẽ ngăn cản động lực tăng trưởng kinh tế. Do đó ngoại trừ một số ít nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ lạm phát nhìn chung thị trường chứng khoán cũng sẽ bị ảnh hưởng cho đến khi mọi thứ ổn định lại.
Luôn phải có tỷ lệ tiền mặt trên tài khoản vì thị trường còn tiềm ẩn rủi ro
Hai năm 2020-2021 là con sóng thần của chứng khoán, nhà đầu tư thắng lớn nhưng chỉ gần 2 tháng qua họ đã mất đi khá nhiều. Hiện những nhà đầu tư này đang rất nóng lòng muốn gỡ lỗ nhanh. Theo ông, sẽ có một sóng mới ngay sau một nhịp điều chỉnh sâu vừa qua không, hay thị trường cũng cần thời gian đủ dài nghỉ ngơi?
Ông Bùi Văn Huy: Trong giai đoạn lạm phát và tăng lãi suất sẽ là giai đoạn khó khăn với các nhà đầu tư. Do đó việc đầu tư cũng cần thực hiện cẩn trọng hơn, tránh những ngành quá nhạy cảm với lạm phát và diễn biến tăng lãi suất. Trong danh mục, có thể phân bổ tỷ trọng các cổ phiếu chu kỳ ít đi và nâng tỷ trọng của những ngành phòng thủ, an toàn. Nhiều ý kiến đều cho rằng định giá thị trường đã rất hấp dẫn, tôi cũng phần nào đồng ý với điều đó, nhưng việc mua vào cần trên quan điểm dài hạn và đảm bảo tài khoản an toàn.
Hiện tại muốn gỡ lỗ ngay lập tức theo anh là rất khó, đặc biệt là đã thua lỗ nặng. Thị trường còn nhiều ẩn số như tôi đã phân tích ở trên, nên cũng không thể vội vàng được. Thị trường vẫn luôn vận động và khi thị trường điều chỉnh, lại mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn. Đầu tư là quá trình lâu dài, tất nhiên sẽ có những lúc thuận lợi, có những lúc khó khăn. Đối với nhà đầu tư dài hạn, cần có chiến lược giải ngân từng phần và luôn đảm bảo tài khoản an toàn. Chưa có dấu hiệu rõ ràng rằng thị trường đã tạo đáy và đừng cố đoán đáy.
Ông Phan Dũng Khánh: Nhà đầu tư nên hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy, mỗi khi xuống tiền cần phải cân nhắc nhiều hơn lúc bình thường. Luôn giữ tỷ trọng tiền mặt trong danh mục, không bao giờ được tất tay, "ăn thua đủ" với thị trường là điều hoàn toàn không nên. Thậm chí nếu cảm thấy không kiểm soát được việc đầu tư hay khó kiếm tiền trong giai đoạn hiện tại thì đứng ngoài cũng là một chiến lược để đợi khi thị trường tích lũy, lạm phát trên toàn cầu được kiểm soát, chính sách trên thế giới được nới lỏng hơn thì hẵng quay trở lại thị trường.
Sóng hồi nhiều khả năng là hình thành xu hướng tăng mới. Một khi dòng tiền còn yếu, động lực thị trường suy giảm thì cần có thời gian tích lũy trước khi đi vào một xu hướng tăng thật sự. Trước mắt những pha phục hồi mang tính điều chỉnh nhiều hơn là quay trở lại một xu hướng tăng.
Xin cám ơn các ông!
Anh Minh